Do đặc thù công việc, tôi thường bắt đầu ngày mới của mình bằng việc kiểm tra email, zalo. Và sáng 7/4, trong rất nhiều thư và tin mới, tôi rất vui khi nhận được tin nhắn của một người bạn.
“Em xuống dự lễ phát động “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện” năm 2023. Mời anh uống cà phê nhé”- bạn viết.
Tôi biết, vào sáng 7/4- Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện, tại Hội trường Ngọc Linh (thành phố Kon Tum), tỉnh tổ chức lễ phát động “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện” năm 2023. Nhưng lại không biết bạn có tham gia.
Đọc xong tin nhắn, tôi nhớ tới dáng người cao dong dỏng và nụ cười hiền của bạn trong lần gặp đầu tiên cách đây nhiều năm. Hôm ấy, tại một buổi hiến máu tình nguyện, tôi ngồi cùng một nhóm bạn trẻ cùng tham gia buổi hiến máu.
Sau này tôi mới biết, nhóm bạn trẻ ấy đều có “thâm niên” hiến máu. Người ít thì dăm bảy lần, người nhiều thì trên chục lần. Và tôi cảm thấy rất vinh hạnh vì được ngồi cùng.
|
Cũng xin được nói luôn rằng, tôi rất trân quý những người hiến máu tình nguyện, càng khâm phục và nể trọng những người hiến máu tình nguyện nhiều lần. Bởi hiến máu không chỉ cho đi đơn thuần, mà chính là chia sẻ một phần sự sống của mình cho người khác.
Nhưng lúc mới gặp, nhìn dáng người dong dỏng của bạn, tôi hơi nghi ngại. “Liệu có ổn không vậy”- tôi hỏi nhỏ. “Em ổn anh ơi”- bạn trả lời với một nụ cười hiền.
“Ấy, anh đừng vì tạng người gầy gò của anh ấy mà nhầm. Một người nổi tiếng trong “làng hiến máu” đấy nhé”- một bạn trẻ ngồi cạnh giới thiệu.
Càng hỏi chuyện tôi càng “choáng”. Trong 6 năm, bạn đã hiến máu 17 lần. “Khi nào có đợt phát động hay hoạt động hiến máu, hoặc có thông tin cần máu để cấp cứu cho bệnh nhân là anh ấy sẵn sàng liền”- một người chia sẻ “hộ”.
Còn bạn thì chỉ nói ngắn gọn: Em không thấy chuyện gì ghê gớm ở đây cả. Mỗi người có nhóm máu của riêng mình, nhưng tất cả đều chung một dòng máu đỏ của người Việt Nam. Khi quanh mình là những con người ở ranh giới sự sống và cái chết thì không được phép do dự.
Vâng, ngắn gọn thôi, nhưng đã nói lên ý nghĩa cao đẹp nhất của hiến máu. Ấy là trao sự sống.
Máu là loại thuốc điều trị đặc biệt, chưa có gì thay thế được và chỉ có thể hiến tặng từ những người tình nguyện khỏe mạnh.
Ngày 7/4/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg về vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện và lấy ngày 7/4 hằng năm là Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện.
Kể từ đó đến nay, hiến máu tình nguyện đã trở thành phong trào lớn, lan tỏa rộng khắp trong các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Ở tỉnh ta, trong những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện đã phát triển rộng khắp ở tất cả các huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học và cộng đồng.
Hiến máu tình nguyện cũng trở thành nét đẹp văn hóa của mỗi người dân, là nghĩa cử cao đẹp và là truyền thống tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam.
Hiện nay, toàn tỉnh có 10 ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện từ tỉnh đến cơ sở; 7 câu lạc bộ hiến máu với trên 480 thành viên hoạt động thường xuyên, sẵn sàng tham gia hiến máu khẩn cấp.
Ngay cả trong thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động bị đình trệ, nhưng phong trào hiến máu tình nguyện vẫn luôn tiếp nối, không giảm đi sự nhiệt tình, mà ngược lại, càng phát triển mạnh mẽ.
Chỉ tính riêng năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức được 34 đợt hiến máu tình nguyện, tiếp nhận 6.844 đơn vị máu, đạt 136,8% chỉ tiêu kế hoạch của Ban chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện giao.
Ngày trong sáng 7/4, tại buổi phát động Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện năm 2023, đã có hơn 500 cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên hiến 379 đơn vị máu toàn phần. Mục tiêu đặt ra trong năm 2023 là vận động được hơn 7.000 đơn vị máu.
Rất tiếc là mấy năm gần đây, vì lý do sức khỏe nên tôi không thể tham gia hiến máu được. Nhưng chỉ cần nghĩ về điều đó, là tôi lại thấy trong tim trào dâng nhiệt huyết. Bởi tôi cũng đã có những tháng ngày tuổi trẻ sôi nổi và nhiệt tình tham gia hiến máu.
Lần đầu tiên đi hiến máu tôi cũng lo lắng đủ điều. Đại loại là không biết nên chuẩn gì trước khi hiến máu? Hiến máu có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không? Sau khi hiến máu thì cần làm những gì?
Nghe theo lời khuyên của người có kinh nghiệm, đêm trước ngày hiến máu, tôi đi ngủ sớm, không uống rượu bia, không ăn đồ ăn có nhiều đường, mỡ; ăn nhiều hơn các chất dinh dưỡng bổ máu như thịt bò, gan, trứng, sữa.
Đến khi được tư vấn chi tiết thì mới biết mình đã lo lắng quá mức. Và tôi hiểu rõ rằng, tất cả chúng ta, người có sức khoẻ bình thường, không mắc bệnh lý, không bị nhiễm các tác nhân lây qua đường truyền máu, không có hành vi nguy cơ, đều có thể hiến máu mà không ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Sau đó, tôi đều đặn tham gia hiến máu, không chỉ theo các đợt do Đoàn thanh niên phát động, mà còn bất cứ khi nào nhận được lời kêu gọi.
Mỗi lần tham gia hiến máu, tôi đều chỉ nghĩ đơn giản đó là việc mình nên làm và cần làm, cũng không mấy để ý đến câu khẩu hiệu “một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”.
Càng không nghĩ đến có ngày mình sẽ được cứu sống từ những giọt máu đào do người khác hiến tặng.
Sau này, tôi phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng thiếu máu nghiêm trọng, đúng thời điểm bệnh viện hết nhóm máu tôi cần. Ngay trong đêm, nhiều người đã tự nguyện hiến máu, trong số đó có những người từng nhận những giọt máu hồng từ tôi.
Tôi không đề cấp đến thuyết “nhân quả”, nhưng luôn tin rằng, khi ta gieo “hạt thiện”, sẽ nhận được “quả lành”.
Hồng Lam
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nhung-giot-mau-hong-trao-su-song-a29244.html