Hội CTĐ Việt Nam vừa tổ chức hội thảo “Phát triển huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu (SCC) cho cộng đồng, thực trạng và giải pháp”. Không phải là nội dung mới, tại sao huấn luyện kỹ năng SCC cho cộng đồng lại được tổ chức hội thảo với quy mô toàn quốc, thưa ông?
- Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn xảy ra trong từng gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học để lại hậu quả rất đau lòng. Trong không ít tình huống như vậy, nếu mọi người xung quanh có kiến thức, kỹ năng SCC thì có thể giúp nạn nhân thoát khỏi cửa tử, hay giảm nhẹ thương tật. Chẳng hạn trường hợp gãy chân, tay, có thể tận dụng những vật dụng xung quanh để làm nẹp, tránh để đoạn xương gãy đâm thẳng vào tim; hay biết cách cầm máu, biết cách hà hơi thổi ngạt, ép lồng ngực người đuối nước, biết cách xử lý đẩy dị vật ra khỏi đường thở của trẻ em, người già…
SCC cho cộng đồng là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của Hội CTĐ. Vì vậy, chúng tôi luôn nỗ lực chung tay để đẩy lùi nguy cơ, hạn chế tối thiểu hậu quả đáng tiếc với tính mạng người dân do thiếu kỹ năng SCC.
● Rõ ràng, việc trang bị kỹ năng SCC cho người dân hết sức quan trọng. Xin ông cho biết, thời gian qua, Hội CTĐ tỉnh đã triển khai thực hiện việc này như thế nào?
- Hằng năm, Hội CTĐ tỉnh tổ chức 15 - 20 lớp tập huấn SCC cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên và học sinh các trường học và một số đội xung kích của các DN (chủ yếu là DN có vốn đầu tư nước ngoài).
Năm 2016, Hội CTĐ tỉnh đã thành lập Trung tâm huấn luyện kỹ năng SCC, xây dựng được đội ngũ tập huấn viên, hướng dẫn viên để tham gia huấn luyện, đào tạo, tập huấn SCC cho các cơ quan, trường học và cộng đồng dân cư, chủ yếu theo các chương trình, dự án và từ nguồn kinh phí của ngân sách nên hoàn toàn miễn phí. Cũng có một số DN chủ động bố trí kinh phí, mời Hội CTĐ tỉnh tập huấn nhưng không nhiều.
Muốn làm tốt công tác tập huấn phải có đội ngũ tốt. Vậy nhưng, tính đến nay, toàn tỉnh chỉ có 3 tập huấn viên SCC quốc gia và hơn 20 hướng dẫn viên SCC cấp tỉnh. Số hướng dẫn viên SCC lại được đào tạo chủ yếu thông qua các khóa ngắn hạn, chưa theo đúng khung chương trình của Bộ Y tế.
Thêm vào đó, những năm gần đây, do các chương trình, dự án giảm, ngân sách dành cho SCC không nhiều như trước nên công tác tập huấn nội dung quan trọng, cần thiết này bị hạn chế khá nhiều.
● Đây chắc hẳn cũng là khó khăn chung của nhiều tỉnh, thành. Vậy tại Hội thảo, những giải pháp nào được đưa ra? Riêng với Bình Định, thời gian tới, Hội CTĐ tỉnh có giải pháp nào tháo gỡ, thưa ông?
- Hội CTĐ Việt Nam sẽ tăng cường đào tạo tập huấn viên cấp quốc gia cho các tỉnh, thành (cả nước hiện chỉ có 130 tập huấn viên quốc gia). Trung ương Hội chỉ đạo, tỉnh nào đã thành lập Trung tâm huấn luyện kỹ năng SCC thì nỗ lực phát huy vai trò, hướng đến việc thực hiện dịch vụ về đào tạo SCC cho cơ quan, DN có nhu cầu, để tạo nguồn thu nuôi dưỡng hoạt động này. Một số tỉnh, thành làm rất hiệu quả như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa…
Thời gian tới, Hội CTĐ tỉnh sẽ tham mưu lãnh đạo tỉnh tăng cường sự phối hợp để có chỉ đạo đồng bộ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn bộ cán bộ, người dân. Hội sẽ gấp rút kiện toàn bộ máy của Trung tâm huấn luyện kỹ năng SCC tỉnh. Tích cực bổ sung lực lượng tập huấn viên, hướng dẫn viên SCC đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng.
Ngoài ra, Hội CTĐ tỉnh sẽ tham mưu tăng thêm kinh phí cho công tác đào tạo SCC, trước hết là đào tạo cán bộ CTĐ các cấp. Ngoài chuyên môn, nghiệp vụ công tác hội, công tác vận động nguồn lực, cán bộ CTĐ phải được đào tạo, trang bị, cấp chứng nhận về kỹ năng SCC, để phát huy vai trò của hướng dẫn viên về SCC.
● Xin cảm ơn ông!
NGỌC TÚ (Thực hiện)
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/pho-cap-ky-nang-so-cap-cuu-cho-cong-dong-a30140.html