Hiệp định Paris qua những câu chuyện của nhân chứng lịch sử Trại Davis

Sáng 25/4, tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III phối hợp với Ban Liên lạc Cựu chiến binh - Ban Liên hợp quân sự Trại Davis (gọi tắt là Ban liên lạc Trại Davis) và Hội Những người bạn di sản Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Thi hành Hiệp định Paris - Câu chuyện của những nhân chứng lịch sử Trại Davis”.

Sự kiện nhằm kỷ niệm nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973 -27/1/2023) và 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023).

toa-dam-1682432251.jpg
Những câu chuyện về quá trình thực thi Hiệp định Paris được chia sẻ bởi các nhân chứng lịch sử. 

Tại buổi tọa đàm, những câu chuyện về quá trình thực thi Hiệp định Paris được chia sẻ bởi các nhân chứng lịch sử. Thông qua tọa đàm, Ban Tổ chức muốn tri ân, tôn vinh hoạt động thực thi Hiệp định Paris của các thành viên Ban liên lạc Trại Davis, đồng thời lan tỏa tình yêu đất nước tới người dân.

Cách đây 50 năm, ngày 27/1/1973, sau gần 5 năm đàm phán, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Theo đó, Hoa Kỳ cùng các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của  Việt Nam. Hoa Kỳ hoàn toàn chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào nội bộ của miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết và bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam.

trai-davis-1-1682432365.jpg
Hình ảnh tại một phiên họp ở Trại Davis.

Tuy nhiên, để đảm bảo Hiệp định được các bên thực thi đầy đủ, Điều 17 của Hiệp định quy định 4 bên, gồm: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa cử đại diện để thành lập Ban liên hợp quân sự 4 bên. Theo Điều 17, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ cử ngay đại diện để thành lập Ban liên hợp Quân sự hai bên có nhiệm vụ bảo đảm sự phối hợp hành động nhằm thực hiện các điều khoản mà Hiệp định Paris đã quy định. Phía Việt Nam thành lập 2 đoàn đại biểu quân sự tham gia mặt trận đấu tranh ngoại giao quân sự thi hành Hiệp định Paris.

Hai phái đoàn đại biểu quân sự đóng quân tại Trại Davis, nguyên là một trại lính của quân đội Hoa Kỳ, phía Tây Nam sân bay Tân Sơn Nhất (nay thuộc quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh). Với sự đấu tranh trực diện, quyết liệt, khôn khéo của các thành viên trong Ban liên hợp quân sự đã góp phần thúc đẩy việc thi hành Hiệp định Paris, góp phần buộc quân đội Hoa Kỳ và quân đồng minh khi đó phải rút hết ra khỏi miền Nam Việt Nam. 

Phát biểu tại sự kiện, bà Trần Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cho biết hoạt động được tổ chức mong muốn được tri ân và làm sống lại câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam 50 năm về trước và hoạt động thực thi Hiệp định Paris của các thành viên Ban liên lạc Trại Davis, qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm và sự cần thiết trong việc gìn giữ truyền thống “uống nước nhớ nguồn,” lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước.

"Đây cũng là một cách giữ gìn di sản, để giáo dục cho các thế hệ về lịch sử văn hóa của dân tộc Việt Nam, từ đó hun đúc lòng tự hào và tinh thần học tập, tiếp bước cha anh cho thế hệ trẻ ngày nay", bà Hoa khẳng định.

NH

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/hiep-dinh-paris-qua-nhung-cau-chuyen-cua-nhan-chung-lich-su-trai-davis-a29859.html