Hình xăm thay cho nhẫn cưới
Men theo con đường nhỏ ở bãi bồi sông Hồng dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội), chúng tôi tìm đến "căn nhà tình yêu" của vợ chồng ông Thành (87 tuổi) và bà Thủy (86 tuổi) đang sinh sống.
"Tổ ấm" của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thành và bà Nguyễn Thị Thủy là chiếc bè tạm đang dập dìu trên mặt nước sông đục ngầu cạnh chân cầu Long Biên, bị nghiêng về một bên do thùng phuy bên dưới bị nước ngấm vào.
Thấy có người đến, ông Thành chạy vào nhà gọi bà Thủy dậy. Vài năm gần đây, ông Thành bị chứng lãng tai, khi ai nói gì, bà Thủy lại trở thành "phiên dịch" bất đắc dĩ.
Bà Thủy nói vui với chúng tôi: "Ông bị lãng tai nên khổ lắm, nhà có hai vợ chồng nhưng nói chuyện lúc nào cũng phải hét lên như đang cãi nhau. Có khi ở bên kia sông nghe được nhưng chưa chắc ông đã nghe thấy".
Dắt bà Thủy từ giường xuống xong, ông Thành kể cho chúng tôi nghe mối lương duyên cách đây hơn 50 năm mà ông không bao giờ quên. Ông kể, ông quê gốc tại tỉnh Thanh Hóa nhưng khi lên 10 tuổi đã chịu cảnh mồ côi, phải lang thang đầu đường, xó chợ để mưu sinh. Năm 16 tuổi, ông rời quê hương ra Hà Nội kiếm sống.
Đến năm 1969, trong một lần đi xin ăn tại ga Hà Nội ông gặp bà Thủy đang quét gạo cho vào ống bơ. Lúc này, ông Thành bắt chuyện và biết được bà Thủy cũng cùng hoàn cảnh không nhà cửa, không nơi nương tựa và người thân thích như mình.
Cuối cùng, ông mạnh dạn nói: "Cô về ở với tôi đi, rồi cùng nhau mò cua bắt ốc sống qua ngày…". Đó là ngày 26/9/1969 và ông Thành sau này cũng quyết định đi xăm trên cánh tay để ghi nhớ ngày mình thổ lộ tình cảm với vợ và cả hai đều xem đó là ngày cưới.
Nhặt phế liệu bán lấy tiền mua lương thực
Lênh đênh cùng nhau trên song nước đã 54 năm, đôi vợ chồng già vẫn luôn dành cho nhau sự quan tâm, chăm sóc như hồi mới yêu. 6 năm trở lại đây, đôi mắt bà Thủy bị viêm màng thống nên mất hoàn toàn thị lực. Từ đó, từng miếng cơm, manh áo của hai người được đặt vào đôi vai của người đàn ông 87 tuổi với chứng lãng tai.
Ban ngày ông ở nhà lo cơm nước, phụ giúp bà Thủy những việc sinh hoạt cá nhân. Tối đến, lúc mọi người yên giấc là lúc ông Thành đi khắp khu vực chợ Đồng Xuân để nhặt rác, tìm ve chai. Ông đi nhặt phế liệu từ 9 giờ tối đến 4-5 giờ sáng hôm sau mới về nhưng mỗi ngày chỉ thu được 30.000 đồng.
Thấy ông vất vả, bà Thủy không khỏi xót xa: "Tôi thương ông ấy lắm, cứ lọ mọ đêm hôm, nhưng chân không đi thì mồm không có cái ăn. Nhiều người thương nên cho, chứ ông chân đau lại lãng tai nhặt được bao nhiêu đâu. Nhiều khi tôi sợ ông ấy ra đường, xe bấm còi mà chả nghe thấy gì, xe đâm cho không biết làm sao mà sống…"
Họ đã gắn bó với nhau, cùng nhau trải qua bao nỗi cực nhọc của cuộc sống suốt theo chiều dài năm tháng. Những năm tháng lang bạt kiếm sống, hai vợ chồng ông Thành không có một mái nhà riêng để che nắng, che mưa, tối đến họ lại vạ vật dưới gầm cầu, nhà ga...
