TP Hồ Chí Minh: Tích cực giám sát, ngăn chặn nguy cơ xâm nhập cúm gia cầm H5N1

Sở Y tế TP.HCM vừa có công văn khẩn cấp cho các đơn vị trên địa bàn thành phố nhằm ngăn chặn, phòng ngừa cúm gia cầm (cúm A/H5N1) trên diện rộng trước nguy cơ xâm nhập của chủng cúm này vào thành phố.

Theo bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, cúm gia cầm H5N1 là một bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao nên người dân phải luôn cảnh giác phòng, chống dịch bệnh này. Hơn nữa, TP Hồ Chí Minh là nơi tập trung nhiều chợ đầu mối thu mua gia cầm từ nhiều tỉnh nên phải luôn cảnh giác cao nguy cơ xâm nhập.

Theo Bộ Y tế, mới đây, tỉnh Prey Veng (Campuchia) ghi nhận 2 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1. Đây là tỉnh có đường biên giới giáp với Việt Nam và có vị trí gần 3 tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp nên việc cúm A/H5N1 xâm nhập là có thể xảy ra.

Đáng lưu ý, tại Việt Nam, thời điểm hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa, thuận lợi cho sự phát triển dịch bệnh cúm ở gia cầm; đồng thời các lễ hội sau Tết nguyên đán vẫn tiếp tục được tổ chức khiến hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch cúm ở gia cầm và nguy hiểm hơn là sự lây nhiễm từ gia cầm sang người.

cum-gia-cam-h5n1-c-16775845440961978670336-1677765618.jpeg
Nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM sắp xếp giường bệnh, bố trí lại phòng ốc để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân H5N1.

Bà Lê Hồng Nga thông tin thêm: "Được sự chỉ đạo khẩn trương và quyết liệt của UBND TP, HCDC đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan như với Chi cục thú y để giám sát tại các cửa khẩu, phòng dịch bệnh xâm nhập".

Trước nguy cơ dịch có thể xâm nhập bất cứ lúc nào, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã và đang tích cực sắp xếp giường bệnh, bố trí lại phòng ốc và nhân lực chuẩn bị đón đầu nếu phát hiện ca bệnh cúm tại thành phố. Bệnh viện cũng đã chuẩn bị khoa nhiễm D với 20 giường cấp cứu hồi sức cho bệnh nhân nặng và hơn 50 giường cho bệnh nhân từ nhẹ tới nặng.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết: "Bệnh viện chúng tôi đã có những kịch bản và sẵn sàng chuẩn bị về nhân sự cũng như trang thiết bị để đón nhận các ca nếu tình hình dịch cúm A/H5N1 xảy ra. Đặc biệt khoa nhiễm D luôn luôn có các giường hồi sức cũng như các giường bệnh để tiếp nhận ca bệnh từ trung bình đến nặng".

Bác sĩ Phong cũng chia sẻ thêm: Cúm H5N1 có nguy cơ tử vong rất lớn. Đây là mối đe dọa không thua kém COVID-19. Khi bệnh nhân mắc H5N1 thì diễn tiến suy hô hấp rất nhanh, mặc dù mình điều trị tích cực thì tỉ lệ tử vong vẫn gần 70%, thật sự đây là một điều đáng lo ngại. Việc phát hiện sớm để tránh trường hợp lây lan ra cộng đồng rất quan trọng."

Bên cạnh việc giám sát tại các cửa ngõ, cảng hàng không và vùng giáp ranh thì Sở Y tế TP.HCM cũng đã giao trung tâm y tế các quận, huyện, TP Thủ Đức tăng cường giám sát để phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi nặng do virus tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng. Đặc biệt chú ý đến các trường hợp có tiền sử dịch tễ đi đến từ vùng dịch, đồng thời báo cáo ngay về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời.

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, virus cúm A/H5N1 thường tồn tại ở gia cầm hoặc chim hoang dã. Virus này có thể lây lan cho người tiếp xúc gần, tỷ lệ tử vong lớn.

Do đó, bên cạnh các biện pháp đang được các cơ quan chức năng được thực hiện ráo riết thì các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân chủ động phòng ngừa. Theo đó, người nuôi gia cầm tiếp xúc với gia cầm cần nâng cao tinh thần tự giác, phát hiện những bất thường trong nơi chăn thả của mình để ngăn chặn kịp thời.

Ngoài ra, người dân cũng cần lựa chọn những gia cầm có nguồn gốc, được đảm bảo kiểm dịch và chỉ sử dụng các loại thực phẩm này khi được nấu chín.

T.H.

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tp-ho-chi-minh-tich-cuc-giam-sat-ngan-chan-nguy-co-xam-nhap-cum-gia-cam-h5n1-a27469.html