Ấn Độ vượt Trung Quốc trở thành đất nước đông dân nhất thế giới

Tính đến ngày 14/4, với dân số 1.425.782.975, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, báo trước một sự thay đổi lớn về trật tự toàn cầu.

MarketWatch phân tích Ấn Độ đã vượt Trung Quốc, trở thành nước đông dân nhất thế giới vào ngày 14-4 vừa qua. Ấn Độ có 1.425.782.975 người vào ngày 14-4, trong khi Trung Quốc có 1.425.748.032 người, chênh nhau gần 35.000 người. 

Ấn Độ tăng thêm trung bình khoảng 36.470 người mỗi ngày, trong khi dân số Trung Quốc giảm khoảng 983 người/ngày.

Liên Hợp Quốc cho biết với đà gia tăng dân số như hiện nay, Ấn Độ có thể trở thành ngôi nhà của 1,7 tỷ người vào năm 2064. Sự gia tăng dân số này sẽ mang đến những thuận lợi nhất định về lực lượng lao động cho quốc gia Nam Á. Song, bên cạnh đó, chính phủ Ấn Độ cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đảm bảo lương thực, chỗ ở cũng như điều kiện y tế và giáo dục cho gần 1,5 tỷ người. Theo ước tính, khoảng 800 triệu người dân nước này đang nhận trợ cấp từ chính phủ.

an-do-dan-so-1681623804743328268910-1681662487.jpeg
Ấn Độ vượt Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất thế giới. (Ảnh: WSJ)

Dân số ngày càng tăng của Ấn Độ có nghĩa là nước này có khả năng duy trì tăng trưởng kinh tế, mua nhiều hàng hóa của thế giới hơn và đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu, ngay cả khi nước này phải vật lộn với nghèo đói và thiếu việc làm.

Những trở ngại về nhân khẩu học của Trung Quốc sẽ khiến nước này khó đạt được tham vọng kinh tế hoặc thay thế Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, bất chấp sự giàu có và sức mạnh quân sự đang gia tăng đáng kể.

Ông Irfan Nooruddin, giám đốc Trung tâm Nam Á tại Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) nhận đinh: "Chúng ta đang chuẩn bị chứng kiến sự chuyển đổi dân số có thể được xem là quan trọng nhất trong 200 năm qua",

Ấn Độ, nơi một nửa dân số dưới 30 tuổi, sẽ trở thành nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới trong những năm tới. Để tận dụng tối đa lợi thế của nền dân số trẻ, chính phủ Ấn Độ cần tạo việc làm cho hàng triệu người tham gia lực lượng lao động mỗi năm, khi ngày càng nhiều nông dân ở quốc gia Nam Á này từ bỏ công việc đồng áng.

anh-chup-man-hinh-2023-04-16-luc-232732-1681662471.png
Một bà mẹ Ấn Độ bế em bé mới sinh tại Bahadurganj, Ấn Độ. (Ảnh: WSJ)

Chính phủ Ấn Độ từ lâu cũng đã lên kế hoạch tăng cường sản xuất nông nghiệp để phục vụ đà tăng dân số thần tốc của nước này. Hiện tại, Ấn Độ là nhà sản xuất gạo, lúa mì và đường lớn thứ hai, tiêu thụ đường lớn nhất, đồng thời là nước nhập khẩu dầu ăn hàng đầu thế giới.

Trong khi Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng trưởng rất nhanh về dân số thì Trung Quốc lần đầu tiên trong hàng thập kỷ báo cáo dân số giảm trong năm vừa qua do tỉ suất sinh giảm thấp.

Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, dân số quốc gia này đã giảm khoảng 850.000 người vào cuối năm 2022. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm từ 7,52 ca sinh trên 1.000 người vào năm 2021 xuống còn 6,77 ca sinh, trong đó nước này hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất trên thế giới.

Nguyên nhân của tình trạng này được chỉ ra là do chi phí nuôi trẻ tăng cao, thế hệ thanh niên ở Trung Quốc ngày càng do dự trong việc kết hôn và lập gia đình vì kinh tế khó khăn và dịch COVID-19 bùng phát, cùng với những nguyên nhân sâu xa, cốt lõi khác, mà trong đó nổi bật là chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ.

Lực lượng lao động của Trung Quốc cũng đang ngày càng thu hẹp lại và nước này ngày càng có nhiều người về hưu, những người cần được trả lương hưu và chăm sóc sức khỏe. Năm 2023, Trung Quốc có khoảng 203 triệu người, tương đương 14,3% dân số  từ 65 tuổi trở lên, tăng từ 87,5 triệu vào năm 2000.

Thu Hằng

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/an-do-vuot-trung-quoc-tro-thanh-dat-nuoc-dong-dan-nhat-the-gioi-a29456.html