Quy định mới từ thời điểm 1/6
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BLĐTBXH ngày 12/4/2023 sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Thông tư số 09/2022/TT-BLĐTBXH ngày 25/5/2022 hướng dẫn một số nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình). Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2023.
Gia đình ông Bùi Đức Lý (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế theo mô hình VAC, đã thoát nghèo vươn lên thành hộ khá trên địa bàn.
Cụ thể, về phạm vi áp dụng, Thông tư hướng dẫn một số nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quyết định số 90/QĐ-TTg) với hai nội dung sau.
Thứ nhất, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (Dự án 2) theo quy định tại khoản 2 Mục III Chương trình bao gồm: hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại các khoản 9, 10, 11, 12 và 13 Điều 3 Chương I, các điều 21, 22, 23 và 24 Chương V Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Thứ hai, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Tiểu dự án 2 Dự án 4) theo quy định tại điểm b khoản 4 Mục III của Chương trình.
Mỗi mô hình, dự án giảm nghèo thực hiện tối đa 3 năm
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, dự án 2 “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” hướng tới mục tiêu cụ thể.
Đó là: Hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, bảo vệ môi trường, tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Đến năm 2025, dự án 2 “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” có thể hỗ trợ xây dựng, nhân rộng hơn 1.000 mô hình, dự án giảm nghèo.
Nội dung hỗ trợ xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, vật tư, công cụ, máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất; xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cộng đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan và các nội dung khác theo quy định của pháp luật; mô hình giảm nghèo gắn với quốc phòng, an ninh. Cùng với đó, tổ chức các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng; phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật.
Tổng nhu cầu vốn thực hiện của dự án này là 10.550 tỷ đồng. Thời gian thực hiện mỗi dự án tối đa 3 năm.
Đến năm 2025, dự án 2 có thể hỗ trợ xây dựng, nhân rộng hơn 1.000 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Tiểu dự án 2 “Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” nằm trong dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững của Chương trình.
Mục tiêu của tiểu dự án nhằm đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ hoạt động đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững, nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Đến năm 2025, mục tiêu của tiểu dự án 2 giúp 9.500 người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đào tạo về đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ tiền đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí, tiền ở trong thời gian tham gia đào tạo (bao gồm cả thời gian tham gia giáo dục định hướng), trang cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu; chi phí khám sức khỏe, hộ chiếu, thị thực và lý lịch tư pháp; giới thiệu, tư vấn cho người lao động và thân nhân người lao động.
Ngoài ra, hỗ trợ một phần chi phí đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân tộc thiểu số, người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Tổng nhu cầu vốn thực hiện tiểu dự án này là 570 tỷ đồng.
Đến năm 2025, mục tiêu của tiểu dự án này giúp 9.500 người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đào tạo về đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
NGÂN ANH
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/sua-doi-bo-sung-huong-dan-da-dang-hoa-sinh-ke-phat-trien-mo-hinh-giam-ngheo-tu-16-a30297.html