Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, trận động đất đầu tiên xảy ra lúc 9h14 phút 52 giây với độ lớn 2.8 trên địa bàn huyện Kon PLông, tỉnh Kon Tum.
Sau đó vào trưa nay, thêm hai trận động đất có độ lớn 2.6 và 3.0 tiếp tục xảy ra ở khu vực này. Đây đều là trận động đất nhỏ với rủi ro thiên tai ở cấp 0.
Từ đầu tháng 2 đến nay, động đất liên tiếp xảy ra tại huyện Kon PLông, Kon Tum. Nhiều ngày xuất hiện 2-3 trận động đất, phần lớn là các trận động đất có độ lớn dưới 3.5, ít khả năng gây rung chấn.
Động đất tại Kon Plông, Kon Tum được Viện Vật lý Địa cầu nhận định là động đất kích thích, xảy ra do hồ chứa thủy điện tích nước gây áp lực lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới, khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên.
Động đất kích thích ở Kon Plông, Kon Tum xảy ra từ tháng 4/2021, đến nay với ghi nhận hàng trăm trận. TS Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, từ năm 2021 đến nay, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum liên tiếp xảy ra hàng trăm trận động đất có độ lớn từ 2,4 đến 4,7.
Trên cơ sở số liệu động đất ghi nhận được tại khu vực huyện Kon Plông cho thấy, động đất xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây và có xu hướng tăng lên về độ lớn. Mặc dù đến nay chưa ghi nhận thiệt hại về nhà cửa và người tại khu vực trên nhưng chắc chắn các rung động địa chấn do động đất gây ra đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống của nhân dân trong khu vực.
Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo người dân và chính quyền khu vực này cần quan tâm đến các yếu tố kháng chấn trong xây dựng; các cấp chính quyền cần thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất mạnh. Đặc biệt, khi có động đất xảy ra, chính quyền và người dân tại khu vực bị ảnh hưởng cần thực hiện nghiêm theo các quy định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phòng, chống động đất, sóng thần.
Theo đó, khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần, mọi công dân trong vùng bị ảnh hưởng phải chủ động sơ tán khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn; UBND các cấp phải bằng mọi hình thức thông báo tin trên đến nhân dân trong khu vực; tổ chức hướng dẫn sơ tán dân và huy động các phương tiện trên địa bàn để giúp dân sơ tán đến nơi an toàn, đồng thời có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực.
Cùng với Kon Tum, thời gian qua nhiều trận động đất đã xảy ra ở các khu vực khác trên cả nước như Lai Châu, Điện Biên. Đáng lưu ý, sáng 3/3, một trận động đất có độ lớn 3.2 xảy ra tại huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Tâm chấn trận động đất nằm gần nhiều huyện ngoại thành Hà Nội như Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì, Sơn Tây, Mê Linh. Trận động đất không ghi nhận thiệt hại.
T.H.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/kon-tum-lien-tiep-xay-ra-3-tran-dong-dat-a27722.html