Ấm áp “ngôi nhà bình yên”

Ra đời từ năm 2007, nhà tạm lánh mang tên “Ngôi nhà bình yên” (do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành lập) đã giúp cho hàng nghìn người có được môi trường sống tốt hơn, sớm ổn định về thể chất cũng như tinh thần sau những biến cố do người thân hay những đối tượng mua bán người gây ra.

nh-1679042399.jpg
Một hoạt động bảo vệ phụ nữ yếu thế tại “Ngôi nhà bình yên”.

Chốn nương náu yên bình

Chúng tôi đến thăm “Ngôi nhà bình yên” ở số 20 Thụy Khuê (Hà Nội) trong một ngày tháng 3 nắng vàng. Điều đầu tiên khiến tôi vô cùng ấn tượng là kết quả mà mô hình này đạt được trong suốt 16 năm qua khi là nơi mà gần 2 nghìn người đến tạm trú khi “tổ ấm” không yên. Điều đó cho thấy mô hình “Ngôi nhà bình yên” đã thực sự lan tỏa và góp sức cùng cộng đồng đẩy lùi nạn bạo hành gia đình cũng như nạn mua bán người sang nước ngoài.

Cảm nhận đầu tiên khi đến nơi này đó là sự bình yên, ấm áp đúng nghĩa đang bao trùm không gian nơi đây. Hạnh phúc hơn nữa khi đọc được dòng lưu bút của những người đã từng ở tại đây. Chị N.T.Y viết: “Nhớ lại ngày đầu tiên vào “Ngôi nhà bình yên”, khi ấy 3 mẹ con không biết phải đi đâu về đâu giữa một Hà Nội xa lạ. Bước chân vào “Ngôi nhà bình yên” với cái đói và sự mệt mỏi, tôi thực sự cảm thấy nhẹ nhõm khi tất cả mọi thành viên đón 3 mẹ con rất nhiệt tình, mọi mệt mỏi dường như tan biến. Sống trong “Ngôi nhà bình yên”, tôi có cảm giác đây là một gia đình thực sự, tôi thấy mình như đang ở trong chính mái nhà của mình, rất đỗi thân thuộc vì chính những tình cảm nồng hậu của mọi người ở đây dành cho 3 mẹ con. Không những thế, tôi còn được tham gia các hoạt động cung cấp kiến thức, kỹ năng sống, học được những mẹo nấu ăn rất hay. Chính điều này đã giúp tôi hòa nhập cuộc sống, vững vàng hơn. Tuy thời gian ở “Ngôi nhà bình yên” không nhiều nhưng đủ để tôi tìm lại được niềm vui, nhận ra rằng mình cần sống có ích như thế nào. “Ngôi nhà bình yên” thực sự là nơi cần thiết cho những ai có hoàn cảnh giống mẹ con tôi để tiếp tục sống tốt”.

Nơi đây cũng là nhà tạm lánh đầy yêu thương cho nhiều trường hợp phụ nữ được giải cứu khi bị bán sang nước ngoài, trong đó có chị N.T.H. Chị N.T.H chia sẻ: “Cuối tháng 4-2010, tôi bị lừa bán sang Trung Quốc. Từ lúc đó tôi đã không còn là chính tôi nữa. Mỗi ngày ở bên Trung Quốc tôi phải chịu cảnh đánh đập và đôi lúc còn phải nhịn ăn nữa. Tôi đã xa mái ấm gia đình, xa rời bạn bè và mất hết niềm tin. Có lúc tôi định chết đi nhưng bản thân suy nghĩ mình phải cố gắng sống để trở về bên cha mẹ chị em mình. Ngày 24-8-2010, tôi đã bỏ trốn và được công an giải cứu đưa về “Ngôi nhà bình yên”. Thật may mắn khi được ở trong “Ngôi nhà bình yên”, những lúc vui buồn có các cô, các chị trong “Ngôi nhà bình yên” an ủi và động viên. Giờ thì tôi đã ổn định tâm lý, không còn lo sợ gì nữa. Điều vui nhất là tôi đã được “Ngôi nhà bình yên” hỗ trợ học nghề cắt tóc, đó là ước mơ của tôi nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn nên tôi không có điều kiện để học”.

