Tại sự kiện WWDC vào thứ hai 3/6, Giám đốc Apple Craig Federighi đã giới thiệu ứng dụng “Find My” giúp định vị thiết bị. Tính năng này được đánh giá có thể trở thành bước đột phá trong bảo mật di động, hoặc là thảm họa về quyền riêng tư người dùng.
Các chuyên gia đã đặt câu hỏi liệu Find My có tiếp tục theo dõi khi người dùng không mong muốn. Apple cho biết họ xây dựng tính năng này trên một hệ thống mã hóa độc đáo, được thiết kế cẩn thận để ngăn chặn mọi trường hợp đánh cắp dữ liệu vị trí, ngay cả từ chính "Táo khuyết".
Trong các phiên bản sắp tới của iOS và macOS, ứng dụng Find My có thể phát tín hiệu Bluetooth mang thông tin vị trí - thậm chí khi ngoại tuyến. Các thiết bị Apple gần đó sẽ chuyển tiếp tín hiệu này lên đám mây, giúp người dùng phát hiện vị trí điện thoại hoặc laptop bị đánh cắp.
Chương trình mã hóa phức tạp này không chỉ chặn người dùng các thiết bị trung gian truy cập vào dữ liệu, mà còn ngăn chính Apple làm điều đó. Chủ thiết bị là đối tượng duy nhất biết thông tin iDevice của mình.
“Điều đáng kinh ngạc là toàn bộ quá trình được mã hóa từ đầu đến cuối, và ẩn danh”, Federighi nói tại WWDC. “Nó chỉ sử dụng những mẩu dữ liệu bé xíu trên lưu lượng mạng hiện có. Do đó, không phải lo lắng về hao tốn dung lượng mạng, pin hoặc quyền riêng tư của bạn”.
Trả lời trang WIRED, Apple giải thích cách hệ thống này hoạt động để tránh rò rỉ dữ liệu vị trí.
Giải pháp đơn giản là yêu cầu người dùng sở hữu ít nhất 2 thiết bị Apple. Máy bị thất lạc sẽ phát ra một đoạn mã thay đổi liên tục. Các thiết bị Apple gần đó sử dụng mã này để nhận diện và tải lên đám mây dữ liệu định vị. Tuy nhiên, chỉ thiết bị Apple còn lại mới có khóa để giải mã vị trí đó.
Tuy vậy, Apple cho biết quy trình hoạt động thực tế của Find My phức tạp hơn nhiều so với mô tả. Trước khi được phát hành cùng với macOS Catalina và iOS 13 vào cuối năm nay, tính năng này vẫn còn có thể thay đổi.
Hệ thống mã hóa giúp giảm bớt mối đe dọa từ theo dõi tín hiệu Bluetooth, cho phép Apple xây dựng lịch sử vị trí của từng người dùng. “Nếu Apple làm theo những gì họ nói, tính năng có thể bảo mật thực sự”, Matthew Green, nhà mật mã học tại Đại học Johns Hopkins, đánh giá.
“Tôi đánh giá Apple điểm 9/10 về khả năng thực hiện lời hứa”, Green nói. “Tôi chưa thấy công ty nào có thể làm điều tương tự trên quy mô một tỷ người. Lý thuyết này đã quen thuộc trong giới khoa học, nhưng hiện thực hóa nó là điều khá ấn tượng”.
Theo Zing
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/day-la-cach-apple-tim-ra-iphone-bi-mat-ma-khong-can-internet-a2794.html