Hình ảnh virus cúm gia cầm. Ảnh: Herald Sun. |
Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) xác nhận ít nhất 60 quốc gia đã trải qua đợt bùng phát cúm A H5N1 trong thời gian gần đây, Wired cập nhật ngày 16/2.
Uruguay và Argentina đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe quốc gia sau khi bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1. Đây cũng là lần bùng dịch H5N1 đầu tiên tại 10 quốc gia vùng Nam Mỹ.
Trước sự bùng phát mạnh mẽ của dịch bệnh này, đặc biệt là sự lây nhiễm virus nhanh hơn trong quần thể chim hoang dã, khả năng cúm gia cầm gây bệnh cho con người cũng được các nhà khoa học cảnh báo.
Virus cúm gia cầm "rất giỏi" biến đổi
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tính đến 15/2, dịch cúm gia cầm đã và đang càn quét tại quốc gia này, lây nhiễm cho hơn 58,3 triệu gia cầm và 6.192 loài chim hoang dã ở đây.
Mặc dù cúm gia cầm dễ lây lan, tiến sĩ Christian Sandrock, Phó giám đốc khoa Nội tại UC Davis Health (Mỹ), cho rằng loại cúm này không gây nguy hiểm nghiêm trọng cho con người. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa con người không nhiễm virus cúm gia cầm.
"Thậm chí, con người có thể tử vong vì cúm gia cầm. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ xảy ra khi virus cúm gia cầm có sự tiến hóa", ông nói với Fox News Digital.
Theo ông Sandrock, nguy cơ lây lan tăng lên khi một chủng cúm gia cầm trộn lẫn với một loại virus cúm khác “thân thiện với con người” hơn, tạo nên một loại virus mới mạnh và dễ lây truyền hơn.
Bà Erica Susky, bác sĩ kiểm soát dịch tại Canada, cũng cho rằng không loại trừ khả năng virus cúm gia cầm có thể lây truyền sang người.
"Virus cúm rất giỏi trong việc biến đổi và tái tổ hợp. Nếu có sự tiếp xúc lặp đi lặp lại giữa các loài, việc xuất hiện một chủng virus lây lan sang người là điều hoàn toàn có thể", bà cho biết.
Tỷ lệ tử vong trên 50%
Theo tạp chí Wired, virus H5N1 lần đầu tiên lây từ chim sang người vào năm 1997 tại Hong Kong (Trung Quốc), làm 18 người mắc bệnh, 6 người trong đó tử vong.
Kể từ đó, các biến thể của H5N1 lây nhiễm định kỳ hàng năm cho người. Tính đến năm 2022, Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận 868 trường hợp mắc cúm gia cầm ở người và 457 trường hợp tử vong.
Tỷ lệ tử vong vì cúm gia cầm trên người là 52%. Tỷ lệ này dù cao, virus này vẫn chưa đủ mạnh để dễ dàng lây lan từ người sang người và tạo ra các đợt bùng phát lớn.
Bà Susky cho biết nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm virus cúm gia cầm cao nhất là những người tiếp xúc trực tiếp với gia cầm nhiễm bệnh trong quá trình giết mổ và sơ chế chúng.
"Cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro là tránh tiếp xúc với chim và động vật hoang dã", bà nói với Fox News.
Tỷ lệ tử vong do virus cúm gia cầm ở người lên đến 52%. Ảnh: iStock. |
Cụ thể, chuyên gia kiểm soát dịch tại Canada cho rằng những người thường xuyên làm việc với chim hoặc các động vật tương tự nên được đào tạo về cách sử dụng thiết bị bảo hộ như găng tay, tạp dề, kính mắt, ủng cao su, khẩu trang... để giảm thiểu khả năng tiếp xúc với động vật và chất thải của chúng.
Những người cho gia cầm ăn cũng nên giữ khoảng cách với chuồng nuôi hoặc ngừng nuôi hoàn toàn nếu phát hiện ca bệnh trong khu vực.
"Những người chăn nuôi gà ở sân sau nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa hơn nữa, như giữ gà trong nhà để bảo vệ chúng khỏi phân chim hoang dã, thứ có thể lây lan virus", bà nói.
Nếu bắt gặp một con chim bị bệnh hoặc chết, mọi người nên tránh chạm vào nó và liên hệ với chính quyền địa phương.
"Một con vật đang mắc bệnh có thể có các hành vi bất thường, ngoan ngoãn với con người và được tìm thấy ở những nơi chúng không thường thấy", ông JD Bergeron, Giám đốc điều hành của Tổ chức Cứu hộ chim Quốc tế, thông tin.
Đến nay, CDC Mỹ đã xác định được 5 chủng cúm gia cầm đã lây nhiễm sang người bao gồm H5N1, H6N1, H7N9, H9N2 và H10N3. Trong đó, chủng H5N1 được cho là mạnh và gây thiệt hại nặng nề nhất.
"H5N1 đã lây lan rộng rãi ở các loài chim và gia cầm hoang dã trong 25 năm, nhưng sự lây lan gần đây sang động vật có vú cần được theo dõi chặt chẽ", Lisa Steele, một chủ trang trại ở Maine, nói với Fox News.
Theo Zing
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/zing-newstap-chi-tri-thuc-truc-tuyen-a27200.html