Đảm bảo sự tham gia của trẻ em vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 27/2022/TT-BLĐTBXH về hướng dẫn sự tham gia của trẻ em vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục. 

Chú thích ảnh

Nhiều hoạt động dành cho thiếu nhi tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh tư liệu: hanoimoi.com.vn

Theo Thông tư, hoạt động có sự tham gia của trẻ em ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục là hoạt động do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức dành cho trẻ em nhằm bổ sung kiến thức, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nhân cách, sức khỏe, kỹ năng sống, trải nghiệm thực tế mà trẻ em tham gia không có sự chăm sóc, quản lý trực tiếp của cha, mẹ, thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em và cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục.

Nội dung chương trình được yêu cầu phải phù hợp với năng lực, độ tuổi của trẻ em; bảo đảm an toàn, lành mạnh, thân thiện và không ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.

Thông tư nêu rõ, trẻ em có quyền bày tỏ ý kiến, nguyện vọng khi tham gia vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục. Việc lấy ý kiến của trẻ em phải phù hợp với độ tuổi, sức khỏe, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ. 

Với trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên thì cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức hoạt động phải có trách nhiệm lấy ý kiến của trẻ em và cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em.

Với trẻ em dưới 7 tuổi thì cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có quyền thay mặt trẻ em để trẻ em tham gia hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục. Việc lấy ý kiến của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em được thực hiện theo quy định.

Trẻ em có quyền tham gia hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục trong trường hợp cơ sở, địa điểm mà trẻ em tham gia bảo đảm: an toàn, thân thiện, phù hợp với lứa tuổi, giới tính của trẻ em…

Trẻ em có quyền hủy bỏ việc tham gia nếu thấy hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục không đáp ứng hoặc không phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của trẻ. Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm tôn trọng ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục có quyền từ chối việc tham gia của trẻ em trước khi trẻ em tham gia; yêu cầu cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em hủy bỏ việc tiếp tục cho trẻ tham gia vào hoạt động trong trường hợp tiến hành kiểm tra sức khỏe mà trẻ không bảo đảm sức khỏe.

Thông tư quy định, trước khi giam gia hoạt động, các đơn vị phải thông báo đầy đủ chương trình, thời gian, thời lượng, địa điểm, đối tượng, số lượng trẻ em tham gia, hình thức tổ chức, nhân lực và công khai, minh bạch khoản kinh phí đóng góp đến trẻ em, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em.

Trong quá trình tổ chức hoạt động, đơn vị phải thường xuyên quan tâm, theo dõi sức khỏe của trẻ em; bảo đảm điều kiện về nhân lực, y tế để kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho trẻ; bảo đảm phòng, chống xâm hại, tai nạn, thương tích cho trẻ em, phòng, chống cháy nổ và dịch bệnh theo quy định. Thông báo kịp thời cho UBND cấp xã nơi tổ chức hoạt động khi xảy ra vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, tai nạn, thương tích trẻ em.

Hướng dẫn viên, điều phối viên, tình nguyện viên, người phụ trách trẻ em, giảng viên tham gia hoạt động có sự tham gia của trẻ em ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục có trách nhiệm cam kết bảo vệ trẻ em; bảo đảm bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ; có hiểu biết về quyền trẻ em, có phẩm chất đạo đức tốt; không bị xử lý vi phạm hành chính về các hành vi xâm hại trẻ em; không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích. Nhân lực trực tiếp hướng dẫn kiến thức, kỹ năng, nội dung, chương trình cho trẻ em phải bảo đảm các quy định và có kiến thức, kỹ năng, phương pháp truyền đạt phù hợp với trẻ em.

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/dam-bao-su-tham-gia-cua-tre-em-vao-hoat-dong-ngoai-gia-dinh-ngoai-co-so-giao-duc-a27953.html