Tiết học cuối tuần của các em học sinh lớp ghép 1/1 và 2/1, điểm trường Tắk Pổ, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam. Cô giáo Trương Thị Hiền đã chuẩn bị bánh kẹo làm phần thưởng phát cho học sinh sau 1 tuần học tập chăm chỉ. Điểm trường Tắk Pổ, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My nằm cheo leo trên đỉnh đồi như một thảo nguyên thu nhỏ, xung quanh là núi non hùng vĩ. Chiều muộn, mặt trời lấp ló đằng xa dãy núi Ngọc Linh, hàng chục em học sinh vẫn quấn quýt bên cô giáo chưa chịu về.
Ngoảnh đi ngoảnh lại, cô Hiền đã có mặt ở vùng đất này hơn 10 năm. Ngày đầu, cô gái trẻ mới ra trường hăm hở vác ba lô lên vùng cao Măng Ổi, thôn 3, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam với tâm trạng háo hức theo đuổi nghề dạy học mà cô mơ ước từ nhỏ.
Bước chân cô giáo trẻ có lúc khựng lại tưởng không vượt qua được bởi vô vàn khó khăn. Có những đêm mưa rả rích, Hiền và các giáo viên vừa lên công tác ôm nhau khóc vì nhớ nhà, rồi sáng hôm sau lại băng rừng, lội suối đến lớp. Các cô tự học tiếng Ca Dong, Xê Đăng để giao tiếp với học sinh và vận động phụ huynh đưa con đi học. Với họ, nỗi buồn lớn nhất là mỗi lần đứng trên bục giảng nhìn xuống các dãy bàn ghế trống vắng học sinh.
Cô Trương Thị Hiền bộc bạch: “Lúc đó không có internet như bây giờ đâu, nhiều điểm trường còn không có cả sóng điện thoại. Điện thoại của chúng tôi lúc đó cũng không phải smartphone mà điện thoại chỉ nghe, gọi và tải nhạc thôi nên chúng tôi tải nhạc vào điện thoại và đưa lên đây dạy học sinh. Ngoài những tiết học khô khan thì chúng tôi dùng điện thoại tải nhạc sẵn vào đó để mở cho các em nghe. Học sinh ở đây rất thích học hát nên nhờ cách làm đó mà các em đến lớp nhiều hơn.”
Để ươm mầm con chữ tại các thôn, bản vùng cao, giờ đây các thầy cô giáo không chỉ dừng lại ở ba cùng nữa mà phải thực hiện bốn cùng, đó là: cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng sử dụng tiếng bản địa với các em.
Nóc Tắk Pổ, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My có 35 hộ dân tộc Ca Dong sống nhờ nương rẫy. Em Hồ Mai Vy, học sinh lớp 2/3, điểm trường Tắk Pổ hoàn cảnh gia đình khó khăn, mỗi khi đến mùa thu hoạch, cha mẹ phải dẫn em vào ở lại nhà ruộng, cách nhà cả nửa ngày đi bộ. Mùa thu hoạch kéo dài nhiều tuần liền khiến việc học của Hồ Mai Vy bao lần gián đoạn. Các cô giáo lặn lội đường sá xa xôi tìm đến tận nhà ruộng để vận động, xin phép cha mẹ đưa Hồ Mai Vy về ở tại điểm trường Tắk Pổ thuận lợi cho việc học. Ngoài giờ học, các thầy cô nấu ăn, chăm sóc Vy và các bạn như những đứa con trong gia đình.
Lũ trẻ vùng cao có lẽ vì vậy coi các cô giáo như mẹ của mình. Em Hồ Mai Vy nói: “Con rất thích đi học vì đến trường rất vui vẻ. Các cô giáo vừa dạy chữ vừa quan tâm giúp đỡ các em, đông viên em cố gắng học tập tốt.”
