Mô hình nhỏ, ý nghĩa lớn trong vùng đồng bào đặc biệt khó khăn ở Lai Châu

Sau hơn 3 năm triển khai dự án “Hỗ trợ nuôi gà thịt an toàn sinh học kết hợp với trồng bí đỏ cải thiện dinh dưỡng cho người dân” gắn với Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói”, nhiều mô hình nông nghiệp đã hình thành, phát huy hiệu quả tại các địa bàn đặc biệt khó khăn ở tỉnh biên giới Lai Châu. 

Xã đặc biệt khó khăn Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu có hơn 300 hộ dân với 1.600 nhân khẩu, chủ yếu đồng bào Mông và Mảng sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 65%.

Cuối năm 2021, từ nguồn vốn hỗ trợ của dự án “Hỗ trợ nuôi gà thịt an toàn sinh học kết hợp với trồng bí đỏ cải thiện dinh dưỡng cho người dân” , 20 hộ dân trên địa bàn đã được cung cấp trên 2.000 con gà giống, hỗ trợ thức ăn hỗn hợp, vắc xin phòng bệnh, hóa chất sát trùng chuồng trại và được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, với mục đích chính là cải thiện dinh dưỡng bữa ăn hàng ngày cho bà con. Ngay trong lần hỗ trợ đầu tiên, mô hình đã cho hiệu quả ngoài mong đợi; một số hộ không sử dụng hết đã bán bớt gà để có tiền tái đàn, phát triển kinh tế gia đình.

"Bây giờ nhà nước cho số lượng gà cũng nhiều. Nên về cách chăm sóc gia đình đã đầu tư làm chuồng trại và thắp sáng bóng điện, cho con gà ăn đầy đủ, giữ ấm cho con gà để nó phát triển tốt", chị Sìn Thị Bình, ở bản Nậm Nó 1, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn chia sẻ.

Người dân địa phương thực hiện đúng quy trình chăm sóc để đảm bảo chất lượng đàn vật nuôiNgười dân địa phương thực hiện đúng quy trình chăm sóc để đảm bảo chất lượng đàn vật nuôi

Từ một chương trình với mục tiêu nhỏ là cải thiện dinh dưỡng bữa ăn cho hộ nghèo đặc biệt khó khăn, giờ đây khi được mở rộng về quy mô, hiệu quả, đã góp phần tích cực giúp nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong phát triển kinh tế để vươn lên.

Ông Lò A Tư, Chủ tịch UBND xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn cho biết, từ sự quan tâm của các tổ chức đơn vị, nay bà con nhân dân đã nhận thức được tầm quan trọng và hướng phát triển để thoát nghèo trong thời gian tới. Sau khi mô hình triển khai thực hiện đảm bảo, xã cũng đề xuất với cấp huyện, cấp tỉnh, tạo điều kiện hỗ trợ chính sách cho bà con nhân dân để thoát nghèo trong thời gian tới.

Không chỉ cải thiện dinh dưỡng bữa ăn hàng ngày, nhiều hộ dân đã được hỗ trợ tái đàn, tăng thu nhập cho gia đình

Không chỉ cải thiện dinh dưỡng bữa ăn hàng ngày, nhiều hộ dân đã được hỗ trợ tái đàn, tăng thu nhập cho gia đình

Dự án “Hỗ trợ nuôi gà thịt an toàn sinh học kết hợp với trồng bí đỏ cải thiện dinh dưỡng cho người dân” gắn với Chương trình “Không còn nạn đói” đã được triển khai tại nhiều địa bàn khó khăn của tỉnh Lai Châu từ năm 2019. Chương trình tập trung hỗ trợ các gia đình có trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai và các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Từ nguồn hỗ trợ của dự án, người dân đã phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống.

"Trong thời gian tới, để thực hiện tốt chương trình này, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu với các cấp, các ngành để triển khai đồng bộ các giải pháp; nhằm thúc đẩy nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, ngoài nâng cao nhận thức của nhân dân thông qua các buổi tập huấn, tuyên truyền, chúng tôi sẽ đồng thời huy động các nguồn lực để làm sao triển khai hiệu quả", ông Nguyễn Duy Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết.

Có thể thấy, các mô hình dù nhỏ nhưng đã mang lại ý nghĩa lớn, khi được triển khai hiệu quả, giúp thay đổi ý thức trong phát triển kinh tế của bà con; tạo động lực để bà con tích cực vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng trên chính bản làng, quê hương của mình./.

Khắc Kiên - VOV Tây Bắc

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/mo-hinh-nho-y-nghia-lon-trong-vung-dong-bao-dac-biet-kho-khan-o-lai-chau-a28881.html