Giá trị của lòng tốt thực sự phải xuất phát từ mong muốn giúp đỡ người khác bằng tình cảm chân thật. Khi đó, mỗi đứa trẻ sẽ được lớn lên trong thế giới ngập tràn yêu thương, sẻ chia và hạnh phúc.
Mất đi một bên chân nhưng Diệu Linh lại có thêm một tình bạn hiếm có. Hai năm qua, đều đặn hàng ngày, không quản nắng mưa, Thơm đạp xe đưa Linh đến trường. Tấm lòng của Thơm tiếp thêm nghị lực cho Linh, để em dần tự tin trở lại sau những ngày khép mình vì bệnh tật.
"Quãng đường mình đi học rất xa xôi, mà Linh bị mất một chân, đi học còn xa hơn vì thế em quyết định hàng ngày qua chở Linh đi học cùng. Trên đường có người cùng trò chuyện, cảm thấy vui hơn. Giúp được một người nào đó việc mà người đó không làm được có nghĩa là làm việc tốt. Làm được việc tốt rất là vui", em Bùi Thị Hương Thơm, học sinh Trường TH&THCS Hương Nhượng, Hòa Bình chia sẻ.
Với mong muốn làm việc tốt, chia sẻ với những bạn khó khăn, các em học sinh trưởng Tiểu học Nguyễn Tri Phương, Hà Nội đã thực hiện phong trào "Nuôi heo đất, trao yêu thương". Em Phó Diệp Anh, học sinh trường Nguyễn Tri Phương cho biết: "Bố mẹ cho em 10.000 đồng ăn sáng, em sẽ bỏ ra 5.000 đồng để tiết kiệm nuôi heo đất giúp bạn".
Với trẻ em, lòng tốt cần được xây dựng trên nền tảng nhiều kỹ năng sống khác. Dạy trẻ làm việc tốt thế nào cho đúng cũng cần phương pháp đúng từ người lớn.
Những việc làm tốt không chỉ nhân lên niềm vui, điều tốt đẹp, mà nhiều khi thay đổi cả cuộc đời nhiều người. Những hạt giống gieo hôm nay sẽ góp phần tạo nên thế giới nhân ái, yêu thương của ngày mai.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/day-tre-lam-viec-tot-dung-cach-a28890.html