Văn nghệ sĩ cần không ngừng vượt lên để phát huy giá trị Đề cương văn hóa

Sáng 2/3, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức tọa đàm “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam”.

Tọa đàm nhằm làm rõ và nhận thức sâu sắc hơn những quan điểm cơ bản của Đảng về văn hóa, văn nghệ và giá trị lý luận, thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong quá trình thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật; đặc biệt là Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, góp phần xây dựng nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam dân tộc, hiện đại.

null
PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu đề dẫn tọa đàm “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam”. 

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh, Đề cương về văn hóa là tuyên ngôn đầu tiên của Đảng về chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trước khi cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là văn kiện khai phóng, cắm mốc lịch sử tư duy chiến lược sâu sắc về việc Đảng vô sản phải kịp thời nắm quyền lãnh đạo văn hóa, văn nghệ, tổ chức, tập hợp đội ngũ trí thức văn hóa, văn nghệ trong mặt trận dân tộc thống nhất, đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng, chấn hưng nền văn hóa mới của dân tộc, phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân lao động. 

Đề cương về văn hóa Việt Nam đã tạo nền tảng lý luận quan trọng để hình thành các chủ trương, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng gắn với mỗi giai đoạn cách mạng. Dưới ánh sáng của Đề cương, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, trong đó có đội ngũ văn nghệ sĩ đã chung tay xây dựng nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam xã hội chủ nghĩa với những thành tựu to lớn, toàn diện. Đề cương đã thực sự trở thành một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của nền văn nghệ dân tộc trong suốt 80 năm qua và đang tiếp tục là kim chỉ nam cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết năm 2023 đánh dấu 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam cũng là dịp Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đánh dấu chặng đường lịch sử 75 năm hình thành, phát triển, đồng hành xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc, hiện thực và nhân văn; phát huy truyền thống văn hiến dân tộc, hội nhập văn minh nhân loại bằng bản sắc độc đáo và những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam qua mấy nghìn năm lịch sử.

"Tọa đàm hôm nay giúp chúng ta nhìn lại chặng đường phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà, chỉ ra những thành tựu, hạn chế trong việc thực hiện tư tưởng chủ đạo của Đề cương là “Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa” nền văn hóa", PSG.TS Đỗ Hồng Quân phát biểu. Ông cho rằng với vai trò là một bộ phận cốt lõi của văn hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ - trí thức cần phải không ngừng vượt lên trong bối cảnh quốc tế và quốc gia biến chuyển mau lẹ, phức tạp với những đòi hỏi, thách thức mới để phát huy những giá trị, ý nghĩa của Đề cương về văn hóa Việt Nam đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

1510112685955fcb0684-16184251-1677764305.jpeg
NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. 

NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội cho rằng, để nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiếp tục có những đóng góp tương xứng với kỳ vọng của Đảng và nhân dân trong nỗ lực chung xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, việc tích cực thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là rất cần thiết. Bên cạnh đó, vấn đề giáo dục văn học, nghệ thuật trong môi trường gia đình, trường học, xã hội; vấn đề chăm lo cho đội ngũ văn nghệ sĩ trong điều kiện mới cũng cần được chú trọng.

NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, văn hoá được quan tâm và đầu tư đúng mức sẽ đồng hành với sự phát triển của đất nước tốt hơn. Văn hóa có điều kiện phát triển khi đất nước có tiềm lực kinh tế: "Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập vấn đề số lượng nhiều nhưng tác phẩm để lại dấu ấn, hay những tác phẩm đi cùng năm tháng chưa có, chưa xuất hiện. Vậy phải tạo ra thần thái của xã hội như thế nào để người nghệ sĩ lại dốc lòng sáng tác? Đầu tư bằng sự quan tâm, bằng lòng tin, bằng kích thích vô hình, cảm nhận của nghệ sĩ, để văn hóa thực sự ngang hàng với kinh tế. Các văn bản, chỉ thị, nghị quyết về văn hóa đã có nhiều, đầy đủ, chỉ là có quyết tâm hay không mà thôi".

Theo ông Biên, trong tình hình đất nước hiện nay, cần quyết liệt chỉ đạo việc thực hiện các nghị quyết đã có của Đảng về văn học nghệ thuật nói riêng và về văn hóa nói chung. Cần có sự đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từ những cơ quan làm văn hóa, quản lí văn hóa và những cơ quan cấp kinh phí. Những thủ tục hành chính rườm rà, phiền nhiều cần loại bỏ. 

"Một chặng đường dài 80 năm, văn hóa Việt Nam đã định hình một bản sắc như hiện nay - vẫn thấm đẫm 6 chữ dân tộc - khoa học - đại chúng. Và tôi nghĩ, cuộc sống xã hội hôm nay với điều kiện và vị thế đã tốt lên rất nhiều, biên độ và khái niệm của 6 chữ đó có thể được rộng mở, nhưng tinh thần và điều xác tín của dân tộc - khoa học - đại chúng vẫn đang đồng hiện trong đời sống văn hóa của đất nước ta", NSND Vương Duy Biên nói.

9543742ae1993bc76288-15300240-1677764305.jpeg
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu. 

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu tại tọa đàm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cho rằng dưới sự tác động mạnh mẽ từ mặt trái của cơ chế thị trường, toàn cầu hóa và nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền văn học, nghệ thuật nước nhà đang đứng trước những khó khăn, thử thách rất lớn và còn không ít hạn chế, yếu kém. Với tinh thần biện chứng, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, từ đó nhận thức rõ yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn phát triển mới.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh 4 yêu cầu được đặt ra để phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đó là tiếp tục nâng cao, thay đổi nhận thức của hệ thống chính trị các cấp về bản chất, đặc trưng của văn học, nghệ thuật, về vị trí của lĩnh vực này đối với sự phát triển bền vững của đất nước; tập trung nghiên cứu, xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam và phát huy mạnh mẽ vai trò của phê bình văn học, nghệ thuật; phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, cải thiện môi trường sáng tạo cho văn nghệ sĩ, đặc biệt cần nuôi dưỡng đội ngũ kế cận; nâng cao năng lực thẩm mỹ của công chúng, nhất là người trẻ.

 

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/van-nghe-si-can-khong-ngung-vuot-len-de-phat-huy-gia-tri-de-cuong-van-hoa-a27467.html