Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, ngày 1/3, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển từ Bình Định đến Phú Yên có gió Đông Bắc mạnh cấp 5-6, giật cấp 7, đêm gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 2-4,5m, biển động mạnh. Vùng biển phía Tây khu vực giữa Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-4,5m, biển động. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Cà Mau và vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 2-4,5m, biển động mạnh. Rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.
Các tỉnh Nam bộ cần chủ động ứng phó với xâm nhập mặn (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: B.T)
Về tình hình xâm nhập mặn khu vực Nam bộ, khu vực hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai, độ mặn 4‰ xâm nhập cách cửa sông khoảng 62-65km. Trên sông Tiền, sông Hậu: độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất từ 35-40km.
Dự báo, từ ngày 5-9/3, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng dần. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 3/2022.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, gió mạnh, sóng lớn trên biển; triều cường, xâm nhập mặn tại các tỉnh Nam Bộ để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; tiếp tục triển khai thực hiện công văn số 66/VPTT ngày 23/2/2023 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai.
Tổ chức trực ban, thường xuyên nắm bắt tình hình thiên tai; báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/theo-doi-chat-che-thong-tin-canh-bao-thien-tai-a27434.html