Làng hiến máu ở Quảng Nam

Cả gia đình dắt nhau đi hiến máu cứu người không phải chuyện hiếm ở xã Đại Cường - "ngân hàng máu sống" cho các cơ sở y tế tại huyện Đại Lộc, Quảng Nam.

Vợ chồng, con cái cùng hiến máu

Xã Đại Cường nằm bên sông Thu Bồn và sông Quảng Huế đoạn chảy qua huyện Đại Lộc (Quảng Nam). Là xã thuần nông, thường xuyên phải hứng chịu lũ lụt nên cuộc sống người dân nơi đây còn khó khăn. Tuy nhiên, ở đây lại nổi tiếng nhờ có nhiều người dân sẵn sàng hiến máu nhân đạo.

Làng hiến máu ở Quảng Nam - 1

Hội chữ thập đỏ huyện Đại Lộc trong một buổi vận động hiến máu tình nguyện (Ảnh: Hội Chữ thập đỏ huyện Đại Lộc).

Cả gia đình 5 thành viên của ông Trần Văn Rê (58 tuổi) cùng vợ bà Nguyễn Thị Gọn (60 tuổi) và ba người con đều là những thành viên hiến máu tích cực của CLB hiến máu tình nguyện làng Quảng Đại, xã Đại Cường. Ông Rê tự hào cho biết cả gia đình ông đã tham gia hiến máu trên 70 lần.

Ông Rê kể, năm 1994, ông rời quê hương vào TPHCM tha phương cầu thực. Trong một lần đang làm việc ở công trình, ông chứng kiến một vụ tai nạn khiến nạn nhân bị thương nặng, mất máu nhiều. Tại đây, ông đã tham gia đăng ký hiến máu cứu người lần đầu tiên.

"Cũng chính từ lần đầu tiên đó đã mở ra con đường hiến máu cứu người sau này của tôi. Tính đến nay, tôi đã hiến hơn 30 đơn vị máu, tôi cũng tích cực vận động vợ con tham gia. Hiến máu là nghĩa cử cao đẹp, chúng tôi luôn sẵn sàng trao đi khi người bệnh cần", ông Trần Văn Rê bộc bạch.

Làng hiến máu ở Quảng Nam - 2

Bà Nguyễn Thị Gọn (60 tuổi) trong một buổi hiến máu tình nguyện (Ảnh: Hội Chữ thập đỏ xã Đại Cường).

Hai vợ chồng ông Lê Văn Anh (50 tuổi) và bà Huỳnh Thị Mỹ Dung (46 tuổi) cũng nằm trong số những "kiện tướng" hiến máu của xã Đại Cường. Ông Anh có hơn 20 lần hiến máu, bà Dung hơn 15 lần. Sở dĩ phải ước lượng con số bởi họ cũng không nhớ nổi mình đã hiến bao nhiêu lần, mỗi năm cứ có vận động là đi, chưa kể những trường hợp đột xuất.

Ông Anh cho hay, cha của ông là cụ Lê Văn Xuân (SN 1934, làng Quảng Đại) được mọi người gọi là "ông tổng" vì luôn dậy sớm đi vận động mọi việc cho làng từ ma chay, hội làng đến vận động mọi nhà đi hiến máu tình nguyện.

Ở tuổi xưa nay hiếm, ông Xuân bao năm làm cán bộ chuyên trách cho thôn, nay đã về hưu nhưng vẫn kiêm việc Hội Chữ thập đỏ của làng. Ông Xuân luôn vận động con cháu tích cực hiến máu cứu người, sẵn sàng khi cộng đồng cần.

Làng hiến máu ở Quảng Nam - 3

Ông Lê Văn Anh (50 tuổi) đã có hơn 20 lần hiến máu (Ảnh: Ngô Linh).

 "Có cha làm gương nên anh em chúng tôi tích cực làm theo, vận động cả vợ con cùng tham gia. Gia đình có truyền thống hiến máu nên đã nhận được hàng chục bằng khen, giấy khen từ các cấp chính quyền, đoàn thể. Chúng tôi coi đó là niềm vinh dự, tự hào để các lớp con cháu sau này noi theo và không quên tham gia hiến máu nhân đạo", ông Lê Văn Anh tự hào.

"Ngân hàng máu sống" cho các cơ sở y tế

Ông Nguyễn Văn Tám - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Đại Cường - cho biết hơn 15 năm nay, xã đã trở thành địa chỉ "ngân hàng máu sống" cho nhiều cơ sở y tế, bệnh nhân trên địa bàn toàn tỉnh.

"Phong trào hiến máu nhân đạo phủ sóng khắp xã. Mỗi lần hiến máu, Đại Cường luôn dẫn đầu huyện, có hôm người tham gia quá đông khiến thiết bị lấy máu không đủ, người dân phải quay về", ông Tám chia sẻ.

Làng hiến máu ở Quảng Nam - 4

Bà Huỳnh Thị Mỹ Dung (46 tuổi) làm nghề tráng bánh, đã có hơn 15 lần hiến máu (Ảnh: Ngô Linh).

Theo ông Tám, trước năm 2005, việc hiến máu là điều xa lạ với người dân xã Đại Cường bởi họ có chung tâm lý lo ngại hiến máu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Có người còn cho rằng sau khi hiến máu, người sẽ đau ốm, gầy yếu.

"Chính quyền phải thường xuyên tuyên truyền, vận động để người dân hiểu biết hơn về ý nghĩa, lợi ích của hiến máu nhân đạo. Ngoài ra, chúng tôi còn kết hợp thông tin tại các cuộc họp thôn để đả thông suy nghĩ không đúng của bà con", ông Tám kể lại.

Hiện nay, hầu như tất cả các thôn tại Đại Cường đều có CLB hiến máu tình nguyện như Quảng Đại, Ô Gia, Thanh Vân. Gần như năm nào xã cũng hiến hơn 200 đơn vị máu, hầu như mỗi hộ gia đình ở đây đều từng đi hiến máu cứu người.

"Có lần một người điều trị ở bệnh viện Đà Nẵng cần rất nhiều máu để cấp cứu. Khi nghe tin, chúng tôi thuê một ô tô chở 10 người đến cho máu, nhờ đó bệnh nhân đã qua khỏi", ông Tám nhớ lại.

Làng hiến máu ở Quảng Nam - 5

Những giấy chứng nhận hiến máu là niềm tự hào của người dân nơi đây (Ảnh: Ngô Linh).

Ông Phan Xuân Chiến - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đại Lộc - cho biết huyện Đại Lộc luôn tích cực vận động, tuyên truyền người dân, công chức, viên chức tham gia hiến máu tự nguyện. Tổng số đơn vị máu hiến tặng của huyện trong năm 2022 là 1.726, vượt chỉ tiêu 626 đơn vị máu so với con số 1.100 đơn vị máu được tỉnh Quảng Nam giao cho.

"Đại Cường là đơn vị luôn đi đầu trong phong trào hiến máu cứu người của huyện Đại Lộc, nhiều gia đình còn đăng ký hiến máu cho tất cả thành viên, điều này rất đáng trân quý. Hiến máu cứu người là nghĩa cử cao cả, cần tiếp tục duy trì và phát triển mạng lưới "ngân hàng máu sống", nâng cao hơn nữa cả về số lượng lẫn chất lượng, đưa phong trào ngày càng đi vào chiều sâu", đại diện lãnh đạo Hội chữ thập đỏ huyện Đại Lộc cho hay.

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/lang-hien-mau-o-quang-nam-a28476.html