Trong những năm vừa qua, Ngành công nghiệp làm đẹp đã và đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Nhiều quốc gia đã thúc đẩy ngành làm đẹp trở thành ngành công nghiệp chiến lược, tạo ra hàng nghìn công ty mới với hàng triệu việc làm và mang về doanh thu hàng chục tỷ USD.
Tại Việt Nam, ngành chăm sóc sắc đẹp dù có bước khởi đầu chậm hơn các quốc gia khác trong khu vực nhưng cũng đang tăng trưởng không ngừng. Hàng nghìn doanh nghiệp, trung tâm đào tạo và các spa, phòng khám, bệnh viện hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ được mở ra và phát triển nhanh chóng. Nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá thập kỷ tới sẽ là “thập kỷ vàng” của ngành spa cũng như ngành thẩm mỹ, là cơ hội tốt cho các startup làm đẹp phát triển.
Tuy nhiên, song song với những cơ hội là không ít thách thức, khi nhiều cơ sở thẩm mỹ chưa có đủ hệ thống trang thiết bị, công nghệ chưa hiện đại. Đặc biệt sự thiếu hụt về đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực làm đẹp đã từng dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Chia sẻ tại cuộc họp báo, TS. Đinh Việt Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia cho biết: “Đại hội Công nghiệp ngành làm đẹp Quốc gia lần thứ nhất là nơi để chúng ta triển khai, luận bàn về các định hướng, chiến lược phát triển của ngành làm đẹp Việt Nam, từ đó khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tạo nhiều việc làm mới để đóng góp cho ước mơ, khát vọng Việt Nam”.
Đại hội dự kiến đón tiếp khoảng 2.000 đại biểu đến từ các viện, trường, các tổ chức làm đẹp trong nước và nước ngoài, cũng như các nhà quản lý trong lĩnh vực công nghiệp làm đẹp và chăm sóc sức khỏe. Đây được coi là cơ hội tốt để những doanh nghiệp trong ngành cùng kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm khả năng hợp tác kinh doanh.
Tham dự buổi họp báo, TS. Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trọng tài Quốc tế Việt Nam đánh giá rằng cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, sức đẹp của người Việt đang đi lên, mở ra thị trường tiềm năng cho ngành công nghiệp làm đẹp. Tuy vậy, ngành này tại Việt Nam vẫn còn có khoảng cách khá xa so với các nước phát triển, cả về công nghệ lẫn chất lượng.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực làm đẹp, cũng như tạo nhiều chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp thẩm mỹ ở Việt Nam.
“Chúng ta rất hoan nghênh Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia đã có sáng kiến tổ chức Đại hội Công nghiệp ngành làm đẹp Quốc gia lần đầu tiên. Hy vọng Đại hội sẽ là điểm khởi đầu cho một kế hoạch, một chương trình tổng thể thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp thẩm mỹ trong nền kinh tế Việt Nam”, TS Lộc bày tỏ.
Đại hội sẽ tập trung chia sẻ thông tin về các vấn đề sau: Báo cáo tổng quan về ngành làm đẹp hiện nay, kinh nghiệm từ một số quốc gia và đề xuất định hướng phát triển cho ngành công nghiệp làm đẹp Việt Nam; Trưng bày, chia sẻ công nghệ và kỹ thuật thẩm mỹ mới nhất; cũng như các chiến lược kinh doanh, marketing, xử lý khủng hoảng truyền thông...; Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp kinh doanh ngành thẩm mỹ, xúc tiến bàn tròn đầu tư trong nước và quốc tế.
T.Hằng