Nguyên nhân của việc nhiều nơi người dân vẫn bị yêu cầu xác nhận nơi cư trú, thậm chí đòi sổ hộ khẩu khi làm các thủ tục hành chính là do tính liên thông, đồng bộ dữ liệu giữa các đơn vị, ngành, địa phương gần như chưa có.
Ngay bản thân người viết, đôi khi vào cổng dịch vụ công quốc gia, cổng VneiD theo tài khoản, mật khẩu đã xác lập nhưng nhiều lúc cũng rất khó khăn và báo lỗi liên tục.
Tình trạng này chắc chắn đã xảy ra với nhiều người hiện nay mỗi khi khai báo cũng như làm các thủ tục hành chính.
Riêng với công dân không rành về công nghệ thông tin, chưa cài đặt các app để tự khai báo, các ứng dụng này hoàn toàn xa lạ. Mỗi khi họ tìm đến các cơ quan công quyền, để hỗ trợ, cán bộ công chức khi tiếp nhận sẽ phải làm thay; vừa nhập dữ liệu khai báo giúp người dân vừa xử lý kết quả. Thời gian vì thế sẽ kéo dài gấp hai đến ba lần.
Đó là chưa kể, bản thân công chức viên chức cũng chưa được phép truy cập vào cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia; trong khi hầu hết các xã, phường lại không có thiết bị đọc mã QR cũng như đọc thẻ chíp trên cước công dân nên không đủ cơ sở để chứng thực, xác thực vào thủ tục hành chính cho người dân.
Tình trạng đòi giấy xác nhận cư trú, thậm chí là hộ khẩu giấy vẫn tiếp tục xảy ra. Các thủ tục hành chính của người dân khi làm giấy đăng ký kết hôn, xác nhận độc thân; hay làm thủ tục khai sinh; xin cấp phép điện nước; xác nhận nơi đăng ký thường trú, tạm trú vẫn tiếp tục vướng mắc; nhiều chuyện cười ra nước mắt. Dù hộ khẩu giấy, giấy xác nhận nơi cư trú đã chính thức khai tử.
Rõ ràng, việc sử dụng chung về dữ liệu dân cư quốc gia; các dịch vụ hành chính công vẫn chưa được sử dụng thông suốt giữa các cơ quan hành chính nhà nước, nhất là cấp cơ sở. Các công cụ lưu trữ, quản lý hồ sơ số của công dân để giúp cán bộ công chức xử lý được mạnh dạn, chắc tay, yên tâm gần như chưa có. Đó là chưa kể, tình trạng ngẽn mạng, không tương thích giữa các phần mềm liên tục xảy ra; khiến thủ tục hành chính của người dân vì thế vẫn bị” quay vòng vòng” và chậm dù đã được điện tử hóa, số hóa một phần.
Vấn đề mấu chốt ở đây, là sự xác thực, tính chính xác trong môi trường số; sự liên thông thông suốt giữa các bộ, ngành, địa phương về dữ liệu phải sớm được thực hiện. Khi đó, chỉ cần một và thao tác trên máy vi tính hoặc các thiết bị điện thoại thông minh, người tiếp nhận hồ sơ sẽ nắm khá chi tiết về nhân thân của người nộp; để đưa ra các quyết định giải quyết kịp thời. Điều này hiện đã được một số ngành thực hiện khá tốt.
Đơn cử như ngành ngân hàng. Khi các ngân hàng có sự đồng bộ, liên kết, mọi giao dịch của người dân, dù liên quan đến tài khoản, tiền tệ nhưng đều đảm bảo tính chính xác và đảm bảo an toàn, rất ít sai sót. Và khi cần truy xuất, kiểm tra chu trình thực hiện,tổ chức ngân hàng hoặc người sử dụng dịch vụ hoàn toàn có thể tự thao tác trên môi trường điện tử mà không cần phải tới tận nơi, tiếp xúc trực tiếp.
Đây là kinh nghiệm quý để áp dụng vào trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân một khi mỗi công dân đều có mã định danh điện tử và căn cước công dân có gắn chíp, có cấp một số tài khoản suốt đời.
Như vậy, yêu cầu về nâng cấp trang thiết bị, máy móc, đường truyền, chia sẻ dữ liệu để đấu nối sử dụng chung là yêu cầu bắt buộc với mỗi cơ quan nhà nước khi xử lý các thủ tục hành chính cho người dân trong quá trình chuyển đổi số hiện nay. Nếu còn chậm trễ thì việc cố gắng số hóa, giải quyết theo hồ sơ điện tử vẫn chỉ là khẩu hiệu, không thực chất; công việc của người dân và doanh nghiệp còn bị ách tắc.
Một vấn đề nữa là, để xây dựng thành công xã hội số, cũng cần có con người số, công dân số. Mà tiên phong chính là đội ngũ thực thi nhiệm vụ trong các cơ quan quản lý, nhất là chính quyền cơ sở. Đây chính là những người hàng ngày hàng giờ giải quyết công việc của dân; họ phải được tập huấn, nâng cấp các kỹ năng thường xuyên về sử dụng công nghệ thông tin để xử lý cũng như hỗ trợ người dân mỗi khi vào việc.
Cùng với nguồn nhân lực cốt yếu này, cơ quan quản lý cũng cần truyền thông, phổ biến; đưa ra nhiều mô hình, định dạng dễ nhớ, dễ làm để mỗi người dân học và làm theo; giúp mọi công việc liên quan đến đời sống, dân sinh đều được giải quyết trên môi trường số hóa; vừa nhanh chóng, an toàn lại tiết kiệm, hiệu quả thực chất.
Đặc biệt là thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của văn phòng Chính phủ về việc rà soát, sửa đổi, bãi bỏ các quy định pháp luật, thông tư liên quan đến việc bỏ hộ khẩu giấy đúng thời hạn trước ngày 20/3, để không gây phiền hà cho người dân./.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/go-vuong-mac-con-ton-tai-khi-bo-so-ho-khau-giay-a28447.html