Chàng trai trẻ và hành trình 'hạnh phúc là cho đi'

Với tâm niệm 'hạnh phúc là cho đi', nhiều năm qua, anh Trần Trung Kiên (35 tuổi, ở Hà Nội) đã giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh, nhất là các cháu nhỏ có số phận kém may mắn.

Không chỉ ngược xuôi đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới để tìm hiểu, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, anh còn dành tâm huyết duy trì "Tiệm cơm 1k" tại Hà Nội, phục vụ mỗi tuần hai bữa cho bệnh nhi điều trị ung thư và người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Giúp đỡ, sẻ chia bằng cả tấm lòng

Hẹn mãi tôi mới gặp được Kiên tại "Tiệm cơm 1k" trên đường Nghi Tàm (Tây Hồ, Hà Nội). Thấy tôi nhìn những nốt đỏ chi chít trên tay, hiểu ý nên Kiên giải thích: “Mình vừa đi vùng biên giới Quảng Nam khảo sát xây cầu cho bà con về lúc 5 giờ sáng. Nhưng nay là ngày nấu cơm cho bọn trẻ nên phải đến đây luôn để chuẩn bị. Chuyến vừa rồi đi vào vùng sâu, bị côn trùng đốt đấy”. Rồi Kiên kể: "Đi rồi mới thấy nhiều vùng bà con còn khó khăn quá. Không ít nơi “điện, đường, trường, trạm” còn thiếu thốn. Khổ nhất là bọn trẻ khi đi học. Có em phải trèo đèo lội suối hàng chục cây số mới đến được trường. Mùa nắng thì còn đỡ, mùa mưa nước lớn, lội qua suối rất nguy hiểm. Vì thế mình rất muốn giúp đỡ, tiếp thêm động lực cho các em".

Kiên từng là quân nhân với cấp hàm Đại úy, công tác tại Binh đoàn 12 (Bộ Quốc phòng). Các thành viên trong gia đình anh nhiều người công tác trong Quân đội. Bản thân Kiên khi còn trong quân ngũ, có dịp đến vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, anh luôn quan tâm, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Rảnh thời gian anh lại cùng bạn bè tổ chức các hoạt động từ thiện xây trường, làm cầu, tặng đồ dùng học tập, đồ thiết yếu... cho các địa phương và học sinh.

Nhưng rồi biến cố xảy ra. Con gái Kiên mắc bệnh hiểm nghèo. Để có thời gian chăm sóc, đồng hành với con trong quá trình điều trị, Kiên phải xin về phục viên. Đó là quyết định không dễ dàng đối với anh. Trước sự can ngăn, phản đối của người thân, anh đã thuyết phục gia đình: “Nếu mình có tâm thì ở bất cứ đâu, làm bất cứ ngành, nghề nào vẫn có thể cống hiến, làm những việc có ích cho xã hội, cho đất nước”.

Trần Trung Kiên chuẩn bị nguyên liệu nấu cơm cho các bé tại "Tiệm cơm 1k".

Trần Trung Kiên chuẩn bị nguyên liệu nấu cơm cho các bé tại "Tiệm cơm 1k".

Khi biết tin con gái lâm bệnh, Kiên tưởng mình gục ngã nhưng rồi anh kịp thời trấn tĩnh, cố gắng mạnh mẽ, vững điểm tựa cho con và gia đình. Hành trình cùng con chiến đấu với căn bệnh ung thư tại Khoa Ung bướu (Bệnh viện Nhi Trung ương), thấy Khoa thiếu trang bị do lượng bệnh nhân đông, Kiên đã dùng toàn bộ số tiền họ hàng, bạn bè thăm con gái cộng thêm khoản tiền của gia đình để mua tặng 2 máy truyền dịch tự động phục vụ bệnh nhi ung thư. Trải qua những ngày tháng nơi đây, hơn ai hết, anh hiểu thấu nỗi đau của các con và nỗi khổ của những bậc sinh thành. Điều đáng tiếc là dù đã nỗ lực, chiến đấu bằng tất cả tâm sức nhưng cuối cùng số phận vẫn chia cách hai bố con ở hai thế giới...

Ngày con gái đi xa, trái tim người cha như vụn vỡ nhưng nỗi đau, nỗi nhớ con không làm Kiên gục ngã mà tiếp thêm cho anh nghị lực với hành trình giúp đỡ những số phận kém may mắn. Nhiều năm qua, Kiên cần mẫn, miệt mài làm từ thiện. Bước chân của anh đã đến rất nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Những vùng đất còn nghèo khó, những số phận éo le, những em nhỏ đang phải chịu đau đớn vì bệnh tật, những người vô gia cư... đều được Kiên giúp đỡ, sẻ chia bằng cả tấm lòng. Trên hành trình ấy, Kiên vẫn thấy con gái bé bỏng của mình đồng hành.

