Từng bước thích ứng
Bến Tre nằm cuối nguồn sông Cửu Long với chiều dài bờ biển trên 65km và vùng biển đặc quyền kinh tế gần 20.000km2, có hệ sinh thái vùng ngập mặn ven bờ và đa dạng, tài nguyên với tiềm năng về đất đai, khoáng sản, rừng nguyên sinh, biển đảo, sông rạch. Vị trí và điều kiện tự nhiên đã tạo cho Bến Tre nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế theo hướng toàn diện, trọng tâm là phát triển kinh tế biển và điều kiện giao thương tương đối thuận lợi với các tỉnh, thành trong khu vực.
Tuy vậy, BĐKH tác động gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống sản xuất, đặc biệt là vấn đề sạt lở, sụt lún khiến mất đất đô thị và thiệt hại về tài sản, sinh kế của người dân nơi đây. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh Bến Tre tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp để chủ động ứng phó, nhằm góp phần ổn định sản xuất và đời sống của người dân. Trong đó, tập trung truyền thông, nâng cao nhận thức; thông tin, cảnh báo thiên tai; hỗ trợ sinh kế, nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH cho người dân.
Ngoài ra, Bến Tre cũng đã đầu tư xây dựng nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao năng lực ngăn mặn và triều cường, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và phục vụ dân sinh. Tỉnh cũng đã xác định 101 nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án, hoạt động trọng tâm cụ thể, trong đó, điển hình là tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; đồng thời, đẩy mạnh và phát huy hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH.
Tăng tỷ lệ đô thị hóa
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 triển khai ít nhất 500ha các dự án đô thị. Theo đó, các địa phương trong tỉnh xác định đây là một trong những công trình, dự án trọng điểm của tỉnh cần tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện. Việc đầu tư phát triển khu đô thị mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thương mại dịch vụ, du lịch, tích cực cải thiện đời sống nhân dân, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị ngày càng hoàn chỉnh, kiến trúc cảnh quan sống văn minh, hiện đại.
Ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: Thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề về xã hội, thích ứng với BĐKH, bảo vệ môi trường, đưa tỉnh Bến Tre phát triển nhanh, bền vững, tỉnh sẽ tập trung xây dựng bản quy hoạch với các phương án phát triển, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, Bến Tre quy hoạch phát triển 3 vùng kinh tế: Vùng Bắc sông Hàm Luông, vùng Nam sông Hàm Luông và vùng ven biển; 5 hành lang kinh tế, gồm: 3 hành lang phát triển theo hướng Tây - Đông, 2 hành lang phát triển theo hướng Bắc - Nam; phấn đấu đến năm 2030, Bến Tre sẽ có tỷ lệ đô thị hóa đạt 50% với 37 đô thị.
Bến Tre cũng sẽ đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, phát triển các đô thị trung tâm, ven biển; thu hút đầu tư các trung tâm thương mại tại các thị trấn, thị tứ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu đô thị loại IV, V theo quy hoạch tại các vùng ven biển, phát triển không gian biển gắn với hình thành các khu đô thị thương mại - du lịch ven biển với những mô hình thuận thiên theo hướng đô thị xanh, thông minh, bền vững.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/ben-tre-huong-toi-mo-hinh-do-thi-thuan-thien-a26992.html