Đến rồi lại chẳng nỡ rời đi
Sau khi rời quân ngũ (năm 1991), chàng bộ đội phục viên Luân Thanh Trường đã theo học tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP Hồ Chí Minh). Tốt nghiệp ra trường, bác sĩ Luân Thanh Trường có thể chọn công tác tại bệnh viện gần nhà, nhưng anh lại quyết định chọn Cần Giờ - một huyện xa xôi nhất của TP Hồ Chí Minh - còn đang thiếu bác sĩ.
Trong thời gian công tác tại đây, bác sĩ Trường đã tận mắt chứng kiến những khó khăn mà người dân xã đảo Thạnh An đang phải đối mặt trong việc chăm sóc sức khỏe. Vì thiếu bác sĩ nên họ gặp rất nhiều khó khăn khi bị đau ốm, bệnh tật. Điều này đã khơi dậy trong lòng bác sĩ Trường một mong muốn được giúp đỡ và chăm sóc cho bà con nơi đây. Nghĩ là làm, anh đã quyết định rời đất liền và đến với bà con xã đảo Thạnh An.
“Nếu theo đúng phân công của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thì tôi có thể chọn công tác tại bệnh viện gần nhà, nhưng mới ra trường cũng ham chuyện bác sĩ đi tình nguyện luân phiên để được về bệnh viện hạng 1 nên tôi đăng ký về công tác tại xã Lý Nhơn huyện Cần Giờ từ năm 2000. Đến năm 2004, tôi chuyển về công tác tại Trung tâm y tế huyện Cần Giờ được 1 năm và năm 2005 tôi ra xã đảo Thạnh An làm việc”, bác sĩ Luân Thanh Trường kể.
Nhìn về phía những ngôi nhà trên xã đảo, bác sĩ Luân Thanh Trường cười tươi và nói gần 20 năm qua, anh và người dân xã đảo đã trở thành người một nhà. "Thời điểm mới về nhận công tác tại Trạm y tế Thạnh An với muôn vàn khó khăn. Các phương tiện khám chữa bệnh đơn sơ, chỉ có ống nghe, máy đo huyết áp, nhiệt kế; không có điện lưới quốc gia mà chỉ có nhà máy phát điện diesel hoạt động từ 8 giờ sáng đến 12 giờ đêm. Những lúc máy phát điện hư hỏng mất điện, nhiều lúc bác sĩ phải cấp cứu cho bệnh nhân trong ánh sáng đèn pin", bác sĩ Trường nhớ lại thời gian đầu về công tác tại xã đảo Thạnh An.
“Những lúc mất điện mà có trường hợp bệnh nhân điều trị cần phải có điện thì tôi lại phải nhờ đến máy phát điện của người dân. Nhớ có lần một bệnh nhi bị hen phế quản cần dùng máy khí dung nhưng lúc này máy phát điện tại trạm giật không nổ nên tôi đã phải bồng bệnh nhi cùng đi với người nhà cầm theo máy phun khí dung tới một quán nước có máy phát xin điện để dùng máy phun khí dung cho bệnh nhi”, bác sĩ Trường nhớ lại.
Chỉ tay về hướng chiếc canô cấp cứu đang nằm trên sông, bác sĩ Trường kể tiếp: “Trước đây, để cấp cứu cho người dân xã đảo chỉ có một phương tiện duy nhất là ghe. Khi có ca cấp cứu vào ban đêm, chung quanh trời tối mịt mù có thể gặp sự cố bất cứ lúc nào, như vướng lưới ngư dân, dông, bão, hư hỏng… giờ thì đỡ hơn rồi”.
"Cũng có lúc băn khoăn về việc chuyển về lại nội thành để có cơ hội học tập, nâng cao tay nghề nhưng rồi vẫn quyết định ở lại vì tôi thấy đời sống người dân còn khó khăn quá, cần lắm một bác sĩ và quan trọng là cái tình của người dân ở đây quá sâu nặng", bác sĩ Trường chia sẻ.
Người dân ở xã đảo Thạnh An mưu sinh nhờ đánh bắt xa bờ hoặc làm muối, đa phần là những người lao động nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn. Có những lần bác sĩ Trường thấy bà con có hoàn cảnh khó khăn, anh đã miễn tiền thuốc và còn lấy tiền túi mình để hỗ trợ thêm.
