Ngày Quốc tế về Rừng: Bảo vệ những giá trị cốt lõi của thiên nhiên

Hôm nay (21/3) là Ngày quốc tế về Rừng. Chủ đề của Ngày quốc tế về Rừng năm 2023 là "Rừng và Sức khỏe".

Ngày Quốc tế về Rừng, viết tắt là IDF (International Day of Forests) là ngày 21/3, là ngày hành động quốc tế được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 28/11/2012 theo Nghị quyết A/RES/67/200.

Hàng năm, các sự kiện khác được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tất cả các loại rừng, vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai. Các nước được khuyến khích thực hiện các nỗ lực để tổ chức các hoạt động địa phương, quốc gia và quốc tế liên quan đến rừng và cây, chẳng hạn như các chiến dịch trồng cây vào Ngày Quốc tế về Rừng.

Ban Thư ký của Diễn đàn Hợp Quốc về rừng (UN Forum on Forests), phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, tạo điều kiện cho việc thực hiện các sự kiện như vậy trong sự hợp tác với các chính phủ, các đối tác hợp tác về rừng và các tổ chức quốc tế, khu vực và tiểu khu vực.

Kể từ ngày Quốc tế về rừng đầu tiên tổ chức vào ngày 21/3/2013 đến nay, hàng năm sự kiện này sẽ được tổ chức và có chủ đề khác nhau. Ngày Quốc tế về Rừng năm nay có chủ đề: “Rừng và Sức khoẻ”. Điều đó khẳng định vai trò quan trọng của rừng đối với sức khỏe của con người, đồng thời mong muốn nhân loại chung tay bảo vệ và phát triển rừng, giảm thiểu mất rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên.

Vai trò của rừng

tm-img-alt

Rừng đóng vai trò quan trọng với đời sống, sức khoẻ con người. Ảnh: Internet

Mặc dù chủ đề “Rừng và sức khỏe” rất mới nhưng thực tế cho thấy rừng luôn tác động đến sức khỏe con người dù trực tiếp hay gián tiếp. Rừng cung cấp hàng nghìn loại dược liệu quý hiếm, giúp con người chữa lành bệnh tật, thêm sức khỏe để học tập, lao động và kéo dài tuổi thọ. Ở một khía cạnh khác, rừng mang lại cho con người sự che chở, thư thái mỗi khi mệt mỏi…

Trong báo cáo “Sức sống của rừng”, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã xem xét 5 mối tương tác giữa rừng và sức khỏe con người gồm các bệnh không lây nhiễm, các bệnh do tiếp xúc với môi trường (ô nhiễm), các bệnh liên quan đến thực phẩm và dinh dưỡng, các mối nguy vật lý, các bệnh truyền nhiễm. Với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, báo cáo cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của rừng trong việc hỗ trợ khả năng chống chịu của con người trước biến đổi khí hậu.

Trước hết, rừng giúp làm sạch không khí và nước bằng cách lọc chất ô nhiễm từ không khí và nước, nhờ đó giảm thiểu các mối đe dọa của các bệnh truyền nhiễm liên quan đến ô nhiễm. Nghiên cứu của WWF cho thấy, cứ tăng 30% độ che phủ cây ở thượng nguồn thì có liên quan đến giảm 4% xác suất mắc bệnh tiêu chảy cho cộng đồng.

Rừng giúp chống lại xói mòn đất, giữ lại dinh dưỡng và nước ngọt để canh tác nông nghiệp bền vững. Rừng còn mang lại giá trị to lớn về dược liệu, cung cấp cho con người hàng nghìn loài thực vật để chữa bệnh, để tăng sức đề kháng hoặc đơn giản để bồi bổ cơ thể. Điều này thấy rõ ở Lào Cai: Dược liệu từ rừng tạo ra hàng nghìn bài thuốc Nam chữa bệnh và các loài thảo dược kết hợp với nhau tạo nên thương hiệu “tắm thuốc” mà ai cũng thấy công hiệu của nó.

Rừng có thể bảo vệ con người khỏi tác động của thiên tai. Ở khu vực vùng núi, rừng giúp chống lại sạt lở đất, lũ ống, lũ quét… Hoặc đơn giản nhất, rừng giúp con người chống lại các bệnh liên quan do tác động của nhiệt độ cao từ ánh nắng mặt trời.

