Dân số Nhật Bản liên tục giảm suốt hơn 1 thập kỷ
Theo số liệu mới được công bố, số ca sinh tại Nhật Bản đã xuống mức thấp kỷ lục. Năm 2022, cả nước Nhật Bản có 799.728 ca sinh. Theo Bộ Y tế Nhật Bản, đây là lần đầu tiên số ca sinh ở Nhật Bản giảm xuống 800.000/năm.
Vào năm 1982, số ca sinh ở Nhật Bản là 1,5 triệu, gấp đôi hiện nay.
Năm 2022, Nhật Bản cũng ghi nhận số báo tử (số người qua đời) kỷ lục trên toàn quốc: 1,58 triệu người. Trong hơn một thập kỷ qua, tại Nhật, tỷ lệ người qua đời nhiều hơn tỷ lệ trẻ sơ sinh được sinh ra trong một năm.
Tình trạng này khiến các nhà lãnh đạo của đất nước mặt trời mọc, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới lo ngại. Giờ đây, Nhật Bản đang phải đối mặt với già hóa dân số ngày một nghiêm trọng, cùng với lực lượng lao động ngày càng thu hẹp. Điều này gây khó khăn cho quỹ lương hưu cũng như nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng lên khi dân số ngày một già hóa.
Dân số Nhật Bản đã giảm liên tục kể từ thời kỳ kinh tế thịnh vượng vào năm 1980. Theo số liệu mới nhất của Chính phủ Nhật Bản, dân số Nhật Bản là 125,5 triệu người vào năm 2021.
Tỷ lệ sinh của Nhật Bản hiện nay là 1,3 con, quá thấp so với mức 2,1 con cần thiết để duy trì dân số ổn định, trong trường hợp không có người nhập cư.
Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới. Năm 2020, tỷ lệ người sống thọ từ 100 tuổi trở lên tại Nhật Bản là 1/1.500 người, nghĩa là cứ 1.500 người Nhật thì có một người 100 tuổi trở lên.
Nhật Bản là quốc gia đắt đỏ nhất thế giới để nuôi con
Xu hướng già hóa dân số đáng lo ngại đã được Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cảnh báo vào tháng 1 năm nay rằng Nhật Bản "đang trên bờ vực" không thể duy trì phúc lợi xã hội.
"Khi nghĩ về sự phát triển bền vững và nội sinh của nền kinh tế - xã hội, chúng ta cần đặt việc hỗ trợ sinh con lên hàng đầu.", Thủ tướng Nhật Bản nói. "Nhật Bản đơn giản không thể đợi thêm được nữa".
Nhật Bản sẽ thành lập một cơ quan mới vào tháng 4 nhằm giải quyết vấn đề này, đồng thời Thủ tướng Nhật Bản cũng cho biết thêm rằng Chính phủ sẽ tăng gấp đôi ngân sách cho các chương trình liên quan tới trẻ em.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân "ngại sinh con" là do: Chi phí sinh hoạt cao, nhà ở hạn hẹp, chi phí để chăm sóc và nuôi dưỡng một đứa trẻ lớn, nhất là những gia đình ở thành phố. Điều này khiến tỷ lệ sinh ở Nhật Bản liên tục đi xuống, đặc biệt là các gia đình ở thành phố. Ở thành phố, các cặp vợ chồng thường không sống trong các gia đình nhiều thế hệ nên không được bố mẹ hai bên hỗ trợ như các gia đình sống ở vùng nông thôn.
Trong năm 2022, Nhật Bản đứng số 1 thế giới trong danh sách những nơi đắt đỏ nhất trên thế giới để nuôi con, theo nghiên cứu của viện tài chính Jefferies. Hơn nữa, nền kinh tế Nhật Bản cũng chững lại kể từ đầu những năm 1990, nên các cặp vợ chồng cũng đối mặt với khó khăn khi nuôi con.
Thu nhập hộ gia đình bình quân hàng năm đã giảm từ 6,59 triệu yên (50.600 USD) năm 1995 xuống còn 5,64 triệu yên (43.300 USD) vào năm 2020, theo dữ liệu năm 2021 của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/ty-le-sinh-thap-ky-luc-nhat-ban-doi-mat-voi-khung-hoang-dan-so-a27476.html