Mong ước diện mạo mới cho xã đảo
Không chỉ đợi người dân đến Trạm y tế khám, bác sĩ Trường còn lặn lội đến tận nhà khám bệnh cho những bệnh nhân lớn tuổi hay bị bệnh nặng. Không những thế, vì thương người dân ở ấp Thiềng Liềng phải khó khăn, vất vả mỗi khi đi khám bệnh, bác sĩ Trường đã tổ chức những chuyến đến khám bệnh cho người dân trên ấp này. Bác sĩ Trường cho biết, một ngày từ ấp Thiềng Liềng đến Thạnh An chỉ có một chuyến đò sáng - chiều, nhiều trường hợp người dân phải thuê phương tiện đi về với chi phí 300.000 đồng/ngày.
Mong muốn duy nhất của bác sĩ Trường là Trạm y tế được khang trang hơn, có thể trang bị thêm phòng mổ, trạm cấp cứu bằng đường thủy với đầy đủ thiết bị cấp cứu… Bác sĩ Luân Thanh Trường phấn khởi cho biết, tuy vẫn còn gặp khó khăn, nhưng những năm gần đây, Trạm y tế Thạnh An cũng đã được đầu tư rất nhiều.
Theo đó, Trạm y tế đã có máy đo điện tim, máy siêu âm, máy huyết học, máy X-quang kỹ thuật số có tích hợp trí tuệ nhân tạo giúp việc chẩn đoán, tiên lượng bệnh tốt hơn. Đặc biệt, cho đến thời điểm hiện nay, đã có nhiều bác sĩ trẻ của nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ năng lực y tế cho xã đảo Thạnh An do Sở Y tế phát động, đã mang đến một luồng sinh khí mới, sức trẻ, nhiệt huyết cho xã đảo.
“Kể từ khi có thêm bác sĩ trẻ ở thành phố về đây công tác và Trạm y tế được đầu tư nhiều trang thiết bị, người dân đến khám tại Trạm đã tăng hơn rất nhiều; giảm bớt gánh nặng khi bệnh nhân không phải vào các bệnh viện trong thành phố để khám bệnh. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy sự tin tưởng của người dân đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe của Trạm”, bác sĩ Trường nói.
Là một trong những bác sĩ đầu tiên tham gia tình nguyện luân chuyển đến xã đảo Thạnh An, bác sĩ Phạm Hải Việt Tỷ, công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cho biết, tuy chỉ với thời gian rất ngắn đến xã đảo nhưng anh đã học hỏi được rất nhiều kỹ năng xử lý các tình huống chuyên môn trong cộng đồng, hiểu rõ hơn các nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân; thông cảm và chia sẻ các khó khăn mà người dân nghèo đang gặp phải trong cuộc sống nơi đảo xa và nhất là học thêm được nhiều kỹ năng ứng xử xã hội.
Kể về những ngày làm việc tại Trạm y tế xã Thạnh An, bác sĩ Nguyễn Văn Chiến (30 tuổi) công tác tại Bệnh viện Nhân Ái cho biết, dù cuộc sống có khác biệt nhiều so với trong đất liền, các dịch vụ, vui chơi, quán ăn hạn chế nhưng chính sự yên bình nơi đây, sự gần gũi, tình cảm của người dân đã tạo gắn kết các bác sĩ với xã đảo.
“Đây là lần đầu tiên tôi quyết định làm việc tại một xã đảo xa đất liền, thời gian đăng ký tình nguyện đúng vào dịp Tết và cũng là năm đầu tiên tôi đón Tết xa nhà. Tôi muốn trải nghiệm nơi làm việc mới và muốn đóng góp tuổi trẻ, sự nhiệt huyết của mình khi chăm sóc sức khỏe cho bà con nơi xã đảo”, bác sĩ Nguyễn Văn Chiến bộc bạch.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, khó khăn của xã đảo Thạnh An là chỉ có 8 nhân viên y tế chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe hơn 5.000 dân. Cơ sở vật chất của Trạm y tế còn thiếu thốn, diện tích chật hẹp, thiếu bác sĩ và kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ chuyên khoa phục vụ cấp cứu ngoại, sản...
Để nâng cấp Trạm y tế xã đảo Thạnh An, Sở Y tế đã tổ chức đưa các bác sĩ trẻ tình nguyện đăng ký đợt ra quân đầu tiên chăm sóc sức khỏe cho người dân xã đảo; đồng thời, máy X-quang tại giường hiện đại (thế hệ mới nhất) được tích hợp phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) giúp phát hiện 95 bất thường thường gặp trên phim X-quang phổi chỉ trong vòng 10 giây cũng sẽ được đưa ra đảo phục vụ người dân.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nhung-bac-si-roi-pho-ve-voi-ba-con-xa-dao-a27377.html