Chứng kiến những khó khăn, vất vả của những người đồng cảnh ngộ với chồng mình, nhiều năm qua, một phụ nữ vẫn hết lòng giúp đỡ những bệnh nhân sinh sống tại “xóm chạy thận”. Bà xem đây là việc để tích chút công đức cho bản thân và cho cả chồng mình.
Số phận bắt thành… người Thủ đô
Con ngõ nhỏ số 121 phố Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội) từ lâu vẫn được nhiều người biết đến với cái tên “xóm chạy thận”. Không có ranh giới rõ ràng, chỉ biết địa phận “xóm chạy thận” lọt thỏm giữa ngõ 121 Lê Thanh Nghị. Con ngõ này nổi tiếng đến độ, cứ đến đây hỏi đường vào thì ai cũng biết.
Trước đây ngõ có tên là ngõ Cột Cờ, sau đổi thành 121 Lê Thanh Nghị. Và thật trùng hợp khi hiện tại ở đây có 121 người mắc bệnh suy thận đang sinh sống. Khu xóm có khoảng 50 phòng trọ tồi tàn, ẩm thấp. Mỗi phòng trọ chỉ khoảng 8m2 dành cho 2 người nhưng giá tiền thuê lên đến 1 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền điện, nước.
Hầu hết bệnh nhân ở đây đều mắc bệnh suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống. Cứ 3 ngày chạy lọc máu một lần, một tháng chạy 13 lần, thiếu lần nào thì sức khỏe suy kiệt, tụt huyết áp, chân tay bủn rủn. Tuy sức khỏe có thể biến thiên từng ngày nhưng số phận cơ cực, khổ sở của những mảnh đời vạ vật ở xóm này thì không hề thay đổi.
Sở dĩ, xóm có tên đặc biệt như thế, vì chẳng biết từ bao giờ, các bệnh nhân cùng mắc bệnh thận đã rủ nhau về đây chung sống quây quần, đùm bọc như một đại gia đình, dù xuất thân mỗi người khác nhau, từ những miền quê khác nhau.
Tại “xóm chạy thận” này, không phải tất cả mọi người dân đến sinh sống đều là những người mắc bệnh suy thận. Có cả những người không đành lòng bỏ mặc người thân chống chọi với bệnh tật nên đã ở luôn lại để tiện bề chăm sóc.
Trong xóm, những người này sức khỏe tốt và được xem là những “vị cứu tinh” của bệnh nhân mắc bệnh suy thận. Bà Mai Thị Hường (56 tuổi) là một trong những “vị cứu tinh” như thế.
Bà Hường hàng ngày vẫn giúp đỡ những người bệnh đi chợ, dọn dẹp kiêm luôn cả xe ôm đưa đón bệnh nhân mỗi lần đến kỳ lọc máu. Trong cuộc sống, có nhiều người dựa vào hoàn cảnh của người khác để mưu lợi riêng cho bản thân nhưng bà Hường thì khác. Tất cả những việc thiện trên bà làm xuất phát từ lòng thiện tâm của mình.
Bà Hường sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Mảnh đất miền Trung đầy nắng gió hun đúc cho bà một ý chí vững vàng. Chẳng thế mà một mình bà đã gồng gánh ngót nghét 20 năm để chăm chồng bị mắc bệnh suy thận nặng khi “di cư” từ quê nhà ra “chốn phồn hoa đô hội” đắt đỏ.
Bà Hường và ông Nhữ Đình Mây (65 tuổi) quen biết nhau và đi đến hôn nhân. Cuộc sống không đủ đầy nhưng ông bà vẫn luôn yêu thương, lấy đối phương là động lực để phấn đấu.
Tuy nhiên, những ngày tháng hạnh phúc chẳng dài lâu, cách đây chừng 20 năm, mái ấm gia đình bà phải chia lìa khi ông Mây được xác định là mắc chứng bệnh suy thận vô phương cứu chữa.
Bởi bệnh tình chuyển biến ngày một nặng thêm nên không còn lựa chọn, vợ chồng ông bà bất đắc dĩ phải “chuyển khẩu” về Hà Nội, gia nhập “xóm chạy thận” để mong ông Mây duy trì mạng sống.
Trong khu vợ chồng bà Hường sinh sống, chỉ có mình bà là người khỏe mạnh nên khi thấy người bệnh có sức khỏe yếu, bà sẵn lòng giúp đỡ. Để tiện đi lại, bà Hường nhờ người chuyển chiếc xe máy cũ của gia đình ra Hà Nội. Cũng từ đây, người phụ nữ trở thành xe ôm, đối tượng phục vụ chính của bà là những bệnh nhân mắc bệnh suy thận như chồng mình.
“Bệnh tật khiến sức khỏe họ giảm sút ghê lắm! Nhiều người không thể đi ra được đến viện. Sáng sớm hay đêm tối nếu có đi, gọi xe ôm người ta cũng từ chối vì quãng đường ngắn quá, chỉ vài trăm mét. Hai năm dịch Covid-19 bùng phát, không có ai chở bệnh nhân đi chạy thận được. Chứng kiến cảnh đó nên tôi đã dùng chính chiếc xe máy của gia đình để chở họ đi”, bà Hường chia sẻ.
“Xe cứu thương” không còi hú
Ở “xóm chạy thận”, bà Hường biết rõ hoàn cảnh từng người một và những bệnh nhân sinh sống tại đây, tất thảy cũng đều có số điện thoại “đường dây nóng” của bà Hường.
