Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tự thân

Lần đầu tiên Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tự thân cho một nữ bệnh nhân 57 tuổi bị đa u tủy xương với sự phối hợp chuyển giao kỹ thuật từ Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương. Từ đây mở ra cơ hội điều trị mới cho bệnh nhân, người bệnh miền Trung.

Bệnh nhân là bà Lê Thị C. (57 tuổi, trú huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) nhập Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng thiếu máu kéo dài, đau xương nhiều. Bà C. được cắt bỏ khối u vùng lưng tại khoa ngoại thần kinh, sau đó được gửi xét nghiệm sinh thiết khối u, và có chẩn đoán đa u tủy xương giai đoạn 3. Bà C. được chỉ định điều trị hóa chất và ghép tủy.

Ban Giám đốc bệnh viện Đà Nẵng đã thực hiện hội chẩn liên chuyên khoa và hội chẩn ngoại viện với Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương; đánh giá, lên kế hoạch ghép tủy bằng phương pháp ghép tế bào gốc tự thân cho người bệnh.

Sau hội chẩn, người bệnh tiếp tục điều trị 4-5 đợt hóa chất, qua xét nghiệm kiểm tra, đánh giá lui bệnh hoàn toàn, được chuyển khu ghép tủy cách ly vô trùng tuyệt đối với phòng áp lực dương. Sau đó được gạn tách tế bào gốc và truyền lại vào lại cơ thể bằng đường truyền tĩnh mạch.

dsc00022-5785-1681119835-1681150532.jpeg
Bệnh nhân được thực hiện ghép tủy bằng phương pháp ghép tế bào gốc tự thân.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc bệnh viện Đà Nẵng, sự chuẩn bị kỹ càng trước ghép, sự chuyển giao kỹ thuật từ Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, cùng sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của khoa khoa Nội thần kinh-Cơ xương khớp-Huyết học lâm sàng bệnh viện Đà Nẵng cùng các khoa liên quan.

Sau ghép, người bệnh tiếp tục được theo dõi sát, chăm sóc tích cực trong khu vực vô trùng, có hiện tượng sốt, tiêu chảy nhưng sau đó hoàn toàn ổn định. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, ăn uống đi lại bình thường và có thể xuất viện.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thanh Hương, khoa Nội Thần kinh-Cơ xương khớp-Huyết học lâm sàng, người trực tiếp thực hiện ca ghép, khó khăn được đặt ra đối với bệnh nhân C. là sự giảm miễn dịch, nhiễm siêu vi làm máu giảm liên tục không hồi phục, phải theo dõi điều trị sát sao một thời gian dài để máu phục hồi rồi mới thực hiện ghép. “Ghép tế bào gốc tạo máu tự thân là phương pháp lấy tế bào gốc của chính người bệnh ghép lại cho người bệnh. Các tế bào gốc hỗ trợ và giúp phục hồi nhanh chóng hệ thống sinh máu của người bệnh sau hóa trị liệu liều cao, nhằm phòng tránh những biến chứng đe dọa tính mạng. Ghép tế bào gốc tạo máu tự thân được chỉ định điều trị cho các bệnh bạch cầu, hội chứng tăng sinh tủy, bệnh đa u tủy, bệnh bạch cầu, bệnh Hodgkin, ung thư tinh hoàn…”, bác sĩ Hương cho biết.

2-22-2915-1681150531.jpeg
Ban giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng tặng hoa chúc mừng bệnh nhân hồi phục sau ca ghép tế bào gốc tự thân.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, từ năm 2019-2020, Bệnh viện đã cử các bác sĩ khoa Nội Thần kinh-Cơ xương khớp-Huyết học lâm sàng đi học tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương về kỹ thuật này. Việc Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện thành công ca ghép tủy bằng tế bào gốc tự thân là một bước tiến vượt bậc trong công tác điều trị, thể hiện trình độ chuyên môn của các bác sĩ đã và đang làm chủ các kỹ thuật chuyên sâu, mở ra hướng đi mới và hy vọng chữa khỏi bệnh cho người bệnh mắc các bệnh lý ác tính.

Từ đây người bệnh miền Trung đỡ vất vả hơn khi phải di chuyển ra hai đầu đất nước để được thực hiện kỹ thuật chuyên sâu này.

Bệnh viện Đà Nẵng trung bình mỗi năm có khoảng 30 bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị đa u tủy xương. Số lượng bệnh nhân cần ghép tế bào gốc ngày càng tăng, nên vừa qua Đà Nẵng đã cho xây dựng Trung tâm ghép tạng và tế bào gốc thuộc Bệnh viện Đà Nẵng.

Công trình Trung tâm ghép tạng và tế bào gốc dự kiến hoàn thành trong năm nay.

T.H.

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/benh-vien-da-nang-thuc-hien-thanh-cong-ca-ghep-te-bao-goc-tu-than-a29235.html