Chung tay hợp tác cải thiện môi trường

Hội thảo chuyên đề “Môi trường, nước và xử lý nước” tổ chức chiều 14/4, trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp lần thứ 12.

Chú thích ảnh Quang cảnh Phiên hội thảo "Môi trường, Nước và Xử lý nước". Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Các tham luận tại hội thảo tập trung vào các vấn đề: Bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí, chống biến đổi khí hậu, xử lý chất thải rắn, xử lý nước và cấp nước sạch, giảm thiểu và tái chế rác, kinh tế tuần hoàn…

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố  tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm huy động các nguồn lực thực hiện các giải pháp, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường tại địa phương… 

Trong giai đoạn tiếp theo, TP Hồ Chí Minh mong muốn hợp tác với các địa phương của Pháp về các nội dung: Ứng dụng chuyển đổi số trong quan trắc môi trường, phục vụ quản lý thông minh chất lượng không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh; đầu tư triển khai các dự án phát triển hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị; bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý môi trường cho cán bộ, công chức ngành Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là về quản lý tổng hợp nguồn nước…

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, tháng 6/1972, Hội nghị về môi trường do Liên hợp quốc tổ chức tại Stockhom (Thụy Điển) lần đầu tiên nhấn mạnh về mối quan hệ giữa con người và môi trường với thông điệp “Chỉ một Trái đất". Đến nay, sau hơn 50 năm, nhân loại vẫn đang tiếp tục đối mặt với khủng hoảng kép do đại dịch COVID  - 19, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… Chính vì vậy, bảo vệ môi trường, gắn với phát triển bền vững đã trở thành một trong những nội dung trọng tâm, quan trọng trong các chương trình nghị sự của Đảng, Nhà nước, trong các chủ trương, quyết sách phát triển đất nước của Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, tư duy bảo vệ môi trường của Việt Nam đã chuyển từ bị động ứng phó, khắc phục sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, phục hồi các hệ sinh thái môi trường. Với tinh thần chủ động đó, Việt Nam đã có khoảng 90 đối tác hợp tác song phương; tham gia hơn 100 khuôn khổ hợp tác đa phương về tài nguyên, môi trường và khí hậu. Riêng với Pháp, cùng với sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ song phương, hợp tác phát triển bền vững, trong đó có việc bảo vệ môi trường được xem là một trong những điểm nhấn nổi bật. Tuyên bố chung Việt Nam - Pháp vào tháng 11/2021 nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đến Pháp đã khẳng định cam kết của hai nước về quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Với quan điểm phát triển kinh tế vùng gắn liền với nhiệm vụ quản lý kinh tế quốc gia, Việt Nam hiện có 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long với tổng số 24 tỉnh, thành phố; được xác định là các vùng động lực làm đầu tàu kéo theo sự phát triển của các vùng khác trên cả nước.

Trong bối cảnh đó, liên kết bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ là bài toán của một địa phương riêng lẻ mà liên kết nội vùng và liên vùng trở thành yếu tố tất yếu của quá trình phát triển, đặc biệt là phát triển bền vững, là tiền đề cho nhu cầu mở rộng quy mô kinh tế cũng như tính lan tỏa phát triển của các địa phương trong vùng và giữa các vùng với nhau.

Chú thích ảnh Các đại biểu dự Phiên hội thảo "Môi trường, Nước và Xử lý nước". Ảnh: Văn Điệp/ TTXVN

Đến nay, nhiều địa phương Việt Nam đã chủ động hợp tác với các địa phương lân cận trong công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm lưu vực sông, khai thác sử dụng các nguồn nước liên tỉnh; hình thành nhiều mô hình liên kết bảo vệ hành lang đa dạng sinh học và vùng đệm trong các khu bảo tồn thiên nhiên. Việc đẩy mạnh triển khai các mô hình liên kết, hợp tác trong bảo vệ môi trường đã nâng cao năng lực dự báo, tăng cường khả năng phòng ngừa, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên trong vùng và trên phạm vi cả nước.

TP Hồ Chí Minh đang ưu tiên phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ thân thiện với môi trường trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và đặc biệt trong phát triển đô thị như giao thông đô thị; chống ngập và cung cấp nước sạch... Công cuộc bảo vệ môi trường của các địa phương Việt Nam không chỉ dựa trên nội lực mà còn cần đến những kinh nghiệm và hợp tác từ bạn bè quốc tế. Với thế mạnh về kinh nghiệm và công nghệ môi trường hiện đại, các địa phương Pháp, các nhà đầu tư Pháp luôn được xem là các đối tác tin cậy của các địa phương Việt Nam trong nỗ lực phát triển bền vững.

Trình bày tham luận “Quản lý chất thải nhựa tại thành phố Hà Nội”, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, Hà Nội có các quy định trong giảm thiểu chất thải nhựa như Kế hoạch số 232/KH - UBND ngày 25/10/2019 của UBND thành phố Hà Nội về phòng, chống rác thải nhựa và túi ni-lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”; yêu cầu giảm thiểu chất thải nhựa đối với các cơ quan hành chính nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội và đơn vị sự nghiệp trực thuộc thành phố…

Thời gian tới, thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện, ban hành quy định về kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn; các chính sách ưu đãi về tài chính đối với lĩnh vực thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa. Ngoài ra, thành phố tiếp tục hoàn thiện và ban hành kế hoạch chuẩn bị nguồn lực, tài chính, thể chế chính sách cấp thiết để thực hiện phân loại rác tại nguồn; tăng cường quản lý nhà nước về chất thải rắn…

Theo tham luận “Chung tay hợp tác cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội”, những năm qua, Hà Nội đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai nhiều chính sách để cải thiện chất lượng không khí như Chỉ thị 15/CT-UBND về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ; Chỉ thị số 19/CT-UBND về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn thành phố; Nghiên cứu xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng không khí… Bên cạnh đó, Hà Nội cũng rà soát, điều chỉnh qui hoạch mạng lưới quan trắc không khí trên địa bàn trong khuôn khổ hợp tác với AFD; đến nay đã lắp đặt và quản lý vận hành 35 trạm quan trắc không khí tự động. Dữ liệu quan trắc được liên tục cập nhật lên cổng thông tin điện tử của UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và gửi 15 cơ quan báo chí truyền hình để phục vụ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân.

Theo báo Tin tức

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/chung-tay-hop-tac-cai-thien-moi-truong-a29388.html