Lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

Với việc đẩy mạnh công tác truyền thông cộng đồng, phong trào hiến máu tình nguyện đã và đang có sức lan tỏa sâu rộng trên địa bàn cả nước. Tình cảm yêu thương, trách nhiệm của toàn xã hội và sự hưởng ứng, lan tỏa mạnh mẽ của cộng đồng đã góp phần hiện thực hóa mục đích cao đẹp của hoạt động hiến máu tình nguyện…

Được biết đến với vai trò một trong những địa phương tiêu biểu về thực hiện phong trào hiến máu tình nguyện, từ khi phong trào được triển khai đến hết năm 2022, toàn Thành phố Hồ Chí Minh đã vận động hơn 2,8 triệu người tham gia hiến trên 3 triệu đơn vị máu. Ngân hàng máu dự trữ của Thành phố Hồ Chí Minh luôn đảm bảo nguồn máu cho cấp cứu và điều trị cho trên 150 bệnh viện địa bàn Thành phố và hỗ trợ cho một số tỉnh miền Tây Nam bộ.

Liên tục trong nhiều năm, Thành phố Hồ Chí Minh luôn là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng, chất lượng máu; lượng máu tiếp nhận tương đương bằng 1/5 tổng đơn vị máu cả nước; số lượng người tham gia hiến máu tình nguyện năm sau luôn cao hơn năm trước, nhất là trong những năm gần đây lượng máu hiến 350ml - 450ml tăng rõ rệt (hơn 87%) và tỷ lệ máu bệnh giảm nhiều. Hằng năm, nhiều chiến dịch hiến máu tình nguyện trọng điểm đã được thực hiện có hiệu quả như: Chiến dịch “Lễ hội Xuân hồng”; Chiến dịch “Những giọt máu hồng hè”; chiến dịch “Hành trình Đỏ"…

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 17 cá nhân hiến máu tiêu biểu. Ảnh: Vũ Phong.

Tìm hiểu được biết, cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, tại hầu hết các tỉnh, thành khác trong cả nước, phong trào hiến máu tình nguyện đã và đang có sức lan tỏa sâu rộng.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, cả nước hiện có hơn 4.000 câu lạc bộ hiến máu hoạt động với mạng lưới hơn 135.000 thành viên. Không ít câu lạc bộ tập trung những người làm ngân hàng máu “di động”, sẵn sàng tiếp ứng máu cho bệnh nhân bất cứ lúc nào họ cần, như: Câu lạc bộ hiến máu dự bị, câu lạc bộ máu hiếm... Công tác xây dựng lực lượng hiến máu dự bị ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo cũng được các cơ quan chức năng triển khai hiệu quả.

Nhờ đó, lượng máu nhận về ngày một tăng. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, cả nước vận động và tiếp nhận khoảng hơn 1,4 triệu đơn vị máu, trong đó, lượng máu nhận về từ phong trào hiến máu tình nguyện đạt 99%.

Thực tế, góp phần quan trọng tạo lên sự lan tỏa đó chính là công tác truyền thông trong việc giúp nâng cao nhận thức chung của cộng đồng về việc hiến máu tình nguyện. Cách đây chưa lâu, phong trào hiến máu tình nguyện chưa quen thuộc với nhiều người. Khi thấy các tổ, nhóm tình nguyện tuyên truyền về tác dụng, ý nghĩa nhân văn của việc hiến máu, không ít người hoài nghi, tạo ra những rào cản tâm lý, dẫn đến số người hiến máu rất ít.

Song nhờ đẩy mạnh truyền thông đã tạo đà đưa phong trào hiến máu tình nguyện lan tỏa, thấm sâu trong đời sống cộng đồng. Ngày càng có nhiều cán bộ, hội viên, tình nguyện viên của phong trào hiến máu tình nguyện là những người tiên phong hiến máu, rồi vận động người thân, bạn bè cùng tham gia. Khi thấy những người xung quanh hiến máu không làm ảnh hưởng đến sức khỏe, lại có thể góp phần mang lại sự sống cho người bệnh, phong trào hiến máu tình nguyện dần thu hút nhiều người dân tham gia, tạo thành phong trào rộng lớn, có sức sống bền bỉ.

