HỘI NGHỊ SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ “80 NĂM ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM” (1943 -2023)
PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: CẦN KẾ THỪA, HOÀN THIỆN CÁC NGUYÊN TẮC CỦA ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM PHÙ HỢP VỚI TỪNG GIAI ĐOẠN
ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM NĂM 1943 - ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY NGUỒN LỰC NỘI SINH PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC
Theo GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, trên phương diện lý luận, Ðề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đặt nền móng cho nhiều vấn đề căn cốt của văn hóa Việt Nam như: Quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị; vai trò của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng; chức năng của văn hóa nghệ thuật; sự đúng đắn của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử..., từ đó góp phần thống nhất nhận thức, tư tưởng, học thuật cho những người làm văn hóa, văn nghệ.
Trên phương diện thực tiễn, Ðề cương không những chỉ ra rất xác đáng ba nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa Việt Nam (dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa), mà còn xác định những nhiệm vụ cần kíp, các cách thức, giải pháp để đạt được các mục tiêu đó. Với những nội dung thiết thực và đầy tính chiến đấu như vậy, Ðề cương đã trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết, lôi cuốn, động viên giới trí thức, khoa học, văn học, nghệ thuật hăng hái tham gia cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới.Vì thế, bản Ðề cương đã trở thành "kim chỉ nam" đưa đường dẫn lối cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong nhiều giai đoạn cách mạng.
GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam
Ðến nay, GS.TS Từ Thị Loan cho rằng, nguyên tắc dân tộc hóa với hàm nghĩa "chống mọi ảnh hưởng nô dịch, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập" vẫn giữ nguyên giá trị. Nguyên tắc này chính là khát khao ngàn đời của dân tộc Việt Nam trong nỗ lực chống lại âm mưu đồng hóa của phong kiến phương Bắc, sự "khai hóa văn minh"của thực dân Pháp, "chính sách Ðại Ðông Á" của phát-xít Nhật, mưu toan "bá quyền văn hóa" của các nước lớn hiện nay.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, việc bảo vệ độc lập về văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Bản sắc dân tộc sẽ tạo nên cốt cách, tinh hoa, "quốc hồn, quốc túy" cho văn hóa Việt Nam, bảo đảm sự trường tồn của dân tộc. Bản sắc dân tộc cũng góp phần tạo nên bản lĩnh, nội lực, sức đề kháng để giúp văn hóa Việt Nam đứng vững trong cơn lốc toàn cầu hóa, "hòa nhập mà không hòa tan". Bản sắc dân tộc tạo nên đối trọng chống lại sự "xâm lăng văn hóa" trong hội nhập quốc tế hiện nay.
Nhờ đường lối đề cao tính chất dân tộc, GS.TS Từ Thị Loan cho rằng, trong những năm qua, văn hóa Việt Nam đã ngày càng khẳng định dân tộc tính của mình. Ðã có biết bao tác phẩm văn học, nghệ thuật, nghiên cứu, phê bình, báo chí, xuất bản giàu bản sắc ra đời. Văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa Việt Nam nhờ đó ngày càng thể hiện đậm nét và có sức lan tỏa trên trường quốc tế…
Theo GS.TS Từ Thị Loan, nguyên tắc này chính là cơ sở để Đảng ta sau này phát triển lên thành tính chất dân tộc, đặc trưng dân tộc và hiện nay là giá trị dân tộc của nền văn hóa. Tuy nhiên, đến nay, nội hàm dân tộc còn được mở rộng, đào sâu và phát triển thêm. Bên cạnh việc “chống” các ảnh hưởng tiêu cực, mọi sự nô dịch, đồng hóa của các nền văn hóa bên ngoài, Đảng ta còn chủ trương tiếp thu, dân tộc hóa, “Việt hóa” những ảnh hưởng tốt đẹp của văn hóa thế giới để bồi bổ, làm giàu và nâng tầm cho văn hóa dân tộc. Đây chính là quá trình tiếp biến tinh hoa văn hóa nhân loại, biến các giá trị đó thành “của mình”, qua lăng kính dân tộc mình, có chọn lọc và kiểm nghiệm, nhằm “thu nạp”, “thâu hóa” những giá trị tích cực, văn minh, tiến bộ của văn hóa thế giới.