Tuy nhiên, ông trời thương nên cho họ luôn có sức khỏe và hạnh phúc. "Chúng tôi sống trong thiếu thốn, đói nghèo nhưng chả bao giờ ốm đau. Hai vợ chồng sống với nhau dù không có con cái nhưng ông ấy vẫn luôn quan tâm, chăm sóc tôi đến tận bây giờ", bà Thủy tâm sự về chồng.
"Tôi chỉ mong sao cho mắt bà ấy không bị đau nhiều, có sức khỏe để còn sống với tôi lâu lâu chút", ông Thành xúc động nói.
"Kẻ cướp cơm hà bá"
Trên bến sông Hồng, mấy chục năm nay, ông Thành vẫn làm công việc thầm lặng, vớt xác, cứu người. Ông nhớ lại, chỉ vừa mới tháng trước, có một người đàn ông chết trôi về đây, nhìn thấy, ông chẳng thể làm ngơ.
"Từ hồi vợ chồng tôi sống ở đây, tôi thấy có xác người trôi dạt trên sông Hồng là tôi ra đưa họ vào bờ và báo chính quyền. Nhiều xác chết thối rữa nhưng tôi không ngại vì mình làm bằng cái tâm nên không sợ gì cả", ông Thành chia sẻ.
Không chỉ vớt xác người chết, ông Thành còn nhiều lần cứu những người nhảy cầu tự tử và sau này họ coi ông là ân nhân.
"Tôi vớt xác để làm phúc cho đời, chứ không bao giờ nghĩ mình làm để kiếm sống. Nhìn thấy xác người trôi sông, lạnh lắm, tội nghiệp lắm. Tôi không đành".
Ông không nhớ đôi bàn tay già nua này đã vớt bao nhiêu xác chết, cứu bao linh hồn bơ vơ trong giá lạnh. Nhiều gia đình cảm ơn ông, người cho 100.000 đồng, người cho 1 triệu đồng. Còn những cái xác vô danh, không gia đình, ông bàn giao lại cho cơ quan pháp y. "Làm lấy phúc cho đời", ông nói đơn giản vậy thôi.
Hằng ngày, bến sông Hồng, tấp nập người xuống tắm. Cái nhà nổi nhỏ xíu của ông Thành, bà Thủy đón biết bao lượt khách ghé chơi. Cũng vì thế, ông bà được nhiều người giúp đỡ. Khi cân gạo, khi chai nước mắm, lọ dầu mỡ giúp cuộc sống của ông Thành, bà Thủy vơi đi phần nào.
Trời chạng vạng, chúng tôi rời khỏi chiếc bè tạm của ông Thành, bà Thủy., tôi thấy bóng ông Thành liêu xiêu đi vào nhà và tiếng gọi chồng của bà Thủy. Trong cái đìu hiu cuối ngày ven bờ sông, chúng tôi vẫn cảm nhận được hơi ấm trong căn nhà nhỏ của ông Thành, bà Thủy vẫn đang được nhen lên, phủi bạt những cơn gió lạnh cuối đông. Hơi ấm của lênh đênh một mối tình già.
Trao đổi với Dân Việt, lãnh đạo UBND phường Phúc Xá cho hay, đối với các hộ dân từ nơi khác đến khu vực bãi sông Hồng sinh sống, từ năm 2017, đơn vị đã vận động, đưa họ lên bờ tạo điều kiện cho họ có nơi sinh sống tốt hơn. Ngoài ra, chính quyền địa phương thường xuyên có hỗ trợ về mặt nhu yếu phẩm, công việc cho các hộ dân, đảm bảo cuộc sống tốt hơn.
Duy Huy
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/chuyen-cam-dong-ve-doi-vo-chong-gia-hon-50-nam-song-lenh-denh-tren-song-hong-a29013.html