Chiều 10/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) tổ chức tọa đàm nghiên cứu phương án mở rộng chế độ thai sản trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của Việt Nam.
Đây là dịp để các chuyên gia, lãnh đạo tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố trao đổi, thảo luận, tìm hiểu thực trạng tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, nhu cầu, nguyện vọng của người lao động về các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, để tìm giải pháp để mở rộng diện bao phủ chế độ thai sản trong nữ giới.
Theo bà Đàm Thị Vân Thoa, Trưởng ban Chính sách-Luật pháp của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chế độ thai sản là một trong những nội dung quan trọng trong đảm bảo sức khỏe, phúc lợi cho bà mẹ, trẻ em và hộ gia đình, cũng như tạo cơ hội, đối xử bình đẳng của lao động nữ.
Hiện, chế độ thai sản tại Việt Nam là một trong những chính sách ưu việt trong khu vực về thời gian nghỉ và tỷ lệ hưởng, tuy nhiên diện bao phủ còn thấp do chế độ này chỉ áp dụng đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không được hưởng chế độ thai sản.
Theo bà Thoa, nhiều phụ nữ, đặc biệt các nhóm lao động ở khu vực nông thôn và cả khu vực thành thị tham gia việc làm phi chính thức chưa được hưởng chế độ thai sản hay các trợ cấp hỗ trợ liên quan đến thai sản là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc không có khả năng tham gia bảo hiểm xã hội.
Thực tế, đây cũng chính là nhóm lao động chiếm tỷ lệ cao trong tổng số người trong độ tuổi lao động tại Việt Nam nói chung. “Như vậy, nếu thiếu chế độ thai sản sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập, thời gian làm việc của phụ nữ cũng như sức khỏe bà mẹ, trẻ em và hộ gia đình. Quan trọng hơn, nếu không có chế độ, chính sách chăm lo tốt sẽ ảnh hưởng tới chất lượng dân số, chất lượng của lực lượng lao động trong tương lai.
Do vậy, cần có phương án mở rộng hơn nữa đối với chế độ thai sản cho người lao động nhằm bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em; đây cũng là một trong những giải pháp để đảm bảo dân số phát triển bền vững,” bà Thoa chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hải Đạt, đại diện Tổ chức Lao động quốc tế cho biết khảo sát năm 2019 của tổ chức này cho thấy chỉ 30% phụ nữ trong lực lượng lao động được hưởng chế độ thai sản. Như vậy, còn một lực lượng lao động đáng kể trong xã hội không trong diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đồng nghĩa với số lượng lớn lao động chưa được bảo vệ thai sản.
Ông Nguyễn Hải Đạt cũng trao đổi, tìm hiểu về thực trạng tình hình tham gia bảo hiểm xã hội và khoảng trống bao phủ chế độ thai sản những năm gần đây tại các địa phương ở Thành phố Hồ Chí Minh; các yếu tố ảnh hưởng đến việc phụ nữ tham gia bảo hiểm xã hội tại địa phương; tình hình thụ hưởng chế độ thai sản theo bảo hiểm xã hội (phụ nữ và nam giới); xu hướng lao động của các tỉnh, thành phố ảnh hưởng đến tham gia bảo hiểm xã hội...
Ông Nguyễn Hải Đạt, đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam phát biểu. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Thống kê những năm gần đây về tình hình tham gia, thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Trưởng Phòng chế độ Bảo hiểm xã hội nêu rõ sự cần thiết của việc bổ sung chế độ thai sản, nhằm giúp chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện hấp dẫn hơn so với trước đây.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, bảo hiểm xã hội tự nguyện là cần thiết, khuyến khích người lao động tham gia, góp phần mở rộng diện bao phủ theo tinh thần cải cách chính sách bảo hiểm xã hội của Trung ương. Do vậy, tại dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung trợ cấp thai sản trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, lao động nữ sinh con, lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có vợ sinh con đều được thụ hưởng từ ngân sách nhà nước.
Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng cần nghiên cứu bổ sung thêm chế độ thai sản đối với các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng cường chính sách hỗ trợ tiền đóng từ ngân sách Nhà nước và huy động từ nguồn lực xã hội; chế độ chính sách hỗ trợ phụ nữ trong thời gian nuôi con nhỏ, chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ sau sinh, chính sách thai sản cho người khuyết tật…
Các đại biểu cũng trao đổi về những ảnh hưởng của việc thiếu chế độ thai sản đối với phụ nữ; đề xuất các phương án mở rộng chế độ thai sản; kiến nghị các chính sách hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, mở rộng diện bao phủ.
Theo Bảo hiểm xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2022, thành phố có hơn 2,59 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; hơn 61.600 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; hơn 170.900 lượt người hưởng chế độ thai sản, giảm 44,11% so với năm 2018.
Nguyên nhân số lượt người hưởng các chế độ thai sản giảm do biến động lao động giảm bởi tác động tiêu cực của tình hình thế giới đã ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh, đơn hàng của các doanh nghiệp, buộc phải thu hẹp sản xuất và chấm dứt hợp đồng lao động với hàng chục nghìn người lao động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19./.
Thanh Vũ (TTXVN/Vietnam+)
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/mo-rong-che-do-thai-san-de-dam-bao-suc-khoe-ba-me-va-tre-em-a29240.html