Đảng ta cũng chủ trương, tính chất dân tộc phải dựa trên nền tảng bản sắc văn hóa dân tộc, trong nỗ lực không ngừng bảo vệ và phát huy văn hóa truyền thống, di sản văn hóa của cha ông, những đặc trưng riêng có của văn hóa Việt Nam. Bản sắc dân tộc được kết tinh trong ý thức dân tộc, tâm hồn dân tộc, tính cách dân tộc, tâm lý dân tộc, di sản văn hóa của dân tộc. Bản sắc dân tộc sẽ tạo nên cốt cách, tinh hoa, “quốc hồn, quốc túy” cho văn hóa Việt Nam, bảo đảm sự trường tồn của dân tộc. Bản sắc văn hóa cũng góp phần tạo nên nội lực, bản lĩnh, sức đề kháng của văn hóa Việt Nam, giúp chúng ta “hòa nhập mà không hòa tan”, đứng vững trong cơn lốc toàn cầu hóa. Bản sắc văn hóa cũng trở thành đối trọng để chống lại sự xâm lăng văn hóa, bá quyền văn hóa trong hội nhập quốc tế hiện nay.
Bên cạnh đó, để khẳng định và lan tỏa giá trị dân tộc, trong bối cảnh hiện nay, cùng với quá trình dân tộc hóa, Đảng ta cũng chú trọng đến quá trình quốc tế hóa, tức là mang các giá trị văn hóa dân tộc quảng bá ra thế giới, thâm nhập vào các nền văn hóa khác. Khi văn hóa dân tộc phát triển ở trình độ cao, phát triển đến mức đủ sức chinh phục, cuốn hút các cộng đồng khác, thì văn hóa dân tộc đã mang tính quốc tế. Văn hóa càng có bản sắc dân tộc đậm nét thì càng được quốc tế hóa tương ứng. Ngược lại, càng được quốc tế hóa mạnh mẽ, thì càng làm giàu, củng cố bản sắc văn hóa dân tộc. Hàn Quốc là bài học rất thành công trong vấn đề này qua làn sóng Hallyu. Có như vậy, chúng ta mới không chỉ “nhận” mà còn “cho”, có những đóng góp vào bức tranh chung của văn hóa nhân loại.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Bàn về nguyên tắc dân tộc hóa trong Đề cương văn hóa Việt Nam 1943, PGS. TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, nguyên tắc dân tộc hóa được hiểu là “chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập”. Văn hóa trong Đề cương bao gồm cả tư tưởng, học thuật và nghệ thuật.
Đặt trong bối cảnh năm 1943, tức là khi đất nước còn đang chịu ách nô lệ, đô hộ của ngoại xâm thì mục tiêu quan trọng nhất của toàn dân tộc là giành được độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trên thực tế, văn hóa đã tạo nên sức mạnh thực sự cho dân tộc ta khi chúng ta sử dụng văn hóa để tạo nên sự thống nhất trong nhận thức về lòng yêu nước.
Ngay những ngày tháng đầu tiên khi đất nước độc lập, một trong những hoạt động sớm nhất là thành lập các hội văn hóa cứu quốc ở các tỉnh. Ngày 16/11/1946, trong thư đồng chí Trường Chinh gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhiệm vụ văn hóa Việt Nam trong công cuộc cứu nước và xây dựng nước, xác định văn hóa và cách mạng giải phóng dân tộc. Một trong những nhiệm vụ cụ thể của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn này là: “phát triển tinh thần đoàn kết và yêu nước của dân tộc; củng cố đức tin của dân tộc ở sự nghiệp dân tộc giải phóng”.
Như vậy, dân tộc hóa chính là cách chúng ta huy động tình yêu nước thông qua nhận thức về những giá trị chung, nguồn gốc tổ tiên chung, từ đó hình thành nên sức mạnh của tình đoàn kết. Đất nước ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh và chúng ta đều chiến thắng. Vũ khí lớn nhất của chúng ta không phải khí tài quân sự hiện đại mà chính là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Mọi người đều thuộc và hiểu nội dung của những bài Nam Quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, hay Bình Ngô đại cáo, các câu ca dao, tục ngữ về lòng yêu nước, những câu chuyện gắn bó con người với đất nước qua câu chuyện về Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… Không phải ngẫu nhiên, năm 1954, trước khi về thủ đô, Bác Hồ đến thăm đền Hùng và để lại câu nói truyền cảm hứng và niềm tin cho toàn dân tộc: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Đặt trong mối quan hệ với hai nguyên tắc còn lại là đại chúng hóa và khoa học hóa, chúng ta càng thấy rõ hơn ý nghĩa của nguyên tắc dân tộc hóa. Một dân tộc mạnh phải dựa trên sức mạnh của quần chúng, còn một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Quan tâm đến quần chúng nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa trên sự phát triển của khoa học giáo dục sẽ giúp dân tộc ta vững vàng và tự tin hơn trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Cùng với chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền lãnh hải, chủ quyền văn hóa là một quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Đề cao văn hóa dân tộc chính là cách chúng ta xác định chủ quyền quốc gia về văn hóa, cũng như đưa văn hóa trở thành sức mạnh để gìn giữ chủ quyền ấy, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc gia để thực hiện độc lập, tự cường và sáng tạo”.
