Cô bé “nhặt” của vợ chồng ông lão bán bánh xèo

Ăn một cái bánh xèo rồi gửi lại con cho chủ quán, không ai biết vì sao người mẹ lại làm như vậy. Đôi vợ chồng già yếu, không suy nghĩ thiệt hơn, không cân đong đo đếm đã “nhặt” đứa con tội nghiệp ấy về nuôi. 5 năm qua, đứa trẻ lớn lên trong tình yêu thương của ông bà, vượt qua mọi bất hạnh của cuộc đời, nhưng chưa bao giờ thôi hy vọng về một ngày mẹ quay trở về đón con…

Bỗng dưng “nhặt” được cháu

Chiều muộn, chúng tôi ghé vào xe bánh xèo vỉa hè trước số 1075 Lê Đức Thọ, phường 16, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh thăm vợ chồng ông Nguyễn Văn Chương và bà Phạm Thị Luôn cùng đứa cháu “nhặt” của họ. Hơn 20 năm nay, vợ chồng ông Chương và bà Luôn, cùng 70 tuổi, mưu sinh bằng nghề bán bánh xèo và bỗng một ngày cuối năm 2018 thì trở nên nổi tiếng bởi... “nhặt” được một bé gái 3 tuổi. 

Câu chuyện của chúng tôi với ông Chương liên tục bị ngắt quãng bởi những tiếng gọi mua bánh và những đơn bánh chuẩn bị giao. Nhớ lại việc “nhặt” được đứa cháu từ 5 năm về trước, ông Chương vẫn đau đáu nỗi niềm, mong một ngày nào đó mẹ cháu sẽ quay lại đón con.

Cô bé “nhặt” của vợ chồng ông lão bán bánh xèo -0

Bà Phạm Thị Luôn bên xe bánh xèo nuôi cả gia đình và đứa cháu “nhặt”.

Ông kể, ngày ấy TP Hồ Chí Minh đang vào mùa Giáng sinh, thời tiết se se lạnh, đường phố trang trí đẹp mắt nên trước cổng giáo xứ cũng đông đúc, nhộn nhịp hơn. Như thường lệ, ông cùng vợ dọn hàng ra bán. Gần 3 giờ chiều hôm đó, có một người phụ nữ khoảng 20 tuổi, cao tầm 1,6m, da ngăm đen, mặc bộ đồ hoa dẫn con gái khoảng 3 tuổi đến gọi một cái bánh xèo với 5 bánh khọt hai mẹ con ngồi ăn. Lúc này, người đến mua bánh xèo đông, hai mẹ con vừa ăn vừa nói chuyện, ông Chương thấy mặt cô gái rất buồn nhưng cũng không nghĩ ngợi gì, vui vẻ phục vụ khách như bao người khác rồi ông lại tất bật tới lui dọn dẹp phục vụ các bàn khác, còn bà Luôn lui cui ở bếp đổ bánh. Ăn xong, người phụ nữ không trả tiền, lẳng lặng bỏ đi, để đứa bé lại.

Do lu bu đổ bánh xèo liên tục nên ông bà cũng không để ý đến người khách ăn phía trong, một lúc sau thấy đứa bé ngồi một mình, chân tay lấm lem, mặt mệt mỏi bên cạnh là một túi xách cũ, bạc màu, không thấy người phụ nữ đâu. Ông bà vội đến hỏi bé gái tên gì, cha mẹ là ai và nhà ở đâu nhưng cô bé chưa biết nhiều, chỉ vừa nói vừa mếu: “Mẹ con bỏ đi rồi”. Em bé rất kiên cường, cứ ngồi im ở ghế, không quậy phá, hai chân đầy vết sẹo, bụi đất, cứ chà vào nhau, tay vẫn ôm khư khư bịch đồ bên trong có vài bộ quần áo cũ.

Linh tính mách bảo việc chẳng lành, ông Chương liên tưởng đến những đứa trẻ mồ côi được nhà thờ giáo xứ Lạng Sơn nhận nuôi, ngay gần nhà của ông ở quận Gò Vấp. Nơi đây có rất nhiều trẻ em bị người thân mang đến bỏ trước cổng. Từng chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng, ông Chương cùng vợ nghĩ, rất có thể bé gái đã bị mẹ bỏ rơi. Dù nghĩ đến khả năng xấu nhất, người phụ nữ kia đã bỏ con, bà Luôn vẫn nói chồng chờ đến tối, vì biết đâu mẹ bé chỉ gửi con đi công việc.