Các chuyến đi của Kiên khi thì có bạn bè, đồng nghiệp, khi chỉ một mình. Đường xa, không ít khó khăn, gian khổ và cả nguy hiểm nhưng anh chưa bao giờ nản chí hay có ý định dừng lại. Không ít lần anh và nhóm bạn thoát nạn trong gang tấc trước tình huống lở núi, mưa lũ... “Hơn một tháng qua mình sụt mất gần 10kg. Đợt này đi nhiều nơi, nhiều dự án cần triển khai nên mình đi đi về về liên tục. Cứ phải trực tiếp đến tận nơi, nhìn tận mắt mới yên tâm”, Kiên chia sẻ.

- Lý do gì lại chọn việc vất vả như thế? - tôi hỏi Kiên.

- Khi giúp được người khác, đặc biệt là bọn trẻ thì mình cảm thấy rất vui, hạnh phúc. Điều đó cứ thôi thúc bước chân của mình đi. Không còn biết mệt nữa! - Kiên trả lời.

Suất ăn có "gia vị" yêu thương

Quá trình chăm sóc con gái trong bệnh viện, chứng kiến các cháu nhỏ phải chống chọi với bệnh tật, nhiều cháu đến từ các vùng quê nghèo, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, Kiên nung nấu phải làm một việc gì đó... Và thế là "Tiệm cơm 1k" ra đời. Tiệm cơm hoạt động được gần hai năm nay, do Kiên điều hành cùng hơn chục thành viên tham gia. Các đầu bếp không chuyên, người là giám đốc doanh nghiệp, người là giảng viên, nhân viên văn phòng, nghệ sĩ... thay nhau tranh thủ mỗi tuần 4 buổi đến nấu cơm mang tặng người nhà và các cháu nhỏ điều trị ung thư tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Trung bình mỗi buổi, nhóm cấp phát130-200 suất ăn.

Tôi thực sự ấn tượng khi tận mắt thấy suất cơm ngon, chất lượng, trình bày đẹp mắt như trong các nhà hàng cao cấp. Nguyên liệu được mua từ siêu thị uy tín, hoặc do các nhà hảo tâm gửi tặng đều có chất lượng cao, như: Thịt bò Úc, thịt heo tuyết Nhật Bản, bào ngư, cồi sò điệp, tôm sú, cua biển, cá ngừ... Hôm tôi đến, thực đơn của bếp có: Bào ngư sốt nấm, cơm trộn rau củ và lạp xưởng, măng tây xào, tráng miệng sữa chua hoa quả. Nhưng hơn hết, chúng tôi thấy mỗi suất cơm ấy ngon hơn bởi nó được nấu bằng loại gia vị đặc biệt, đó là tình yêu thương của các thành viên "Tiệm cơm 1k". Những dịp lễ, Tết, Trung thu hay Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6), các cô chú đầu bếp sẽ làm những món đặc biệt hơn cho các con.

11 giờ trưa ở cổng Bệnh viện Nhi Trung ương, hơn 100 suất cơm của "Tiệm cơm 1k" nóng hổi, thơm nức đã chờ người đến nhận. Những em bé đầu trọc lốc, tóc đã rụng hết do phải truyền hóa chất, tay còn gắn đầu kim truyền dịch cùng bố mẹ xuống nhận cơm. Nhìn những thân hình nhỏ bé đang phải chịu đau đớn vì bệnh tật nhưng ánh mắt ngây thơ vẫn trong veo mà ai cũng thấy thắt lòng.

"Vị khách" thân quen, anh Thào A Tống, bố của bé Thào A Hùng, 5 tuổi, người dân tộc Mông ở Sa Pa (Lào Cai) đến nhận một suất cơm và bất ngờ thông báo: “Các bác sĩ cho con về, nên em xin cho con ăn nốt bữa cuối”. Nghe vậy, cả nhóm đứng lặng, cổ ai cũng nghẹn lại, nước mắt ứa ra, chẳng biết nói câu gì... Hoàn cảnh gia đình bé Hùng rất khó khăn. Khi Hùng bị bệnh, bố mẹ bé gom góp, bán đồ đạc trong nhà được 20 triệu đồng và vay mượn họ hàng thêm 70 triệu đồng đưa con xuống Hà Nội điều trị. Sau nửa năm, số tiền đó đã chi tiêu hết. Ngay lập tức, Kiên đăng Facebook kêu gọi bạn bè giúp đỡ hai bố con. Chỉ hơn một giờ sau đã nhận được đủ số tiền giúp anh Thào A Tống trả hết nợ và thêm một khoản chi phí để chăm sóc, lo việc cho bé Hùng. Nhận số tiền ủng hộ và còn được Kiên thuê xe riêng đưa về quê, anh Tống chỉ biết cúi đầu cố ngăn dòng nước mắt. Anh xúc động, xót thương con; xúc động trước lòng tốt của Kiên cùng các mạnh thường quân mà không thể nói hết bằng lời.

