Ngày 23/3, Bệnh viện Việt Đức thông tin về ca hiến tạng từ người cho chết não thứ 100 tại bệnh viện.
Đây là nam thanh niên 32 tuổi ở Bắc Giang. Sáng sớm ngày 6/3, bệnh nhân Đ.M.K. được đưa vào Bệnh viện Việt Đức cấp cứu trong tình trạng rất nặng, hôn mê sâu, glassgow 4 điểm sau tai nạn giao thông tự ngã khi đi xe máy.
Sau một ngày điều trị và hồi sức tích cực, các y bác sĩ cố gắng hết sức tìm cơ hội sống cuối cùng cho bệnh nhân, nhưng kỳ tích đã không đến với gia đình. Hội đồng đánh giá chết não được thành lập, 3 lần test kết quả đều đồng nhất bệnh nhân chết não. Hội đồng và Ban giám đốc Bệnh viện Việt Đức công bố anh Đ.M.K. đã chết não
Trước một bệnh nhân chết não, Đơn vị Tư vấn và Điều phối Ghép tạng Bệnh viện Việt Đức gặp mặt và chia sẻ vợ và anh trai ruột của bệnh nhân.
Khi đề cập đến việc hiến, mô tạng sau khi chết não, gia đình anh Đ.M.K. đã bàn bạc và đồng ý hiến mô, tạng. Vợ anh Đ.M.K là người đặt bút ký vào đơn tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng của chồng để hồi sinh những cuộc đời mới.
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, trước khi tiến hành mổ lấy mô, tạng, đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế có buổi lễ mặc niệm, tri ân bệnh nhân hiến mô, tạng.
"Cuộc đại phẫu được tiến hành vào khoảng 14h30 ngày 7/3. Người bệnh đã hiến tim, gan, 2 thận, 4 mạch máu, 14 gân, 2 sụn. Từ nguồn tạng hiến này, bệnh viện đã ghép tim cho một bệnh nhân nữ 53 tuổi ở Bắc Giang bị suy tim giai đoạn cuối; ghép gan cho bệnh nhân nam 33 tuổi ở Ninh Bình bị nang đường mật; ghép 1 thận cho bệnh nhân nam 42 tuổi ở Hải Phòng bị suy thận mạn giai đoạn cuối; ghép 1 thận còn lại cho bệnh nhân nam 48 tuổi ở Hải Phòng", PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng (Bệnh viện Việt Đức) thông tin.
Tại Việt Nam, nhu cầu ghép tạng rất lớn. Tuy nhiên đến nay, cả nước chỉ có gần 150 người chết não hiến tạng.
"Rất nhiều người bệnh suy tạng mãn, chờ đợi mỏi mòn đã không thể qua khỏi. Trước đó, chúng tôi tiếp nhận một trường hợp người nhà đồng ý hiến tạng con bị tai nạn giao thông chết não, bởi trong gia đình đó, chính em của nạn nhân đã chờ ghép phổi, chờ 5 tháng trời mỏi mòn, không có nguồn cho đã ra đi vĩnh viễn", GS Giang thông tin.
Ông Giang cũng giải thích thêm, nhiều người vẫn chưa hiểu hết về khái niệm chết não. "Người nhà thắc mắc, vì sao trên máy con vẫn thở, tim còn nhịp mà các bác sĩ bảo đã chết. Việc chẩn đoán xác định người bệnh chết não, vừa là hành động mang tính luật pháp được quy định, vừa là đạo đức y học.
Xác định chết não được thực hiện bởi một hội đồng bao gồm nhiều chuyên gia các lĩnh vực tham gia, dựa trên bằng chứng khoa học được thể hiện trên máy móc hiện đại. Một trường hợp đã xác định chết não không thể hồi phục. Cơ thể ấy, dù tim còn đập, là nhờ sử dụng các thuốc trong quá trình hồi sức, ngừng thuốc, tim, phổi, thận… không hoạt động nữa, cơ thể sẽ chết", GS Giang giải thích.
Theo Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, đây là ca hiến - ghép đa mô, tạng thứ 100 của Bệnh viện HN Việt Đức cũng là ca hiến được nhiều mô, tạng nhất từ trước đến nay.
"Chúng tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc từ những người bệnh được nhận tạng, từ các thầy thuốc, nhân viên y tế làm công tác hiến ghép tạng đến gia đình những người đã hiến tạng vì cuộc sống. Đây là nghĩa cử cao đẹp, là hành động nhân văn cần được lan tỏa", GS Giang bày tỏ.
Từ 100 ca chết não hiến tạng, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện 50 ca ghép tim, 83 ca ghép gan, 157 ca ghép thận, 6 ca ghép phổi...
"Chúng tôi mong muốn người dân sẽ ngày càng cởi mở hơn với vấn đề hiến tạng. Một cuộc đời không may dừng lại, nguồn tạng hiến sẽ giúp hồi sinh nhiều cuộc đời mới. Đến nay, đã có khoảng 170.000 người Việt đăng kí hiến tạng sau khi qua đời. Hi vọng rằng những hành động nhân văn này sẽ ngày càng lan tỏa, để ngày càng có nhiều người bệnh được hồi sinh", GS Giang nói.
Hạnh (T/h)
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/ca-hien-tang-thu-100-tai-bv-viet-duc-giup-hoi-sinh-4-cuoc-doi-a28522.html