Thương đứa nhỏ, bà đưa cháu về nhà, rửa mặt, tay chân, lấy nước cho bé uống, cho cháu ngủ. Chờ đến chiều tối, rồi nhiều ngày sau đó vẫn không thấy người phụ nữ kia quay lại dắt con về. Nhìn đứa trẻ đen nhẻm, ốm yếu thẫn thờ khiến ông bà ngổn ngang suy nghĩ.

Cô bé “nhặt” của vợ chồng ông lão bán bánh xèo -0

Tường Vi quấn quýt bên “bà nội”.

Sẽ thật dễ dàng nếu ông bà Chương giao bé lại cho chính quyền, đưa vào trại mồ côi như đa phần các đứa trẻ ông từng nhìn thấy trước cổng giáo xứ. Hơn ai hết ông bà hiểu được rằng, cuộc sống của một đứa trẻ bị bỏ rơi, phải sống trong cô nhi viện bất hạnh đến nhường nào. Sự thiếu thốn và tổn thương không chỉ là cơ thể và vật chất bên ngoài, mà chính là những rạn nứt trong tâm hồn. Việc đón nhận và yêu thương bé như một thành viên trong gia đình chính là món quà mà đứa nhỏ cần hơn hết thảy mọi thứ. Câu nói: “Mẹ con bỏ đi rồi” đã chạm tới tận cùng trái tim vợ chồng già và ông bà quyết định cưu mang đứa nhỏ. Họ trình báo chính quyền, đăng ký giấy tờ và đưa bé về nhà, chăm sóc không có gì khác biệt so với con của mình. Đứa trẻ dần thích nghi với cuộc sống mới cùng ông bà và các anh chị trong nhà, gọi vợ chồng bà bằng ông bà nội. Ông bà đặt tên bé là Nguyễn Ngọc Tường Vi, những mong sau cuộc đời em sẽ đẹp như cái tên ấy.

Những ngày đầu, thể trạng bé rất yếu, bị suy dinh dưỡng, người đen nhẻm. Hai vợ chồng già, cuộc sống chỉ nương nhờ vào xe bánh xèo vỉa hè giờ đèo bòng thêm đứa bé con người dưng ốm yếu nên gặp không ít lời can gián của làng xóm và người quen. Những lời chua xót đôi khi khiến ông bà chạnh lòng, tủi hổ nhưng nhìn đứa bé lại chẳng đành lòng, tự động viên nhau thôi thì chịu khó vất vả hơn chút nữa.

Một tuần đầu mới nuôi, bé bị sốt nặng, nửa đêm, hai ông bà phải đưa bé lên Bệnh viện Nhi đồng 1, tưởng đâu bé chẳng thể qua khỏi, may mắn chỉ bị viêm tai, điều trị vài ngày là ổn. 

Tường Vi chỉ biết ăn cơm với chuối, ngoài ra không ăn được bất cứ món gì khác, thấy đứa nhỏ không ăn uống gì, người càng lúc càng ốm yếu, thương quá ông bà mua sữa cho bé uống để có chất dinh dưỡng nhưng có lẽ trước giờ chưa từng uống nên cả ngày bé bị đi ngoài, chỉ có thể ăn xíu cơm chan chút nước tương. Để bé có thể ăn uống bình thường như bao đứa trẻ khác, ông bà Chương phải mất một thời gian khá dài tập tành, chỉ dẫn. Cũng nhờ trời thương, bé rất ngoan, ngon dở gì cũng ăn, không bao giờ kêu ca.

Cô bé “nhặt” của vợ chồng ông lão bán bánh xèo -0

Tường Vi và ông bà Chương vẫn trông ngóng một ngày người mẹ quay lại đón con.

“Tôi rất giận người phụ nữ kia, nếu nuôi không nổi hay có khó khăn gì thì lúc bỏ con cũng phải cho một lời nhắn để lại là con bao nhiêu tuổi, tên gì. Đằng này không có một thông tin nào cả. Tôi giờ thậm chí không biết cháu sinh ngày tháng năm nào, chính xác mấy tuổi. Tuy vậy, cũng rất mong người mẹ suy nghĩ và đến xin lại con. Dù nuôi lâu mến tay mến chân và trót thương rồi, nhưng tôi sẵn sàng giao bé về cho mẹ, bởi không ai thương con bằng cha mẹ cả” - bà Luôn tâm sự.