Đồng cảm với những nỗi đau của phụ nữ, trẻ em đã và đang sinh sống tại “Ngôi nhà bình yên”, chị Lê Thị Tường Vi, quản lý của mô hình tâm sự: “Mỗi người đến với ngôi nhà này đều có số phận, hoàn cảnh rất thương tâm. Ban đầu đến với mô hình họ còn dè dặt, ngại chia sẻ nhưng chúng tôi đã đồng hành, giúp sức họ với trách nhiệm, sứ mệnh và sự mách bảo của con tim mình. Mỗi ngày làm việc tại đây là một ngày vui. Mỗi khi nhìn thấy nụ cười nở trên môi của họ là chúng tôi cảm thấy thực sự hạnh phúc. Chúng tôi coi hạnh phúc của họ cũng là hạnh phúc của chính mình”.

nh2-1679042446.jpg
Các nhân viên xã hội tại “Ngôi nhà bình yên” trao đổi, lên phương án chuẩn bị Tết Nguyên đán Quý Mão.

Cần sự chung tay của cộng đồng

Chị Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển chia sẻ, mô hình “Ngôi nhà bình yên” ra đời vào tháng 3-2007 tại Hà Nội. Thời điểm đó, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em tương đối phức tạp, luật pháp và chính sách liên quan đến vấn đề đó đang trong quá trình hoàn thiện. Mô hình ra đời với mục đích, sứ mệnh là nơi hỗ trợ khẩn cấp, kịp thời ban đầu để đảm bảo sự an toàn cho phụ nữ, trẻ em cũng như hỗ trợ họ bình ổn về tâm lý, thể trạng, tinh thần, đồng thời được trang bị kiến thức, kỹ năng để tự ứng phó với bạo lực. “Năm 2007, chúng tôi thành lập 2 “Ngôi nhà bình yên”, một ngôi nhà dành cho phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, một ngôi nhà dành cho phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về. Năm 2008, chúng tôi đã nhân rộng mô hình ở Cần Thơ để hỗ trợ phụ nữ, trẻ em ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” - chị Hiền chia sẻ.

Cũng theo chị Hiền, muốn phụ nữ sinh sống tại “Ngôi nhà bình yên” được bình tâm trở lại, sớm hòa nhập với cộng đồng thì ngoài việc tư vấn tâm lý, hỗ trợ về pháp lý, dạy kỹ năng để họ tự bảo vệ mình thì phải hỗ trợ đào tạo nghề cũng như giới thiệu việc làm cho họ. Hiện nay, một số nghề chính đang được Trung tâm đào tạo là nghề may, thêu, làm tóc, trang điểm, dịch vụ trong khách sạn... Đó là những công việc nhẹ nhàng, phù hợp với phụ nữ, hơn nữa xã hội cũng đang rất cần. “Sau 16 năm đi vào hoạt động, “Ngôi nhà bình yên” đã được Nhà nước và xã hội ghi nhận. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng bạo lực gia đình ở nước ta vẫn còn gây nhức nhối, cần sự chung sức, chung lòng của các cấp, các ngành và cả xã hội để hỗ trợ, can thiệp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em. Đặc biệt là phải tăng cường công tác truyền thông đến nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, để chị em hiểu được mình cần làm gì và mình có quyền được bảo vệ ra sao trong môi trường bạo lực” - chị Hiền nhấn mạnh.

nh3-1679042399.jpg
Cùng nhau trang hoàng cho ngôi nhà chung.

Chị Lại Hà Phương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông (Hà Nội) đánh giá: “Sau 16 năm đi vào hoạt động, mô hình “Ngôi nhà bình yên” đã thực sự là người bạn đồng hành uy tín, tin cậy của phụ nữ, trẻ em yếu thế. Việc tìm đến mô hình này với nhiều người như tìm được ánh sáng cuối đường hầm, giúp họ tìm lại được chính mình, tìm lại những giá trị của mình, mở ra cho họ cuộc sống mới, một cuộc sống mà họ sẽ sống cho chính bản thân mình và cho những người mà mình yêu thương, một cuộc sống mà họ được là chính họ. Nơi này cũng giúp họ nhận ra chân lý: “Không bao giờ là quá muộn để thay đổi cuộc sống”. Tuy nhiên, để “Ngôi nhà bình yên” thực sự là nơi tạm lánh an toàn, bí mật và miễn phí cho phụ nữ và trẻ em, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển phải thu hút và tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em” - chị Phương nói.

Quàng Anh

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/am-ap-ngoi-nha-binh-yen-a28261.html