Rừng là tuyến phòng thủ chống lại các loại bệnh truyền nhiễm. Theo WWF, gần 1/3 đợt bùng phát dịch bệnh mới và đang phát sinh có liên quan đến việc thay đổi mục đích sử dụng đất, phá rừng…

Tỷ lệ rừng ngày càng suy giảm

Mỗi năm thế giới có hơn 13 triệu ha rừng bị mất, một khu vực rộng bằng cỡ nước Anh. Khi rừng mất đi, thì các loài thực vật và động vật trong quần thể đó cũng theo nhau mất đi. Rừng chứa 80% tất cả các đa dạng sinh học trên cạn.

Tại Việt Nam, theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chỉ hơn 5 năm (2012-2017), diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng giảm; còn lại là do phá rừng trái pháp luật làm mất 11%.

Đáng lưu ý, một số vụ phá rừng nghiêm trọng ở một số tỉnh được phát hiện chậm và chính việc xử lý thiếu kiên quyết, không nhất quán, thậm chí có biểu hiện né tránh trách nhiệm, làm ngơ, tiếp tay cho người phá rừng, gây thiệt hại lớn đối với tài nguyên rừng.

Và điểm quan trọng nhất, rừng đóng vai trò hấp thụ khí CO2, trả lại oxy cho sinh giới cũng như giảm hiệu ứng nhà kính do tích tụ CO2 là yếu tố gây ra sự nóng lên toàn cầu. Kết quả phá rừng làm giảm sự hấp thụ CO2 tương đương với lượng khí thải ra của ngành giao thông vận tải toàn cầu.

Trồng và bảo vệ rừng: tiền đề để phát triển bền vững

Trồng rừng cùng với bảo vệ rừng cũng như nâng tỷ lệ che phủ rừng là một trong các chỉ tiêu để đánh giá phát triển bền vững ở các quốc gia trong bộ chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường và chỉ tiêu phát triển bền vững.

Theo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đặt ra yêu cầu phát triển lâm nghiệp bền vững trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; hài hòa các mục tiêu về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường. Về môi trường, quản lý rừng bền vững, bảo tồn lâu dài tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo đảm an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, chống suy thoái đất đai, giảm thiểu tác động tiêu cực của thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, cung ứng dịch vụ môi trường rừng...

tm-img-alt

Người dân tích cực trồng rừng. Ảnh: Internet

Trong thời gian qua, Nhà nước đã tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng lâm nghiệp để bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường, đồng thời tạo tiền đề thu hút và hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng.

Với những nỗ lực của Chính phủ và các địa phương trong cả nước về việc trồng cây gây rừng, diện tích rừng tuy có tăng, song về chất lượng rừng tự nhiên vẫn còn hạn chế. Do đó, yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài nhằm phát triển đất nước theo hướng bền vững.

Trong năm 2022, toàn ngành lâm nghiệp phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 102,81%; trồng rừng đạt 244.000 ha, trồng cây phân tán 121,6 triệu cây. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 16,3 tỷ USD. Tổng sản lượng khai thác gỗ đạt 31,5 triệu m3, trong đó, khai thác từ rừng trồng tập trung 21 triệu m3, khai thác cây trồng phân tán, cây vườn nhà 5,5 triệu m3…

Nhân loại ngày càng nhận thấy rừng là ngôi nhà thiên nhiên của con người và của mọi giống loài. Con người có thể tạo ra mọi thứ nhưng không thể tái tạo được những khu rừng nguyên sinh với sự đa dạng, phức tạp của thảm động thực vật và vi sinh vật của các khu rừng nguyên thủy. Ngược lại, con người chỉ có thể dựa vào rừng để phát triển xã hội, để sinh kế và cũng chỉ có thể dựa vào rừng để tái tạo môi trường sống lý tưởng cho trái đất.

Hiện nay, rừng còn bao phủ hơn 30% diện tích đất trên thế giới và có hơn 60.000 loài cây. Vì vậy giữ những gì còn lại là mục tiêu cấp thiết để bảo vệ môi trường sống của chúng ta.

Tuy nhiên không phải ai cũng nhận thức đúng về vai trò của rừng. Do vậy, chúng ta cần phải nâng cao nhận thức về vai trò của rừng trong cuộc sống của con người để cùng nhau chung tay bảo vệ rừng và khai thác rừng bền vững.

An Đông

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/ngay-quoc-te-ve-rung-bao-ve-nhung-gia-tri-cot-loi-cua-thien-nhien-a28411.html