Thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: Tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền con người

Trong hai ngày 26-27/4, tại huyện Côn Đảo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Chú thích ảnh Đại diện Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. 

Hội thảo nhằm mục đích để các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực gia đình và xây dựng pháp luật, đại diện các tổ chức trong nước và quốc tế tiếp tục thảo luận, góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.

Ngày 14/11/2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 13/2022/QH15. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được thông qua với nhiều nội dung mới không chỉ khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội thông qua năm 2007 mà còn thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như các cam kết Quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc giải quyết vấn nạn bạo lực gia đình, hướng đến xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc.

Sau gần 15 năm thực hiện, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành.

Chú thích ảnh Thượng tá Võ Minh Thuận, Trưởng Công an huyện Côn Đảo góp ý Dự thảo. 

Ngày 12/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1529/QĐ-TTg ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 (Quyết định số 1529/QĐ-TTg), trong đó giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 56 điều với nhiều quy định mới cần được cụ thể hóa trong Nghị định. Luật có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan trực tiếp đến toàn thể cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân; điều chỉnh, bổ sung chi tiết, đầy đủ, nhiều điểm mới sát với tình hình thực tế hiện nay. Luật bao gồm các điều khoản với định nghĩa bổ sung các hành vi bạo lực gia đình, các biện pháp khác nhau để ngăn chặn bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ những người bị bạo lực gia đình.

Để bảo đảm Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả ngay khi có hiệu lực thi hành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và đã gửi xin ý kiến các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.

Chú thích ảnh Ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát biểu khai mạc Hội thảo. 

Ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, mục đích hội thảo lần này chủ yếu tạo sự thống nhất và đồng thuận giữa các cơ quan chức năng trong những nguyên tắc cơ bản của Nghị định. Cung cấp các thông tin, giải thích cụ thể các quy trình để chính quyền địa phương nắm được và triển khai Luật một cách hiệu quả. Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập, nhóm chuyên gia xây dựng Nghị định. Các cơ quan chuyên môn đã tổ chức xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Từ ngày 5/4 đến nay, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã tiếp nhận ý kiến từ 88 cơ quan (trong đó 27 cơ quan, tổ chức Trung ương; 61 cơ quan từ các địa phương) góp ý xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Hội thảo này là một trong số các Hội thảo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UNFPA tổ chức, tiếp tục lấy ý kiến và góp ý để hoàn thiện dự thảo đến khi Chính phủ ký ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Nghị định như: Hành vi bạo lực gia đình được thực hiện giữa người đã ly hôn, người chung sống như vợ chồng, người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị, em của người đã ly hôn, của người chung sống như vợ chồng, người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi với nhau; Quyền và trách nhiệm của cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình; Báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình; Xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình; Biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; Cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; Trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với bạo lực gia đình; Cơ sở khác (ngoài công lập) tham gia trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình; Cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình (quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký thành lập của cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình); Kinh phí phòng, chống bạo lực gia đình…
 
Trong những năm qua, UNFPA đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quá trình sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Đưa các khuyến nghị từ những nghiên cứu trước đây vào bản Luật, đảm bảo tuân thủ các cam kết và tiêu chuẩn quốc tế về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực gia đình.

Chú thích ảnh Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về quyền con người và bình đẳng giới. 

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, năm 2022, Việt Nam rất thành công trong việc thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Luật này được thông qua không chỉ đảm bảo sự nhất quán giữa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các Luật hiện có mà còn tiếp thu những cách tiếp cận mới rất tiến bộ. Khi đã có Luật, điều quan trọng nhất là chúng ta phải áp dụng Luật vào cuộc sống và đặc biệt là áp dụng tại địa phương. UNFPA cam kết đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trên con đường chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Chúng tôi mong muốn đảm bảo rằng, tất cả phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương nhất, có quyền sống một cuộc sống không bị bạo lực và được tôn trọng, không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển bền vững của đất nước. Trong quá trình soạn thảo dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), chúng tôi đưa ra cách tiếp cận dựa trên quyền và nhạy cảm giới. Việc này cần được xem xét một cách nhất quán để bảo vệ quyền của những người bị bạo lực và đảm bảo trách nhiệm, nghĩa vụ của người gây bạo lực.

Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực đối với Phụ nữ tại Việt Nam năm 2019 thống kê, cứ 3 phụ nữ thì có 2 người (gần 63%) đã từng bị chồng bạo lực thể chất, tình dục, tâm lý, kinh tế và các hành vi kiểm soát ít nhất một lần trong đời. Và một nửa số phụ nữ bị chồng/bạn tình bạo lực thể xác và/tình dục đã không nói với bất kỳ ai về điều đó và hơn 90% trong số họ không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào từ cơ quan chức năng.
 
Bà Naomi Kitahara chia sẻ, UNFPA mong muốn nhân cơ hội này giới thiệu lại những mô hình đã được UNFPA giới thiệu tại Việt Nam trong vài năm qua, đó là tổng đài miễn phí 111 hoạt động 24/7 được vận hành bởi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngôi nhà Ánh Dương có chức năng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái đang và/hoặc có nguy cơ bị bạo lực.

Chú thích ảnh Quang cảnh Hội thảo. 

Tính đến nay, đường dây nóng 111 đã tiếp nhận và tiếp cận hơn 11.300 cuộc gọi đề nghị tư vấn, hỗ trợ cho gần 1.400 phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực gia đình. Trong khi đó, bốn Ngôi nhà Ánh Dương đã hỗ trợ trực tiếp cho 43 người bị bạo lực gia đình tạm lánh, hỗ trợ 133 người bị bạo lực tại cộng đồng. Tuy nhiên trên thực tế, nhu cầu người bị bạo lực cần được hỗ trợ trên khắp Việt Nam còn cao hơn rất nhiều. Do đó, việc phát triển và nhân rộng các mô hình Ngôi nhà Ánh Dương là rất cần thiết để có thể tiếp cận được càng nhiều phụ nữ và trẻ em gái càng tốt. Dự thảo Nghị định cần có các quy định để tạo điều kiện phát triển các cơ sở hỗ trợ và tổng đài quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.
 
Việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành nhằm hoàn thiện thể chế theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Theo báo Tin tức

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/thi-hanh-luat-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-tang-cuong-cac-bien-phap-bao-ve-quyen-con-nguoi-a29923.html