Là người có nhiều năm đồng hành cùng phong trào hiến máu tình nguyện, PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đánh giá, hiện nay, lượng máu tiếp nhận cơ bản cung cấp đủ cho điều trị và nhu cầu cấp cứu bệnh nhân. Một tín hiệu tích cực là nếu như các năm trước, người hiến máu chủ yếu là thanh niên, sinh viên tham gia các lễ hội, chương trình hiến máu, thì những năm gần đây, các hoạt động hiến máu diễn ra liên tục, đến từng cơ sở. Người hiến máu đa dạng lứa tuổi, thành phần, từ người dân, người lao động bình thường, đến cán bộ, viên chức, cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng công an, tăng ni, phật tử…; tỷ lệ đơn vị máu thể tích 350ml trở lên đã đạt 80,2%, tỷ lệ người hiến máu nhắc lại, người hiến máu thường xuyên ngày càng được nâng cao.

 Phong trào hiến máu tình nguyện thu hút sự tham gia của nhiều bạn trẻ. Ảnh: Vũ Phong.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, phong trào vận động hiến máu tình nguyện hiện vẫn gặp một số khó khăn như: Nhận thức của người dân về hoạt động hiến máu tình nguyện một số nơi còn hạn chế; sự quan tâm, vào cuộc của các nhà quản lý một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương chưa thật sự mạnh mẽ; các chương trình hiến máu tình nguyện được tổ chức chưa đồng đều trong năm; công tác tôn vinh, khen thưởng ở cấp cơ sở, cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm thường xuyên và tương xứng với thành tích vận động hiến máu tình nguyện; nguồn kinh phí cho công tác hiến máu tình nguyện hạn hẹp, hoạt động tuyên truyền vận động hiến máu chủ yếu dựa trên tinh thần tình nguyện của các lực lượng tình nguyện viên, tuyên truyền viên…

Để phong trào hiến máu tình nguyện tiếp tục lan tỏa sâu rộng, thời gian tới các địa phương cần tăng cường quan tâm xây dựng mạng lưới người hiến máu bao phủ nhiều nhóm đối tượng, trải rộng nhiều địa bàn, từ mô hình tổ, nhóm, câu lạc bộ hiến máu, đến gia đình, dòng họ hiến máu, tuyến phố hiến máu, rộng hơn là mô hình xã, phường, thị trấn hiến máu. Trong công tác tuyên truyền, vận động, chú trọng phát huy vai trò của lực lượng cán bộ, hội viên chữ thập đỏ, thanh niên, sinh viên tình nguyện, cán bộ các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở là lực lượng hạt nhân, nòng cốt, cũng là người tiên phong, gương mẫu hiến máu.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức về ý nghĩa, mục đích, tính nhân đạo cao cả của hiến máu tình nguyện. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể liên quan trong việc kiểm tra, giám sát, chuẩn bị các điều kiện tổ chức hiến máu bảo đảm an toàn; tăng cường vận động người tham gia hiến máu nhắc lại, hiến máu nhiều lần trong toàn xã hội; đặc biệt chú trọng công tác biểu dương, khen thưởng và nhân rộng những tập thể, cá nhân hiến máu tiêu biểu trong cộng đồng.

Tình cảm yêu thương, trách nhiệm của toàn xã hội và sự hưởng ứng, lan tỏa mạnh mẽ của cộng đồng sẽ góp phần hiện thực hóa mục đích cao đẹp của hoạt động hiến máu tình nguyện; mang giọt máu nghĩa tình đến với những nạn nhân tai nạn giao thông cần được cấp cứu, những bệnh nhân nghèo cần máu, đúng với tinh thần “giọt máu trao đi, cuộc đời ở lại”./

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/lan-toa-phong-trao-hien-mau-tinh-nguyen-a30261.html