Nhiều mô hình hay
Trước Tết Nguyên đán 2023, bà Hồ Thúy Phượng (45 tuổi), nhân viên phục vụ Trường Tiểu học Hồ Văn Cường (quận Tân Phú) như chết lặng khi được bác sĩ thông báo mắc bệnh ung thư vú giai đoạn 3. Ngoài lo lắng cho sức khỏe bản thân, tương lai của 2 con sinh đôi đang học cao đẳng, chi phí điều trị lớn là cả vấn đề đối với gia đình bà. Khi đó, nếu không có tổ chức công đoàn, gia đình bà Phượng không biết phải xoay xở ra sao để ổn định cuộc sống.
"Cảm thông với hoàn cảnh của gia đình tôi, ban chấp hành công đoàn trường đã vận động cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh đóng góp hỗ trợ hơn 100 triệu đồng, giúp tôi có thêm chi phí điều trị. Ngoài ra, công đoàn trường đã tặng tôi thêm một sổ tiết kiệm 3 triệu đồng và phần quà trị giá 500.000 đồng nhân dịp hưởng ứng công trình "Tiếp sức", do Liên đoàn lao động ( LĐLĐ) quận Tân Phú phát động. Chính nhờ sự quan tâm của tổ chức công đoàn kịp thời trong lúc gia đình tôi khó khăn nhất, chúng tôi có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống và yên tâm lo cho các con ăn học tiếp tục", bà Phượng chia sẻ.
Hiện nay, để chăm lo cho người lao động bị bệnh hiểm nghèo, nhiều công đoàn tại TP Hồ Chí Minh phát triển nhiều mô hình hay. Cụ thể, mô hình "1+1", một công đoàn cơ sở nhận chăm lo ít nhất một đoàn viên, người lao động bị bệnh hiểm nghèo, do LĐLĐ quận Bình Tân phát động. Ngay khi mô hình này ra đời đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của rất nhiều công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Vì vậy, từ tháng 4 đến nay đã có 34 người lao động mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn hiện đang làm việc tại các công ty, đơn vị trên địa bàn quận được các công đoàn cơ sở (đại diện cho các doanh nghiệp) nhận hỗ trợ chăm lo với kinh phí từ 500 nghìn đồng đến một triệu đồng/người/tháng, hỗ trợ trong 12 tháng.
Chị Võ Thị Yến, công nhân Công ty Fuchun, rất xúc động khi hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bản thân bị suy thận giai đoạn 4 đã được Công ty TNHH Tươi Mart hỗ trợ một triệu đồng/tháng. Chị Võ Thị Yến cho biết: "Sự hỗ trợ, quan tâm động viên của công đoàn công ty, chủ doanh nghiệp đã giúp tôi yên tâm công tác, chăm lo cho gia đình cũng như cố gắng vượt qua hoàn cảnh khó khăn để ổn định lại cuộc sống gia đình, tập trung hoàn thành tốt nhất công việc được giao".
Chia sẻ về mô hình này, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân cho biết, "1+1" là mô hình mới, hy vọng giúp đoàn viên, người lao động bị bệnh hiểm nghèo sống lạc quan, yêu đời, có ý chí vươn lên trong cuộc sống, thoát khỏi bệnh tật, tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội.
Đến nay, chương trình ý nghĩa này đã nhận được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, đơn vị với tổng kinh phí là 488 triệu đồng. Trong đó, Công ty TNHH Tươi Mart đã nhận hỗ trợ 15 người lao động bị bệnh hiểm nghèo, mức hỗ trợ một triệu đồng/người/tháng, trong thời gian một năm. Đây là hành động quan tâm thiết thực, tạo sự lan tỏa để tiếp sức cho người lao động yên tâm làm việc lâu dài...
Ngoài ra, Tổ chức tài chính vi mô CEP chi nhánh Bình Tân phối hợp cùng LĐLĐ quận Bình Tân hỗ trợ vốn vay cho 10 công nhân lao động ở trọ với tổng số tiền 300 triệu đồng. LĐLĐ quận còn phối hợp Bệnh viện Y dược Sài Gòn và Công ty cổ phần Đầu tư Siêu thị Công đoàn Việt Nam tổ chức khám và phát thuốc miễn phí cho gần 500 nữ đoàn viên công đoàn...
Cải thiện chế độ lương, thưởng, phúc lợi
Trong Tháng công nhân, các công đoàn cơ sở, LĐLĐ quận, huyện ngoài chăm lo cho công đoàn viên của mình còn chăm lo đoàn viên ở các nghiệp đoàn khác có hoàn cảnh khó khăn như: chạy xe ôm, giúp việc nhà...
Ông Nguyễn Văn My (65 tuổi, ngụ ở đường Mã Lộ, Quận 1) xúc động cho biết: "Tôi tham gia nghiệp đoàn Xe ôm Quận 1 từ rất lâu, nay được nghiệp đoàn và Quận 1 quan tâm tặng quà nên gia đình cảm thấy như được tiếp sức".
Ông My cho biết, điểm chở khách mỗi ngày của ông là Bệnh viện Quận 1 và chợ Tân Định vì gần nhà, tuổi lại cao nên không thể chạy xa, mỗi ngày trung bình kiếm khoảng 100 nghìn đồng. Con trai ông có sức khỏe nên chạy Grab, vợ làm thuê cho nên thu nhập của gia đình cũng ổn.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP Hồ Chí Minh cho biết, Tháng Công nhân năm 2023 diễn ra trong thời điểm các cấp công đoàn đang tích cực, phấn khởi tổ chức Đại hội tiến tới Đại hội XII Công đoàn TP Hồ Chí Minh và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Trong Tháng Công nhân, các cấp công đoàn thành phố sẽ tiến hành thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động về việc làm, tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi, phụ cấp độc hại và điều kiện về an toàn vệ sinh lao động của người lao động; tổ chức các hoạt động "cảm ơn người lao động"; đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp; phát động chương trình "Mỗi công đoàn cơ sở, một lợi ích đoàn viên"; hưởng ứng Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động; gắn hoạt động Tháng công nhân với tổ chức Đại hội Công đoàn các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XII Công đoàn thành phố, nhiệm kỳ 2023-2028.
"Chúng tôi rất mong cộng đồng doanh nghiệp sẽ nhanh chóng khôi phục và phát triển bền vững để tạo ra nhiều việc làm hơn, ổn định hơn, qua đó quan tâm hơn nữa đến việc cải thiện chế độ lương, thưởng, bữa ăn ca, phúc lợi dành cho người lao động", ông Trung nhấn mạnh.
Theo ông Trần Đoàn Trung, qua 15 lần tổ chức, Tháng Công nhân đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị quan trọng hàng năm, cùng nhau ôn lại truyền thống tốt đẹp của giai cấp công nhân trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; củng cố tình đoàn kết quốc tế của giai cấp vô sản. Tinh thần và truyền thống quý báu đó là hành trang đầy tự hào để đội ngũ công nhân, viên chức, lao động TP Hồ Chí Minh tiếp tục nỗ lực vượt khó, đóng góp nhiều hơn, hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng và phát triển thành phố - xứng tầm là một đô thị đặc biệt, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn 2045 mà Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Bài, ảnh: Hoàng Tuyết
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tp-ho-chi-minh-tap-trung-cham-lo-cho-nguoi-lao-dong-trong-thang-cong-nhan-a30321.html