Sau một thời gian, vợ chồng ông Chương mặc định Tường Vi là một phần của gia đình mình nên nỗi oán giận ban đầu cũng nguôi ngoai. Tuy nhiên, ông bà liên tục bị người lạ đến hỏi thăm, đặt vấn đề nuôi dưỡng bé gái. Ông Chương cho biết: “Tường Vi càng lớn càng ngoan và dễ thương nên nhiều người mến lắm. Tôi nhớ khi đó, có người tìm đến hỏi nhận bé về nuôi, người ta nói chúng tôi già rồi, lo cho mình chưa xong thì nuôi thêm đứa bé làm gì cho cực. Họ xúi tôi nhận tiền, đưa cháu cho người ta nuôi nhưng tôi dứt khoát không chịu. Có cho tôi bao nhiêu tiền tôi cũng không chịu. Nó đã bị bỏ rơi một lần rồi, lẽ nào tôi lại đành đoạn bỏ rơi nó thêm lần nữa. Tôi không muốn xa cháu!”.

Dù khó khăn còn đang chực chờ trước mắt, nhưng cơ duyên cô bé Tường Vi gặp được ông bà Chương là một điều may mắn sinh ra từ bất hạnh. Chính cặp vợ chồng già đã là cái phao cứu sinh, góp phần xoa dịu điều không may mà đứa trẻ này đã phải chịu đựng. Dù không phải là nghĩa vụ của ông bà và họ càng không có được lợi lộc gì từ việc nhận nuôi thêm một đứa trẻ quá nhỏ nhưng ông Chương, bà Luôn đã dang tay đón nhận Tường Vi với tất cả lòng thương người, dẫu cho kinh tế gia đình cũng không dư giả.

Khát khao được đến trường

Căn nhà bà Luôn chỉ rộng hơn 40m2, là nơi ở của cả gia đình gồm ông bà, 2 người con, 3 cháu ngoại, 2 cháu nội và kèm theo cô bé “nhặt” Tường Vi. Đến nay, Tường Vi đã sống với ông bà Chương được 5 năm. Em ngoan, lễ phép, nghe lời ông bà nội và các anh chị. Có ai hỏi bé Vi rằng: “Mẹ con tên gì, ở đâu...?”, bé chỉ lắc đầu. “Vậy giờ con muốn ở đây hay về ở với mẹ? Vi liền chạy lại ôm chặt bà Luôn, thủ thỉ đáp: “Con chỉ thích ở với nội, không đi đâu hết”.

Cô bé “nhặt” của vợ chồng ông lão bán bánh xèo -0

Tường Vi thích học lắm, chỉ mong ước sớm được cắp sách tới trường .

Khi được hỏi về ước mơ, những đứa trẻ bình thường sẽ nói muốn trở thành kỹ sư, bác sĩ, phi hành gia, diễn viên, ca sĩ... Còn ước mơ của Tường Vi chỉ đơn giản là được đến trường, đi học giống các bạn. Đến đây, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi như chùng xuống, ông bà Chương không kìm được nước mắt chia sẻ: “Vi rất thích đi học, mỗi lần đi ngang qua trường là em lại thủ thỉ “sau này con sẽ học ở đây được không?”. Từng là thầy giáo, tối nào ông Chương cũng dạy chữ, nhận biết màu, đồ vật, con vật cho cháu. Vì chưa có giấy khai sinh nên Tường Vi không được đến trường công mà phải học ở lớp tư với những khoản phí nặng nề.

Ông Chương cho biết: “Tôi từng đến UBND phường 16, quận Gò Vấp để xin được hướng dẫn làm khai sinh cho bé Vi nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Tuổi vợ chồng tôi đã già cũng không biết bán bánh được bao lâu nữa nhưng hiện tại thì tôi cũng có đồng vô đồng ra để lo cho bé Vi. Tôi chỉ mong mình có sức khỏe để lo cho nó thành người. Tôi không mong nhận tiền bạc hay trợ giúp nào của người khác mà chỉ mong có giấy khai sinh cho bé để nó có một cái tên, được học hành như bao đứa trẻ khác”.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh, tổ trưởng tổ dân phố 80, khu phố 11, phường 16, quận Gò Vấp xác nhận, vợ chồng ông Chương nhận nuôi bé Tường Vi gần 5 năm nay. Khi nhận nuôi cháu bé, ông Chương có báo khu phố và bà con trong khu vực đều biết. Sau khi đăng thông báo không ai đến nhận con, UBND phường đã tạo điều kiện để ông bà nuôi dưỡng cháu cho đến nay. Gia đình có liên hệ phường để làm giấy khai sinh cũng như những thủ tục khác cho cháu bé. Tổ trưởng khu phố cũng đã hỗ trợ gia đình tích cực để mong bé được hưởng các quyền lợi như bao đứa trẻ khác và sớm được đến trường học.

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/co-be-nhat-cua-vo-chong-ong-lao-ban-banh-xeo-a28698.html