“Dù đầu tư tiền bạc, máy móc để quay các phim ngắn, tôi không thu về được đồng nào từ Facebook. Cứ tới cuối tháng, ngày Facebook trả tiền, họ vào báo bản quyền và gom hết”, Hữu Nhật, chủ Fanpage sitcom Lala school chia sẻ.
Theo ông Nhật, tại Việt Nam, tài khoản có tên Do Tien Q... đang lạm dụng công cụ quản lý bản quyền của Facebook để trục lợi bất chính hàng tỷ đồng mỗi tháng từ nền tảng quảng cáo Ad Breaks. Zing.vn đã liên hệ với Facebook và chờ phản hồi từ mạng xã hội này.
Ad Breaks là nền tảng cho phép người sáng tạo video trên Facebook đủ điều kiện có thể kiếm tiền nhờ hiển thị quảng cáo ngắn khi phát video.
Điều kiện để kiếm tiền từ Facebook Ad Breaks là fanpage đạt 10.000 lượt theo dõi. Đồng thời, video trên fanpage phải đạt 30.000 lượt xem, tối thiểu 1 phút cho video dài 3 phút. Các video trên đồng thời phải phù hợp tiêu chuẩn cộng đồng.
Những video với tương tác cao sẽ được Facebook xét duyệt kiếm tiền từ quảng cáo. Doanh thu mỗi fanpage đăng video đều đặn có thể lên đến 100.000 USD/tháng. Vì vậy, các nhà sản xuất nội dung đang có xu hướng chuyển dần hoặc phân phối nội dung trên cả hai nền tảng là YouTubevà Facebook.
Tuy vậy, chính sách bản quyền của nền tảng video Facebook vẫn còn sơ khai, lỏng lẻo, tạo điều kiện cho những nhà sáng tạo nội dung "lởm" tha hồ kiếm tiền từ vi phạm bản quyền.
Giới kiếm tiền online gọi đây là reup (đăng tải lại) kiểu mới. Nguồn video thường được lấy từ những nền tảng khác như Tik Tok, YouTube rồi đăng lại trên Facebook với chiến lược "ai đăng trước là của người đó".
"Có thể Facebook đang cố ngó lơ việc này để làm giàu cho kho nội dung video của mình", Trọng Nhân, nhà sáng tạo nội dung trên nhiều nền tảng chia sẻ.
Để giải quyết vấn đề bản quyền, Facebook cung cấp công cụ có tên Rights Manager (RM). Với công cụ này, cá nhân, tổ chức có thể báo cáo bản quyền những video vi phạm.
Tuy nhiên, công cụ trên đang bị một số cá nhân lạm dụng để "đánh chiếm" nội dung từ những người sáng tạo chân chính.
"Trong 1-2 tháng qua, hàng nghìn thành viên của một nhóm làm nội dung Facebook đã tố cáo tài khoản Do Tien Q... về việc đi nhận vơ bản quyền các video trên Facebook", ông Nhật cho biết.
Theo ông Nhật, cứ đến cuối tháng, thời gian Facebook thanh toán tiền quảng cáo cho nhà sáng tạo nội dung, Do Tien Q... cho người đi nhận vơ bản quyền để trục lợi từ hàng nghìn fanpage với số tiền hàng tỷ đồng.
Để làm được việc này, hệ thống của Đo Tien Q... đăng tải lại các video từ những fanpage khác vào RM. Sau đó, báo cáo với Facebook mình bị vi phạm bản quyền.
Sau khi báo cáo, video vi phạm sẽ nhận được thông báo.
Trong đó, nếu chấp thuận với báo cáo bản quyền, toàn bộ số tiền kiếm được sẽ chuyển cho người giữ RM. Nếu không đồng ý, người sở hữu buộc xóa video và mất toàn bộ tiền quảng cáo thu được. Ngoài ra, chủ fanpage có thể kháng nghị với Facebook về phán quyết bản quyền.
Tuy vậy, công cụ kháng nghị hoàn toàn không hoạt động dù nộp đầy đủ bằng chứng gồm cảnh hậu trường, ảnh chụp màn hình dựng phim, video gốc…
Đa phần nhà sáng tạo nội dung sau khi bị báo cáo bản quyền thường chọn xóa video và mất toàn bộ tiền kiếm được thay vì phải chia lợi nhuận với kẻ gian.
"Vậy tiền các nhà quảng cáo trả cho Facebook để hiện quảng cáo chạy đi đâu? Có được trả lại hay không?", ông Nhật đặt vấn đề.
Thực tế, nhà quảng cáo hoàn toàn không biết số tiền mình trả cho Facebook sẽ được thanh toán cho ai và những trang đó có vi phạm bản quyền hay không.
"Vì vậy, số tiền quảng cáo bị tranh chấp bản quyền sẽ được Facebook giữ lại toàn bộ. Như vậy, trong mối quan hệ giữa người sáng tạo nội dung, kẻ đánh cắp bản quyền, nhà quảng cáo thì Facebook luôn nắm đằng cán", ông Nhật nói thêm.
Đồng thời, chính sách lỏng lẻ trên cũng giúp mạng xã hội video còn non nớt của Facebook có nhiều nội dung hơn.
"Facebook đang cố cạnh tranh với YouTube bằng sự hỗn loạn đặc trưng của họ", ông Nhân nói thêm.
Để tránh việc người sáng tạo nội dung xóa video dẫn đến mất nguồn thu, kẻ gian nắm giữ RM sẽ bán gói "bảo kê" fanpage.
“Gói bảo kê này có giá 600 USD/fanpage. Đổi lại, người mua gói sẽ được bảo kê tất cả nội dung bằng quyền RM. Từ đó, chủ fanpage có thể kiếm tiền trên nội dung do mình sản xuất”, ông Nhật cho biết.
Bản hợp đồng ghi rõ, fanpage phải có thu nhập trên 10.000 USD mới đủ điều kiện được “bảo kê”. “Sau này, nếu không trả 600 USD bảo kê. Toàn bộ doanh thu trên 10.000 USD đó sẽ bị người giữ RM chiếm hết”, ông Đăng Khôi, một chủ fanpage phim chia sẻ.
Nói một cách dễ hiểu, người nắm RM chính là một network YouTube thu nhỏ. RM là chứng chỉ Facebook cấp cho những đơn vị tin tưởng nhưng qua tay người Việt nó trở thành vũ khí để bắt nạt người khác. Tuy vậy, cách hoạt động của “network” này không nhằm bảo vệ bản quyền mà đi đánh chiếm bản quyền của người khác.
“Tất cả nội dung đều do tôi bỏ tiền ra quay hoặc mua lại từ các đài truyền hình để phân phối lên các nền tảng như YouTube và Facebook. Việc họ công khai tố cáo bản quyền như vậy gây tổn hại đến doanh thu của tôi. Tuy nhiên, Facebook không có chính sách công khai người cầm RM nên chúng tôi không biết khiếu kiện ở đâu. Dù việc làm đó đang vi phạm pháp luật Việt Nam”, ông Nhật bức xúc.
Nếu không sớm có quy trình quản lý chi tiết, thực tế, có lẽ không lâu sau, Facebook video không chỉ mất kiểm soát về nội dung như YouTube mà còn là “cái ổ” cho nạn vi phạm bản quyền.
Theo Zing
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nhan-vo-ban-quyen-video-kiem-tien-ty-tren-facebook-tai-viet-nam-a2795.html