Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo, cho trẻ chơi hạt nở vô cùng nguy hiểm bởi trẻ có thể nuốt vào bụng gây tắc ruột, rơi vào đường thở gây bít đường thở. Thực tế đã có nhiều trường hợp trẻ bị tắc ruột do nuốt phải hạt nở.
Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh tiếp nhận bé gái N.T.T (13 tháng tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) trong tình trạng nôn sữa và dịch sau khi bú, quấy khóc. Nhập viện theo dõi, các bác sĩ ghi nhận bé nôn 1-2 lần ra sữa và dịch trong, thỉnh thoảng quấy khóc. Hình ảnh siêu âm bụng cho thấy, các quai ruột giãn, ứ dịch, chụp X-Quang ghi nhận hình ảnh tắc ruột non. Sau đó bé quấy khóc nhiều hơn, nôn dịch vàng sau bú 4-5 lần, bụng chướng tăng dần, các bác sĩ chỉ định chụp CT-scan bụng.
Kết quả cho thấy, các quai ruột non giãn lớn, có một đoạn ruột xẹp nằm giữa hai đoạn ruột giãn, đại tràng xẹp, thành quai ruột mỏng. Em bé được mổ khẩn. Khi đưa ruột ra kiểm tra, các bác sĩ nhận thấy ở đoạn ruột non giãn lớn, có 1 dị vật cứng khoảng 2x3cm, chiếm toàn bộ lòng ruột, khúc ruột phía dưới xẹp. Lấy dị vật ra thì đó là một hạt nở đang phình to, bít đường ruột gây nên tình trạng tắc ruột. Theo các bác sĩ, em bé may mắn thoát nguy cơ thủng ruột, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân. Em bé được xuất viện sau khi ổn định vết mổ.
Thời gian trước, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận một số trường hợp trẻ nuốt hạt nở và bị tắc ruột. Bác sĩ Trần An Hải Đăng, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, hạt nở là những hạt nhựa nhỏ li ti, có đường kính khoảng 5mm và có nhiều màu sắc sặc sỡ, dùng làm đồ chơi hoặc thay thế đất để trồng cây. Do có công thức hóa học là một polimer có chứa tinh bột nên kích thước hạt có thể tăng 100-200 lần khi ngâm nước. Trẻ em nuốt phải hạt nở vô cùng nguy hiểm bởi hạt sẽ trương nở to trong lòng ruột và lấp đầy lòng ruột khiến cho thức ăn và dịch tiêu hóa không thể đi qua được, gây tắc ruột. Trẻ sẽ có biểu hiện đau bụng từng cơn, quấy khóc, nôn ói, bụng chướng và không đi tiêu được. Không chỉ có nguy cơ gây tắc ruột mà hạt nở còn có thể bít đường thở nếu rơi vào đường hô hấp, gây tử vong.
Ngoài ra, một tác hại khác khi nuốt phải hạt nở chính là nguy cơ gây ngộ độc. Một số nhà sản xuất vì chạy theo lợi nhuận đã cố tình thay đổi thành phần chất có thể gây độc là 1,4-butanediol. Sau khi nuốt phải, chất này có thể chuyển hóa thành một loại thuốc mê. Với liều lượng thấp, trẻ có thể bị nôn ói, chóng mặt, nhìn mờ. Còn khi nuốt phải lượng nhiều hơn, trẻ có thể bị co giật, lú lẫn hoặc rơi vào hôn mê.
Do đó, phụ huynh cần thận trọng, lựa chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được kiểm định an toàn với trẻ. Những vật nhiều màu sắc sặc sỡ có thể làm trẻ thích thú và nuốt phải như hạt nở cần để xa tầm tay của trẻ. Khi thấy hoặc nghi ngờ trẻ nuốt phải hạt nở, cần đưa đến cơ sở y tế, bệnh viện để theo dõi và can thiệp khi cần thiết.
Tin, ảnh: Đinh Hằng (TTXVN)
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/canh-bao-nguy-hiem-khi-tre-nuot-do-choi-hat-no-a27210.html