Nghị định 71 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 với nhiều điểm mới đáng chú ý về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ truyền hình, phát thanh như: cho phép dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet (OTT TV) được cung cấp đến người Việt Nam mà không buộc phải cung cấp kênh chương trình như các dịch vụ truyền hình truyền thống; về quản lý biên tập nội dung theo yêu cầu (VOD) thích ứng với tính chất, đặc điểm của loại hình dịch vụ OTT TV VOD, phân nhóm nội dung để có các quy định biên tập phù hợp.
Nghị định cũng bổ sung quy định làm rõ dịch vụ truyền hình xuyên biên giới phải được quản lý theo quy định của Nghị định, bổ sung quy định cho phép duy trì dịch vụ truyền hình cáp tương tự theo nhu cầu thị trường...
Hiện nay, hoạt động liên kết sản xuất chương trình chủ yếu tập trung ở các đài truyền hình, phát thanh lớn với hình thức liên kết sản xuất theo chương trình và liên kết sản xuất toàn bộ kênh. Qua đó, giúp các đài có thêm chương trình, nội dung đáp ứng nhu cầu đa dạng của khán giả và có thêm nguồn thu.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động này cũng còn những hạn chế nhất định như thực hiện không đúng tôn chỉ mục đích, nội dung, biểu tượng kênh; để lọt nội dung nội dung phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục của Việt Nam… Vì thế, Nghị định 71 cũng bổ sung quy định để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí phát thanh, truyền hình trong thực hiện liên kết sản xuất chương trình, đảm bảo các chương trình liên kết được biên tập, phân loại trước khi phát sóng hoặc cung cấp đến các nền tảng truyền thông số khác.
Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, các quy định mới này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ tham gia thị trường, còn các doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ vẫn hoạt động bình thường. Việc phân loại nội dung để quản lý sẽ khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất nội dung phát triển; nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình sẽ phong phú hơn.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đánh giá, hiện nay đa số đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này đều hoạt động tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, có giấy phép hoạt động nên ít bị ảnh hưởng bởi các điểm sửa đổi, bổ sung ở Nghị định 71. Chỉ có quy định mới về liên kết sản xuất chương trình phát thanh truyền hình và biên tập, phân loại nội dung theo yêu cầu (VOD) là ảnh hưởng trực tiếp đến các đơn vị.
Nội dung này Bộ đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư hướng dẫn nguyên tắc biên tập, trên cơ sở đó sẽ sớm ban hành để các đơn vị thực hiện. Thông tư hướng dẫn sẽ được xây dựng sửa đổi bổ sung theo tinh thần của Nghị định 71/2022/NĐ-CP. Nhà nước chỉ đưa ra nguyên tắc, tiêu chí hướng dẫn để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và cơ quan báo chí có giấy phép biên tập nội dung có thể tự làm nhiệm vụ; cùng với đó, Thông tư cũng được thực hiện với tinh thần trao quyền, trao trách nhiệm cho người sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình nhiều hơn.
“Chính sách mới cũng phân định rõ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Chúng ta chuyển dần quan điểm quản lý từ việc hạn chế, cấm cản sang cảnh báo để người sử dụng dịch vụ chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, có những nội dung, hành vi vẫn phải cấm như nội dung nhạy cảm chính trị, sai quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, xuyên tạc lịch sử… Từ quan điểm quản lý này, bản thân người sử dụng dịch vụ cũng có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ mình và người thân khi lựa chọn, sử dụng các dịch vụ phát thanh, truyền hình” – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ.
Tin, ảnh: Thu Hoài
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tang-quyen-va-trach-nhiem-cua-nguoi-su-dung-dich-vu-phat-thanh-truyen-hinh-a27352.html