Nghệ An chủ động các phương án, kịp thời ứng phó với thiên tai

Mới đây UBND tỉnh Nghệ An có Thông báo số 237/TB-UBND về một số yêu cầu đối với công tác phòng, chống thiên tai hiện nay.

Theo thông báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ đưa ra nhận định, năm 2023, dự báo thời tiết sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra tố, lốc, mưa đá sẽ diễn ra nhiều trong thời điểm giao mùa. Dự báo trong thời gian ngắn sắp tới sẽ diễn ra nhiều trận mưa lớn, với lượng mưa lớn hơn trung bình các năm trước.

Ngập lụt ở huyện Thanh Chương. Ảnh tư liệu: Huy ThưNgập lụt ở huyện Thanh Chương. Ảnh tư liệu: Huy Thư

Cuối tháng 5, đầu tháng 6 trên các sông thuộc tỉnh Nghệ An có khả năng xảy ra một đợt lũ tiểu mãn. Từ tháng 7 đến tháng 9 trên các sông thuộc Nghệ An có khả năng xảy ra 2 - 3 đợt lũ.

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan chủ động các phương án, sẵn sàng ứng phó với những diễn biến bất thường của thiên tai năm 2023, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ chính và nhóm giải pháp sau:

Đề nghị Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ cũng như các đơn vị liên quan cần nâng cao hơn nữa chất lượng dự báo tình hình thiên tai để các địa phương, đơn vị chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai.

Đối với công tác phòng ngừa, tăng cường tuyên truyền, nhất là tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở, phần mềm chia sẻ, trao đổi kiến thức về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trước, trong và sau thiên tai, bão, lũ.

Các Sở, ngành, đơn vị, địa phương khẩn trương đánh giá, rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thời gian qua và triển khai kế hoạch giải pháp phù hợp, hiệu quả cho năm 2023; Tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các cấp, xác định rõ trách nhiệm từng thành viên trong chỉ đạo, chỉ huy nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Chủ động rà soát, xây dựng phương án, kịch bản ứng phó theo từng cấp độ đối với từng loại hình thiên tai. Nhất là các phương án, kịch bản phòng chống bão mạnh và siêu bão, lũ lụt, sạt lở đất; Phương án kêu gọi, hướng dẫn tránh trú, neo đậu an toàn, cứu hộ, cứu nạn cho tàu thuyền hoạt động trên biển khi có bão, áp thấp nhiệt đới.

Sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực để ứng phó kịp thời, bảo đảm an toàn tính mạng người dân, khách du lịch, công trình đê điều, hồ đập, các công trình hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành trong tháng 5/2023.

Các địa phương, đơn vị rà soát, cân đối, ưu tiên nguồn kinh phí để đầu tư, sửa chữa công trình phòng chống thiên tai bị hư hỏng, không đảm bảo an toàn, nhất là hồ đập, đê điều, khắc phục sạt lở, ổn định dân cư, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão. Công tác tập huấn, diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn: Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra chuẩn bị ở mọi cấp theo phương châm "4 tại chỗ" hoàn thành trước ngày 30/7/2023.

Thành lập các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn theo các cấp. Cấp tỉnh trực tiếp kiểm tra các huyện, các huyện kiểm tra các xã, phường, đơn vị liên quan. Đề nghị kiểm tra sớm để bổ cứu các phương án tốt nhất, hoàn thiện nhất. Đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/7/2023.

Nâng cao năng lực các đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, thôn, bản với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ giờ đầu.

Lũ quét ở Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu

Lũ quét ở Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu

Đối với công tác ứng phó; Sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác sơ tán, di dời dân cư, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó và khắc phục hậu quả bão, mưa lũ khi có yêu cầu. Công tác phối hợp giữa lực lượng vũ trang và địa phương cần chuẩn bị đồng bộ, thông suốt.

Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS tỉnh tiến hành kiểm tra, rà soát phương án phòng, chống thiên tai tại các địa phương được giao phụ trách, đặc biệt là phương án, vị trí sơ tán dân.

Đối với công tác khắc phục sau thiên tai; Kịp thời hỗ trợ, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các gia đình bị thiệt hại, nhất là các gia đình có thiệt hại về người, gia đình chính sách, hộ khó khăn.

Sửa chữa, khắc phục nhanh công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, hồ đập bị hư hại để chủ động ứng phó với những đợt thiên tai mới; nhanh chóng khôi phục sản xuất ngay sau mưa lũ, góp phần ổn định đời sống cho người dân.

Các nhà máy thủy điện cần phối hợp tốt với các địa phương liên quan cũng như Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh trong quá trình thực hiện vận hành, điều tiết theo quy trình, hạn chế thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức làm việc với các nhà máy thủy điện và các địa phương liên quan để có cơ chế phối hợp tốt nhất trong việc điều tiết, vận hành các nhà máy thủy điện; xây dựng đầu mối tiếp nhận thông tin, theo dõi quá trình vận hành để báo cáo, tham mưu UBND tỉnh trong tháng 5/2023.

Văn Trường

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nghe-an-chu-dong-cac-phuong-an-kip-thoi-ung-pho-voi-thien-tai-a29755.html