Tại khu chợ Long Biên (Hoàn Kiếm, Hà Nội), ngày làm việc của những người phụ nữ lao động tự do bắt đầu khi màn đêm buông xuống.
Càng về đêm, tiết trời càng lạnh. Chỉ khoác trên mình chiếc áo mỏng manh, những người phụ nữ này thoăn thoắt vận chuyển hàng hóa trong khu chợ đêm, họ làm những công việc mà lẽ ra phải là của nam giới.
Dùng hết sức mình để kéo những chiếc xe chất đầy hàng hóa, mặc dù mệt mỏi nhưng bước chân của các chị vẫn thoăn thoắt.
Gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt, chị Thêu (quê Phú Thọ) chia sẻ: “Sau đại dịch, may mắn lắm mới được người ta thuê bốc vác. Chồng tôi mất sớm, tôi cần kiếm tiền để gửi về nuôi 2 đứa con đang đi học ở quê”.
Ở một góc khác trong chợ, dưới ánh đèn vàng vọt của đường phố, một nhóm các chị đang tất bật chuẩn bị chả mực, chả cá để kịp đem bán vào buổi sáng.
Khi được hỏi về ngày 8/3, chị Lan (Hà Nội), vừa nhào nặn chả cá, vừa tâm sự: “Những người lao động tự do như chúng tôi không biết đến ngày 8/3. Ngày nào cũng phải làm việc quần quật từ đêm đến sáng, chuẩn bị đủ mấy trăm túi chả để sáng mai xe chở hàng đến lấy. Nhiều hôm trời lạnh, tay tôi tê dại, mất hết cảm giác”
Một người phụ nữ đang xếp quýt vào rổ để kịp chuyển lên chuyến xe hàng buổi sớm.
Không chỉ ban đêm, ngay cả khi trời sáng, nhiều người phụ với những gánh hàng rong, những quán ăn đơn sơ trên các con phố cổ Hà thành.
Chị Thanh (Hà Nội) đã có 10 năm bán phở trên phố Lý Quốc Sư. Quán phở của chị mở cả đêm để phục vụ thực khách tứ xứ. “Tôi chuẩn bị bán hàng từ 9h sáng. Ngày 8/3 cũng như những ngày bình thường khác, tôi vẫn phải bán hàng, không được nghỉ. Nghề này vất vả lắm, nhưng vẫn phải làm để có tiền nuôi con”, chị Thanh nói.
Tranh thủ khi chưa có khách, chị bán hàng rong này tranh thủ ăn trưa trên vỉa hè.
Một người phụ nữ ngủ gục bên gánh hàng trên vỉa hè.