Thói quen tin báo định kỳ hiến máu trong điện thoại
“Giọt máu cho đi biết bao yêu thương ở lại”, đó là câu chia sẻ khởi đầu cho cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và Trung tá Phan Quang Pháp (SN 1973), Trạm trưởng Trạm CSGT Cửa ô Hòa Hải, Phòng CSGT, Công an Đà Nẵng. Anh kể, thuở thiếu thời, chỉ ăn và chơi chưa bao giờ biết đến chuyện hiến máu. Năm 22 tuổi, tham gia lực lượng công an, được vận động của cơ quan, anh lần đầu tham gia.
Còn nhớ, lần ấy, thấy chiếc kim to quá, tay run run, trong lòng có chút lo lắng. Nhưng, khi được các y bác sĩ động viên, đón tiếp thân tình, anh như được tiếp thêm sức mạnh. Trái với điều anh lo nghĩ, kim tiêm vào tay chỉ như muỗi đốt. Nhìn những giọt máu trên cơ thể mình truyền qua đường ống, lưu lại trong bịch chứa, anh nghĩ đến viễn cảnh nó sẽ giúp cho những người thiếu máu qua cơn nguy kịch. “Tôi thấy vui và tự dặn lòng sẽ tiếp tục hiến máu”, anh Pháp nói.
Thời gian như chớp mắt. Kỷ niệm ấy vậy mà đã trải qua 28 năm. Nhẩm tính, anh Pháp đã 45 lần hiến máu. Đến nay, lịch trình hiến máu của anh đều đặn được đặt tin báo trong điện thoại. Đúng 3 tháng, tin nhắn reo, anh lại đến bệnh viện theo chu kỳ. Nó trở thành một thói quen mà anh không thể bỏ lỡ. Mỗi lần nhận tin báo, anh lại bỏ bữa cà phê sáng. “Mặc dù rất nhiều lần hiến máu, nhưng mỗi khi đến, tôi vẫn được khám sàng lọc. Không được uống cà phê hay sữa, cả hai thức uống này đều thuộc danh mục khuyến cáo không sử dụng trước khi hiến máu”, anh truyền đạt kinh nghiệm.
Đối với anh Pháp, hiến máu cứu người cũng như một phần trong công việc bảo vệ nhân dân, trách nhiệm của người chiến sĩ Công an. Trên hành trình mang lại sự sống cho người bệnh cần máu, anh có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Không ít lần, đang trong ca trực, nhận được điện thoại bệnh viện cần máu, anh không ngần ngại xin phép đơn vị được đi hiến máu.
Hay, vào 2/9/2021, mùa dịch Covid-19 đỉnh điểm, kho máu sống tại Tp.Đà Nẵng cạn kiệt. Biết được điều này, anh cùng 5 chiến sĩ thuộc Phòng CSGT, Công an Thành phố Đà Nẵng xung kích hưởng ứng lời kêu gọi của Ban chỉ đạo Hiến máu tình nguyện Đà Nẵng về hiến máu đột xuất tại Bệnh viện Đà Nẵng để cứu chữa cho những bệnh nhân Covid-19 nguy kịch. Mỗi người hiến được 350ml máu. Thời điểm dịch bệnh phức tạp, các anh luôn nhắc nhở nhau phải cẩn trọng, thực hiện yêu cầu của bác sĩ, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa tham gia tốt việc hiến máu cứu người. “Số lượng máu mỗi người hiến không nhiều, nhưng trong những lúc nguy cấp lại vô cùng đáng giá, có thể sẽ góp sức cứu sống được một hay nhiều mạng người nào đó”, anh tâm sự.
Hoặc, 23 giờ một đêm cách đây vài năm, anh Pháp nhận được điện thoại giọng hớt hải của chị gái: “Nhanh đến bệnh viện, có người cần máu”. Đó là đứa cháu phía anh rể đang trong lúc nguy cấp. Người chị cho biết, đã thử máu rất nhiều người nhưng không ai cùng nhóm máu A+ để có thể tiếp sự sống cho người bệnh. Rất may, anh cùng nhóm máu. Ngay lúc người thân cần máu, mình là người có thể chia sẻ được lo lắng thì niềm tin vào việc tiếp tục hiến máu lại càng hun đúc hơn.
“Hiến máu đi, ngại chi”
Trong cuộc trò chuyện, Trung tá Pháp chia sẻ, năm 20 tuổi, đi nghĩa vụ quân sự, và được điều động về đội bảo vệ Công an thành phố Đà Nẵng (PK02). Hàng ngày, anh có nhiệm vụ bảo vệ trước cổng UBND thành phố. Trong thời gian công tác ở đây, anh đã cứu được hai thiếu nữ nhảy sông Hàn tự tử.
Một hôm anh gác ca từ 18 giờ đến 22 giờ. Vào lúc 19 giờ 30, anh nhận được tin báo của người dân: “Có người tự tử ở cầu chữ T, trên sông Bạch Đằng”. Ngay lập tức, anh bấm chuông báo động rồi chạy ra phía cầu. Đứng quan sát xác định phương hướng rồi anh nhảy xuống nước, bơi đến cứu người bị nạn. Đưa lên bờ, anh sơ cứu, làm tư tưởng chia sẻ tâm sự để tháo gỡ vướng mắc khiến cô phải nghỉ đến kết thúc cuộc sống.