Kiên kể, thỉnh thoảng lại nhận tin nhắn của người nhà bệnh nhi cảm ơn, chào tạm biệt. Có trường hợp bệnh thuyên giảm, các cháu được trở về cuộc sống đời thường, Kiên thấy hạnh phúc lắm. Nhưng cũng có những lời chào tạm biệt khiến anh lặng người bởi con và gia đình đã phải xuôi tay, đầu hàng số phận... Chính vì thế, các thành viên của bếp luôn cố gắng hết sức, dồn tất cả tâm huyết, tình yêu vào từng món ăn vì rất có thể với một bé nào đó, suất cơm hôm nay sẽ là suất cơm cuối cùng của con...

Gìn giữ và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Bằng tất cả tâm huyết, với cách làm khoa học, minh bạch, đến nay, quỹ của "Tiệm cơm 1k" nhận được sự đồng hành của người thân, bạn bè và rất nhiều nhà hảo tâm. “Mình may mắn có nhiều người bạn tốt, chỉ cần mình ngỏ ý “có bé này khổ quá, trường học này khó khăn quá" là họ xếp lịch đồng hành với mình ngay. Nếu không có những người bạn như thế, mình sẽ không làm tròn điều tốt đẹp ấy...", Kiên khiêm tốn chia sẻ.

Tôi từng đọc ở đâu đó rằng, người nào yêu trẻ con nhất định là người có tâm thiện. Trò chuyện với Kiên, tôi nhận thấy điều đặc biệt đó. Kiên luôn tâm huyết, trăn trở, làm thế nào để có thể giúp đỡ các em hiệu quả, thiết thực nhất. Những cây cầu, trường học, những công trình mà Kiên giúp đỡ xây dựng đều xuất phát từ trái tim, góp phần làm cho con đường các em đi đỡ gập ghềnh, với hy vọng tương lai tươi sáng hơn cho các em.

Kiên cứ cần mẫn, lặng thầm làm những điều tốt đẹp cho trẻ em, không ngại bất cứ việc gì. Có lần đến thăm Mái ấm Bình Minh, ở phường 4, quận 4, TP Hồ Chí Minh, khi biết các cháu gái ở đây không có tiền mua băng vệ sinh, Kiên lại chạy ra ngay siêu thị “ôm” về tặng các cháu. Thời điểm dịch Covid-19 cao điểm, Kiên vẫn lăn xả trong tâm dịch để hỗ trợ người dân gặp khó khăn, đặc biệt là các em nhỏ...

Bận rộn là thế nhưng Kiên vẫn ấp ủ rất nhiều dự định. Hiện ở "Tiệm cơm 1k", Kiên tổ chức dạy nấu ăn; làm đồ thủ công tái chế từ rác thải; dạy kỹ năng sống cho trẻ em... giúp các bé có những kỹ năng và học được cả sự cảm thông, yêu thương, chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình. Qua những lần phát cơm, thấy bọn trẻ trong viện cả ngày chỉ quanh quẩn với 4 bức tường, Kiên lại nghĩ cần cải thiện đời sống tinh thần cho các cháu. Thế là ý tưởng tổ chức những buổi đi dã ngoại giúp các con có thêm niềm vui, nghị lực chiến đấu với bệnh tật được Kiên triển khai. Ngoài ra, một tủ sách tại "Tiệm cơm 1k" cũng ra đời để các bé có thể đến đọc sách miễn phí...

Kiên bảo, tuy không còn công tác trong Quân đội nhưng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ anh luôn gìn giữ và phát huy. Tôi hỏi Kiên có nhớ đã giúp bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn, xây mấy cây cầu, làm mấy công trình không...? Kiên lắc đầu: “Mình không nhớ, cũng không thống kê làm gì. Chỉ cần biết cho đi ở đâu, yêu thương ở lại đó là đủ!”. Mong rằng, Kiên sẽ giữ mãi nhiệt huyết, tấm lòng cao đẹp và lan tỏa yêu thương ngày càng nhiều hơn, rộng và xa hơn, đến với nhiều người hơn nữa...

NGỌC HÂN

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/chang-trai-tre-va-hanh-trinh-hanh-phuc-la-cho-di-a29904.html