Trong Đề cương, Đảng ta đã xác định 3 công việc phải làm, trong đó tranh đấu về tiếng nói, chữ viết được xem như một sự khẳng định văn hóa rõ ràng nhất. Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện để giao tiếp, là công cụ để tư duy mà nó còn được xem là “linh hồn của dân tộc”. Sinh thời, khi nói về ngôn ngữ tiếng Việt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Việc bảo vệ ngôn ngữ tiếng Việt cũng là bảo vệ văn hóa đất nước, thể hiện nguyên tắc dân tộc hóa trong xây dựng văn hóa Việt Nam.
Ở một cách tiếp cận văn hóa rộng hơn, trải qua 80 năm, nguyên tắc dân tộc hóa vẫn còn nguyên giá trị và được bổ sung những nội dung mới, phù hợp hơn với hoàn cảnh phát triển đất nước. Năm 2005, UNESCO ra Công ước về bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa như một cách để toàn nhân loại trân trọng những giá trị văn hóa khác nhau của các dân tộc khác nhau. Chính việc tôn trọng các biểu đạt đa dạng văn hóa giúp chúng ta hiểu nhau hơn, giúp gìn giữ hòa bình thế giới, làm giàu có hơn kho tàng văn hóa, tri thức của nhân loại. Văn hóa là chủ quyền quốc gia, hay như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu trong Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn, dân tộc còn”.
Đất nước hòa bình, văn hóa mang sứ mệnh mới trong việc xây dựng tổ quốc độc lập, tự do, hạnh phúc. Từ cách tiếp cận của Đề cương là: “Văn hóa mới Việt Nam là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung”, các quan điểm chỉ đạo của Đảng về văn hóa được thể hiện rõ trong các nghị quyết, tập trung nhấn mạnh vào việc xây dựng một nền văn hóa mới, ở đó, văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, đồng thời là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Bước vào thời kỳ Đổi mới, quá trình hội nhập quốc tế và nền kinh tế thị trường, đất nước ta có thêm điều kiện tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, song giá trị văn hóa dân tộc cũng bị đe dọa. Vì thế, năm 1998, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; năm 2008, ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Đây là sự lựa chọn sáng suốt nhằm kiên trì bảo vệ những giá trị văn hóa dân tộc, hòa nhập mà không hòa tan, xác định bảo vệ văn hóa cũng là bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời chủ động lựa chọn tinh hoa của văn hóa thế giới, làm giàu có hơn cho văn hóa đất nước.
Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 nhấn mạnh: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động”. Trong bối cảnh hiện nay, phát triển văn hóa cần phải tạo tác động lan tỏa sang các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, trong đó có chính trị, kinh tế. Chủ trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa chính là một trong những nhiệm vụ đột phá, thực hiện theo đúng xu thế và hoàn cảnh đất nước. Các ngành công nghiệp văn hóa, dựa vào tài năng sáng tạo, nguồn lực văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, không chỉ đưa những giá trị văn hóa vào các sản phẩm kinh tế để tạo ra lợi thế cạnh tranh, lợi ích vật chất, mà còn kể những hình ảnh đẹp, câu chuyện hấp dẫn về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam, qua đó giúp chúng ta hình thành nên sức mạnh mềm, nội sinh của dân tộc.
Để khẳng định sức mạnh nội sinh của dân tộc, PGS. TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng chúng ta cần lưu tâm đến những định hướng của Đề cương: “Muốn cho ba nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng văn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm...”. Rõ ràng, chúng ta đang ở trong một bối cảnh xã hội rất phức tạp. Những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, của các phương tiện truyền thông mới với Internet và mạng xã hội, đã khiến sự phát triển văn hóa đang gặp những khó khăn hơn bao giờ hết. Nguyên tắc phát triển văn hóa cần tránh bảo thủ để lựa chọn được tinh hoa văn hóa thế giới, tránh lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm để hình thành nên một môi trường tích cực, văn minh, thuận lợi cho sự phát triển đất nước.
Có thể khẳng định, trải qua thời gian, nguyên tắc dân tộc hóa trong Đề cương đã giúp định hướng đất nước trong quá trình giải phóng dân tộc, xác định chủ quyền quốc gia, tạo sức mạnh nội sinh. Những thông điệp, nội dung mới đã, đang và tiếp tục được bổ sung, để từ đó hình thành nên hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam từ nguyên tắc quan trọng này./.
Thu Phương
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/ban-ve-nguyen-tac-dan-toc-hoa-trong-de-cuong-van-hoa-viet-nam-1943-a28468.html