Thời gian qua, những thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên mạng xã hội xuất hiện với tần suất khá nhiều. Mặc dù người dân đã được cảnh báo và nắm bắt những thông tin cần thiết để phòng tránh, thế nhưng các đối tượng lừa đảo luôn dùng những chiêu trò mới khiến người dân “sập bẫy”.
Gọi video call nhờ chuyển khoản
Chia sẻ với PV, chị HTMT (ngụ TP.HCM) cho biết cách đây một tháng, chị nhận được tin nhắn Messenger của anh họ nhờ chuyển khoản giúp. Nhận thấy bất thường, chị T gọi video call để kiểm tra lại. Đầu dây bên kia hiện rõ hình ảnh của người anh họ nhưng vài giây sau cuộc gọi bị tắt do đường truyền kém.
“Sau khi xác nhận, tôi đã chuyển khoản theo yêu cầu. Một lúc sau, tình cờ anh tôi gọi bằng số điện thoại để trao đổi một số việc thì tôi có nhắc đến việc mình vừa chuyển khoản. Lúc này, anh tôi mới nhận ra tài khoản Facebook của anh tôi bị hack và tôi đã bị lừa mất tiền” - chị T bức xúc.
Tương tự, chị NPV (hiện sinh sống ở nước ngoài) cũng nhận được tin nhắn của bạn thân ở Việt Nam mượn 10 triệu đồng. Do nghi ngờ tài khoản bị hack nên chị V đã gọi video call cho bạn mình. “Lúc đó người bắt máy rõ ràng là hình ảnh của bạn tôi, âm thanh không rõ nhưng nghe giọng khá giống. Vài giây sau bên kia tắt máy, tôi gọi lại thì không được. Cùng lúc đó, bạn tôi dùng một tài khoản khác thông báo bị hack tài khoản, mọi người nên cẩn thận việc hỏi vay, mượn tiền nên tôi đã không mất 10 triệu đồng” - chị V nói.
Bị lừa khi tìm việc trên mạng xã hội
Chị NTĐ (ngụ TP.HCM) cho biết chị có nhu cầu tìm việc trên mạng và chị tìm được công việc thông dịch viên. Sau thời gian ngắn làm công việc này và thực hiện các yêu cầu của bên tuyển dụng, chị Đ bị lừa mất gần 200 triệu đồng.
“Lúc đầu họ yêu cầu tôi chuyển khoản 150.000 đồng để tạo tài khoản trên app để nhận việc. Sau khi tạo tài khoản, tôi phải đóng thêm 300.000 đồng để nhận nhiệm vụ dịch bài viết. Hoàn thành nhiệm vụ ban đầu, họ chuyển cho tôi 450.000 đồng gồm phí tôi đã đóng và thù lao. Liên tục sau đó, họ yêu cầu chuyển khoản nhận nhiệm vụ, số tiền nhận nhiệm vụ ngày một tăng, thù lao cũng tăng. Đến khi số tiền tôi chuyển là gần 200 triệu đồng thì họ nói tài khoản của tôi bị lỗi nên không thể tiếp tục làm. Sau đó, họ chặn liên lạc với tôi luôn” - chị Đ kể.
Chị NTTM (ngụ TP.HCM) cũng tìm việc trên mạng và bị lừa mất gần 10 triệu đồng. Chị M cho biết chị tìm việc viết content trên mạng thì được một tài khoản nhắn tin trao đổi và nhận vào làm. Tuy nhiên, công việc không phải viết content mà đánh giá sản phẩm theo yêu cầu. Họ yêu cầu chị đóng phí ban đầu 150.000 đồng để tạo tài khoản cũng như để chuyển thù lao công việc.
“Thời gian đầu, họ chuyển thù lao đều đặn cho mỗi lần đánh giá sản phẩm. Sau đó, họ nói nếu tôi muốn gắn bó lâu dài với công việc này thì phải được đào tạo, muốn được đào tạo thì phải đóng phí và mức phí này đã được công ty hỗ trợ. Thấy hợp lý và cũng muốn có công việc lâu dài nên tôi đã đóng 10 triệu đồng cho phí đào tạo. Sau khi tôi đóng xong thì không thấy họ liên lạc, tôi gọi lại thì tất cả các số đều bị chặn. Lúc này tôi mới biết mình bị lừa” - chị M bức xúc.
Chọn lọc thông tin trước khi chia sẻ
Trao đổi với PV, luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết hiện nay phương thức và thủ đoạn của kẻ gian ngày càng tinh vi. Để chủ động phòng tránh tội phạm lừa đảo, người dân khi tiếp xúc, sử dụng mạng xã hội cần nâng cao tinh thần cảnh giác. Đối với những tin nhắn, cuộc gọi qua mạng xã hội, số điện thoại chứa thông tin thiếu minh bạch, người dân cần bình tĩnh xác minh, cẩn thận, trao đổi trực tiếp trước những yêu cầu chuyển khoản, vay tiền…
Khi tìm việc trên mạng cần tìm hiểu kỹ thông tin về công ty, công việc đang rao tuyển, cảnh giác trước những lời mời chào hấp dẫn, địa chỉ công ty không rõ ràng. Nên trực tiếp đến nơi công ty tuyển dụng, tuyệt đối không giao dịch hay phỏng vấn với người tuyển dụng bên ngoài trụ sở công ty. Hoặc khi phía người tuyển dụng yêu cầu người tìm việc đưa tiền hoặc tài sản đ? ể đảm bảo có việc làm thì người dân phải cảnh giác ngay.
Tuyệt đối không công khai các thông tin cá nhân như CMND/CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… lên các trang mạng xã hội hoặc đưa cho người khác. Cần chọn lọc thông tin cá nhân trước khi chia sẻ công khai để đảm bảo không bị lợi dụng, đánh cắp.
Cũng theo luật sư Hoàng Anh Sơn, khi phát hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân nên thu thập toàn bộ nội dung tin nhắn, trao đổi giữa các bên, nếu đã thực hiện chuyển khoản cần lưu giữ giấy chuyển tiền hoặc sao kê tài khoản. Sau đó tố giác hành vi lừa đảo đến cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý.
Mức phạt với hành vi hack tài khoản mạng xã hội
Theo Điều 80 Nghị định 15/2020, phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng.
Phạt tiền 30-50 triệu đồng đối với hành vi truy cập trái phép, làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác...
Theo Điều 288 BLHS năm 2015 (sửa đổi năm 2017), tùy vào tính chất, hậu quả nghiêm trọng, mục đích sau khi hack tài khoản mà có thể: Phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm; phạt tù từ sáu tháng đến ba năm; phạt tiền từ 200 triệu đến 1 tỉ đồng; phạt tù 2-7 năm.
Theo Điều 290 BLHS năm 2015 (sửa đổi năm 2017), nếu sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, tối đa có thể đến 20 năm tù…
Luật sư HOÀNG ANH SƠN, Đoàn Luật sư TP.HCM
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/canh-giac-nhung-chieu-tro-lua-dao-qua-mang-xa-hoi-a28110.html