Cô cho biết, cha mẹ ly dị, phải sống với ông bà ngoại. Trong lúc cuộc sống khó khăn, cô có bạn trai và anh như ánh sáng đời mình. Thế nhưng, tình cảm đứt gãy, cô cho rằng, cuộc sống không còn gì để lưu luyến. Biết được sự tình, anh đưa cô về nhà ở đường Cô Bắc, quận Hải Châu, hàng ngày đến động viên. Sau một khoảng thời gian ngắn, cô cũng nhận ra, cuộc sống còn rất nhiều thứ quan trọng khác.
Hôm khác, cô gái có nhà ở đường Nguyễn Du, quận Hải Châu, yêu đơn phương anh làm công ty viễn thông nhưng không được đáp trả nên tìm đến cầu chữ T. tự tử. Cũng như lần trước, anh cứu cô gái lên bờ, tâm tình, động viên. Sau lần đó, người yêu hiểu được tình cảm nên đã tỏ tình với cô gái. Sau đó, cặp đôi này đã kết hôn, sống hạnh phúc. Họ nhận anh làm anh em kết nghĩa và giữ mối quan hệ tốt đến bây giờ.
“Cũng nhờ cứu hai cô gái và những lần tâm sự, động viên giúp họ vượt qua tiêu cực, hướng tới cuộc sống tốt, tôi càng muốn làm nhiều việc tốt hơn. Đó là động lực để tôi thi vào ngành công an cũng như hiến máu tình nguyện”, vị trung tá tâm sự.
Trung tá Phan Quang Pháp chia sẻ thêm, mỗi lần có người hỏi về việc hiến máu, anh rất hãnh diện kể. Không phải anh muốn khoe thành tích hay điều mình làm được mà anh nghĩ đó là cách động viên nhiều người đang ngại ngần chưa mạnh dạn đăng ký hiến máu. Anh hiểu, rất nhiều người vẫn còn rào cản, suy nghĩ chưa đúng về việc hiến máu. Họ cho rằng, hiến máu sẽ mất máu, làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tuy nhiên, ngược lại điều ấy, hiến máu lại có ý nghĩa lớn về sức khỏe của người hiến. Hiến máu xong, anh cảm thấy khỏe hơn chứ không ảnh hưởng gì. Anh tự tin rằng, nếu duy trì đều đặn lịch hiến máu 3 tháng một lần sẽ vừa góp phần cứu người bệnh lại nâng cao sức khỏe của bản thân. Lượng máu đã hiến đi sẽ tái tạo có tác dụng nâng cao sức đề kháng, phòng ngừa nhiều loại bệnh.
“Tôi rất vui khi đóng góp sức khỏe cho cộng đồng. Việc trao những giọt máu hồng để cứu chữa người bệnh cũng là cách để trả ơn cho cuộc đời. Bạn có thể mua rất nhiều thứ. Thuốc bạn cũng có thể bỏ tiền ra mua. Nhưng, máu thì không có sẵn, chỉ người trao mới có thể tiếp được sự sống. Hiến máu đi, ngại chi”, anh cười.
Lượng máu dự trữ thường xuyên khan hiếm là điều có thật. Điều ngành y tế và hàng trăm ngàn bệnh nhân cần chính là có thêm nhiều trái tim hồng hiến máu tình nguyện. Anh hiểu rõ điều này, nên không chỉ tự mình hiến máu mà còn là “đầu tàu” tuyên truyền, vận động người thân và cán bộ chiến sĩ trong đơn vị tham gia các đợt hiến máu do Đoàn thanh niên Công an Thành phố Đà Nẵng tổ chức, cũng như tham gia Ngân hàng máu sống của Công an Thành phố nhằm kịp thời cấp cứu cho các cán bộ, chiến sĩ bị thương khi thực hiện nhiệm vụ và nhân dân khi cần “máu nóng”.
Hành trình 45 lần hiến máu của vị Trung tá chắc chắn vẫn chưa dừng lại và hiếm người làm được. Anh luôn tâm niệm, khi nào bản thân còn sức khỏe, sẽ tiếp tục chia sẻ giọt máu của mình cho những người cần đến. Anh muốn lan tỏa tinh thần này này đến với nhiều người hơn bởi giọt máu cho đi sẽ có rất nhiều yêu thương ở lại.
Nhiều lần được tuyên dương
Với tinh thần vì nhân dân phục vụ, tấm gương sáng trong phòng trào hiến máu tình nguyện, Trung tá Phan Quang Pháp được Đại tá Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác hiến máu tình nguyện 2020. Cùng năm, anh cũng được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích nhiều lần hiến máu. Anh là một trong 8 cán bộ, chiến sĩ Công an đại diện cho toàn lực lượng dự lễ Tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2022 tại thủ đô Hà Nội. Đồng thời, anh cũng được vinh danh tại lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc 2022.
Theo Người Đưa Tin
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/niem-vui-45-lan-hien-mau-cua-trung-ta-cong-an-o-da-nang-a30151.html