Trong cuộc trò chuyện, người phụ nữ với khuôn mặt hiền từ tếu táo rằng, chiếc điện thoại cũ của bà lúc nào cũng phải để ở chế độ chuông to nhất mà pin nhiều nhất. Bởi bất cứ lúc nào bà cũng có thể nhận được những cuộc điện thoại cầu cứu của những người bệnh nhân đang sinh sống tại đây.
Ban đầu, bà Hường đều chở miễn phí như một cách để tích phúc cho bản thân và cho chồng. Sau dần, các bệnh nhân cũng ái ngại và nhất quyết đòi trả tiền nên bà cũng đành tính ra một con số tượng trưng để họ đỡ ái ngại.
Cụ thể, với khách quen, mỗi tháng bà Hường lấy từ 100.000 - 120.000 đồng. Khách đi theo lượt được bà lấy đồng giá 10.000 đồng. Những hoàn cảnh khó khăn quá bà nhất mực không lấy tiền. Trừ chi phí, bà Hường bảo, mỗi tháng bà… lãi khoảng 150.000 đồng.
Từ nhiều năm nay, 5 giờ 30 phút sáng, bà Hường dậy để chuẩn bị đồ ăn cho chồng, dọn dẹp nhà cửa. Xong xuôi, bà bắt đầu một ngày làm việc. Thông thường, những bệnh nhân chạy thận đều đến viện từ sớm nên công việc của bà cũng tất bật hơn. Bà Hường chở bệnh nhân đến bệnh viện xong, gần trưa, khi họ chạy thận xong, lại ra đón họ về nhà trọ.
Không cứ gì chạy xe ôm, với những ai cần giúp đỡ bà đều hết lòng. Chị Nguyễn Thị Trang bị suy thận nặng, sức khỏe yếu khi thì nhờ bà đi mua hộ mớ rau, con cá, khi thì nhờ bà đi mua thuốc nhưng chưa bao giờ bà Hường nhận một đồng tiền công. Vì bà biết ở cái xóm trọ này, chị Trang là trường hợp tận cùng khốn khổ. Những lúc rảnh việc, bà lại sang động viên, tâm sự để chị bớt căng thẳng, tập trung điều trị.
Nhắc đến cái nghề bất đắc dĩ mà mình đang làm, bà Hường bảo, xe ôm quanh bệnh viện thường chỉ chạy ban ngày còn đêm thì nghỉ. Còn bà, mỗi khi “đường dây nóng” rung lên thì bất kể đêm hôm khuya khoắt, mưa giông hay gió rét thì bà đều phải tức tốc lên đường.
Nhớ cách đây hơn 1 năm, tờ mờ sáng, chiếc điện thoại của bà đổ chuông liên tục. Vội vàng bắt máy, bà Hường hoảng hốt khi từ đầu dây bên kia có tiếng khóc nức nở, giọng nói gấp gáp của một người đàn ông trọ cùng xóm: “Chị ơi, chị sang chở vợ tôi đi viện với. Bà ấy vừa bị ngã gãy xương”.
Chẳng kịp chuẩn bị gì, bà Hường mặc vội chiếc áo chạy sang căn nhà trọ gần đó. Tới nơi, trước mắt bà là hình ảnh người phụ nữ lớn tuổi đang nằm trên sàn nhà, quằn quại đau đớn. Khu vực này ngõ hẹp, có gọi xe cấp cứu cũng không thể vào được.
Bế nạn nhân lên xe nhưng chân bị gãy lủng lẳng, người phụ nữ ấy càng khóc thảm thiết hơn. Nhiều năm sống ở bệnh viện, học lỏm được chút kiến thức sơ cứu người bị gãy xương, bà liền lấy thanh gỗ nẹp tạm chân nạn nhân lại rồi mới di chuyển vào viện.
Lại một lần khác, cũng vào thời điểm giữa đêm, bà Hường nhận được cuộc gọi khẩn thiết của một cô gái trẻ. Cô này gặp biến chứng tiểu đường. Khi tới nơi, bà Hường thấy cô đã tím tái cả người, thở khó khăn và không thể tự ngồi vững sau yên xe được nữa. Để có thể đưa cô vào viện, bà buộc phải chằng một chiếc cáng gỗ lớn rồi đặt “khách” lên, buộc chặt rồi vội vã nổ xe ra viện.
Nhiệt tình, chu đáo với mọi người là thế nhưng theo một số bệnh nhân đang sinh sống tại “xóm chạy thận”, bà Hường lại rất ngại nhờ vả mọi người trong xóm. Mỗi lần có hỏi, bà Hường cũng chỉ cười và bảo mình là người khỏe nhất xóm mà lại đi nhờ người đang mang bệnh có mà họ cười cho.
Lại một năm nữa trôi qua, thêm một năm nữa vợ chồng bà Hường trụ lại nơi mảnh đất chật chội, xô bồ này. Đã có nhiều lần bà Hường khóc, tiếc rằng ông Mây đổ bệnh sớm nên vợ chồng bà không có với nhau được một mặt con.
“Ông nhà tôi cũng yếu lắm rồi. Tôi vẫn cứ cố động viên ông ấy chữa trị nhưng nếu lỡ chẳng may ông ấy có ra đi thì tôi cũng chỉ còn lại một mình”, bà Hường nói.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/xe-cuu-thuong-khong-coi-hu-cua-xom-chay-than-a28019.html