Tàu vũ trụ và thăm dò không người lái Hằng Nga 4 (Chang'e 4) của Cơ quan Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) ngày 3/1 đã hạ cánh thành công trên khu vực Cực Nam - lòng chảo Aitken. Đây là miệng núi lửa lớn nhất, sâu nhất và cổ xưa nhất trên bề mặt của Mặt Trăng.
Kể từ khi hạ cánh, tàu vũ trụ này đã gửi về nhiều hình ảnh của bề mặt Mặt Trăng. Theo Cnet, ngày 31/8, robot thám hiểm tự hành Thỏ Ngọc 2 đã phát hiện ra một khoáng chất lạ bên trong miệng núi lửa, giống “gel”.
Trước đó, một thành viên của nhóm Chang’e 4 khi xem những hình ảnh chụp trên bề mặt Mặt Trăng thì nhận thấy có một vật liệu màu sắc kỳ lạ, khác biệt với đất xám xung quanh.
Nhóm nghiên cứu nhanh chóng đưa Thỏ Ngọc 2 quay lại miệng núi lửa để nhìn rõ hơn vật thể này. Đi cùng robot thám hiểm là một thiết bị có thể đánh giá thành phần của vật liệu.
Nhóm nghiên cứu không cho biết đây là khoáng chất gì và không chia sẻ thêm những hình ảnh của vật liệu kỳ lạ này. Tuy nhiên, họ đã cung cấp một hình ảnh trong quá trình đi đến miệng núi lửa của robot Thỏ Ngọc 2.
Nhiều ý kiến cho rằng khoáng chất lạ này có liên quan đến người ngoài hành tinh. Trong khi một số nhà nghiên cứu nhận định đây có thể là thủy tinh nóng chảy được tạo ra sau những va chạm của sao băng.
Hằng Nga 4 được đánh giá là bước tiến lớn của Bắc Kinh trong tham vọng chạy đua thám hiểm vũ trụ với Washington và Moscow. Sứ mệnh thăm dò lần này đặt mục tiêu thu thập các số liệu đo đạt chi tiết về địa hình bề mặt Mặt Trăng.
Nhiều nghiên cứu cho rằng khu vực lòng chảo Aitken được hình thành sau một vụ va chạm thiên thể cực lớn khi trong giai đoạn đầu sau khi Mặt trăng hình thành. Vụ va chạm có thể đã đưa nhiều vật chất sâu dưới lòng đất lên lớp bề mặt. Các nhà khoa học Trung Quốc hy vọng Hằng Nga 4 có thể thông qua vụ va chạm cổ xưa để hiểu thêm về sự hình thành của vệ tinh Trái Đất.
Theo Zing
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/robot-tu-hanh-cua-tq-phat-hien-khoang-chat-la-tren-mat-trang-a2844.html