Sáng 8/3, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM trang trọng tổ chức lễ truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Mẹ Việt Nam anh hùng đợt 44.
Dự lễ có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM; Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Bí thư Quận ủy quận 1.
Cùng dự còn có các đồng chí: Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Quyết Thắng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Củ Chi; Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM; Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.
Ngoài ra còn có đại diện Bộ LĐTB-XH, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, thân nhân các Mẹ Việt Nam Anh hùng…
Đợt này, TPHCM có 8 mẹ được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Trong đó, huyện Củ Chi có 5 mẹ gồm: Nguyễn Thị Niềm, Đỗ Thị Chính, Trần Thị Trừ, Tô Thị So, Võ Thị Những; huyện Bình Chánh có 2 mẹ gồm: Đỗ Thị Sáu và Nguyễn Thị Chiếu; quận Bình Tân có mẹ Huỳnh Thị Khỏe.
Tại buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo TPHCM đã trang trọng truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng đến thân nhân các mẹ.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi gửi lời tri ân sâu sắc đến các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình các mẹ vì những hy sinh to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc tổ chức lễ truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng là niềm vinh dự không chỉ cho các gia đình mà cho từng địa phương và cả thành phố.
Theo đồng chí, lễ truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng vào ngày 8-3, thời khắc mà mọi người dành những tình cảm tốt đẹp để tôn vinh người phụ nữ Việt Nam, phụ nữ thành phố với những công lao sự đóng góp to lớn trong suốt quá trình lịch sử.
“Chúng ta tự hào với những tấm gương phụ nữ thành phố qua các thời kỳ, các giai đoạn cách mạng với những đóng góp nổi bật. Các mẹ, các chị, các em không chỉ tham gia vào công việc chung của xã hội mà còn là điểm tựa, nguồn giữ lửa cho gia đình để nam giới yên tâm đóng góp cho xã hội. Những đóng góp từ gia đình và xã hội của phụ nữ thành phố rất to lớn, góp phần xây dựng thành phố thêm đẹp hơn, đáng tự hào, đáng sống”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Đồng chí Phan Văn Mãi xúc động chia sẻ, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước, dân tộc ta đã hy sinh biết bao xương máu, nhiều mẹ đã hiến dâng những đứa con thân yêu của mình cho Tổ quốc. Những hy sinh thầm lặng, vĩ đại của các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã góp phần trực tiếp làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc ta. Cuộc đời, sự cống hiến vỹ đại của các mẹ mãi mãi là tấm gương cho các thế hệ sau.
Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ sự ray rứt khi gần đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng các hồ sơ chính sách vẫn đang tiếp tục xem xét. Điều này đồng nghĩa với việc vẫn còn những liệt sĩ chưa được công nhận.
"Có những Mẹ Việt Nam Anh hùng nay mới được truy tặng, và còn nhiều trường hợp có đóng góp cho cách mạng nhưng chưa kịp hoàn thiện hồ sơ, chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước", đồng chí Phan Văn Mãi xúc động.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ trao danh hiệu Bà mẹ VNAH cho thân nhân các mẹ. Ảnh: Sài Gòn giải phóng
Với tinh thần uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, đồng chí khẳng định những người đang được giao nhiệm vụ, trọng trách có trách nhiệm tiếp tục sự nghiệp xây dựng, phát triển thành phố và đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Cùng với đó là thực hiện tốt hơn các chính sách đền ơn đáp nghĩa để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.
"Đó là những nghĩa cử thiết thực nhất, có ý nghĩa nhất để tri ân các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách", đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan liên quan thực hiện tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa với tinh thần làm bao nhiêu vẫn chưa đủ, làm nhanh bao nhiêu vẫn chưa kịp. Khi được công nhận rồi thì thực hiện chính sách cho thật tốt. Bởi có những trường hợp khi đang làm hồ sơ thì mẹ còn khỏe nhưng khi xong hồ sơ trao thì mẹ đã qua đời, hay nhiều trường hợp chính sách khác cũng như vậy. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị phải “chạy đua với thời gian”, làm nhiều nhất, làm nhanh nhất có thể để chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước đến được nhanh nhất với các đối tượng chính sách.
Hạnh (T/h)
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tphcm-truy-tang-danh-hieu-ba-me-viet-nam-anh-hung-cho-8-me-a27779.html