Niềm hạnh phúc lớn nhất của cô giáo vùng cao là học sinh chăm ngoan, không bỏ học. Những dịp lễ, tết hay Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 /11, món quà mà học sinh miền núi dành tặng các cô là những bó hoa rừng, búp măng rừng, những bó rau, cây mía… Nhìn những đôi mắt trong veo, gương mặt lem luốc của học sinh vùng cao, nhiều cô giáo từ bỏ ý định chuyển về công tác dưới xuôi dù có cơ hội.
Cô giáo Đinh Thị Tươi, Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam có hơn 10 năm dạy học ở đây. Mảnh đất vùng cao nhiều gian khó này là nơi cô Tươi tìm được hạnh phúc lứa đôi, lập gia đình. Cô Đinh Thị Tươi nhớ lại, trận lũ quét, sạt lở núi kinh hoàng cuối năm 2020 đã cướp đi sinh mạng 4 em học sinh, đa số các em còn rất nhỏ tuổi, nhiều em mồ côi cha mẹ sau thiên tai... Thời điểm đó, cô Đinh Thị Tươi đang mang thai, cận kề ngày sinh nhưng vẫn cố gắng động viên các em học sinh vượt qua nỗi đau mất người thân. Chồng cô Tươi là cán bộ xã Phước Lộc, trực tiếp tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ người dân trong thiên tai. Một kỷ niệm mà cô Tươi không thể nào quên chính là trong những ngày mưa lũ dữ dội ấy.
“Nhìn học sinh của mình mất đi người thân tôi thấy rất đau lòng. Chúng tôi luôn bên cạnh động viên để các em vượt qua sự mất mát. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn còn sợ, đây là kỷ niệm đáng nhớ để sau này tôi kể lại cho con tôi về hành trình con đến với thế giới này khó khăn như thế nào. Mình đặt tên cho con là Bùi Đinh Không Quân, gắn với tên của lực lượng Không quân Việt Nam đã cứu 2 mẹ con mình ra khỏi vùng sạt lở”- cô Tươi tâm sự.
Đến nay, hệ thống giao thông miền núi tỉnh Quảng Nam sau các đợt thiên tai vẫn chưa khắc phục xong. Để đảm bảo việc học tập không bị gián đoạn, phụ huynh và các thầy, cô giáo ở miền núi phải cõng học sinh lội qua sông, suối, băng qua những đoạn đường nguy hiểm đến lớp. Ông Thái Viết Tường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho biết, điều kiện khó khăn là vậy nhưng những năm qua tỷ lệ học sinh bỏ học ở vùng cao tỉnh Quảng Nam ngày càng giảm, số lượng học sinh tốt nghiệp cấp ba, đỗ Đại học ngày càng tăng. Theo ông Thái Viết Tường, những thành quả đó có đóng góp không nhỏ của các thầy, cô giáo nhiều năm dạy học ở miền núi.
“Trong điều kiện khó khăn của giáo dục miền núi, chúng tôi đánh giá rất cao những đóng góp của các giáo viên miền núi. Có rất nhiều cô giáo công tác ở miền núi hàng chục năm, hy sinh tuổi thanh xuân của mình vì học sinh miền núi. Có nhiều cô dành cả tuổi xuân để dạy học ở vùng cao đến nay vẫn chưa lập gia đình. Tôi rất cảm kích và xin được cảm ơn những cống hiến của các thầy cô đặc biệt là các cô giáo”- ông Tường bày tỏ.
Trên non cao, tiếng hát của những đứa trẻ dân tộc thiểu số đã nuôi bao hy vọng cho những cô giáo cắm bản trong hành trình “gieo chữ”. Rồi mai đây những đứa trẻ ấy sẽ lớn lên và đi đến chân trời mới. Vùng cao gian khó sẽ đổi thay nhờ những lớp học giữa đỉnh trời hôm nay./.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nhin-nhung-em-nho-vung-cao-nhieu-co-giao-tu-bo-y-dinh-ve-xuoi-cong-tac-a29451.html