Một tuần sau thảm họa động đất Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Kỳ tích và những hy vọng mong manh

Một tuần sau khi trận động đất kinh hoàng làm rung chuyển khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, số người thiệt mạng đã tăng lên gần 34.000 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng hơn nữa, khi hy vọng tìm thấy nạn nhân sống sót rất mong manh.

Chú thích ảnh Khung cảnh hoang tàn sau trận động đất ở thị trấn Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters

Vẫn có kỳ tích giữa cảnh hoang tàn

Theo hãng tin Reuters (Anh), một tuần kể từ khi xảy ra trận động đất kinh hoàng khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, giữa cảnh hoang tàn và tuyệt vọng bao trùm, vẫn có những trường hợp sống sót thần kỳ, thắp lên tia hy vọng cứu thêm được nhiều người bị chôn vùi dưới những đống đổ nát.

Ngày 13/2, lực lượng cứu hộ đã đưa một người phụ nữ còn sống ra khỏi đống đổ nát của một tòa nhà bị sập ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cô Sibel Kaya, 40 tuổi, đã được giải cứu thành công sau khoảng 170 giờ xảy ra trận động đất đầu tiên ở tỉnh Gaziantep.

Trong khi đó, ở Kahramanmaras, các nhân viên cứu hộ đã liên lạc được với ba người sống sót khác trong đống đổ nát của một tòa nhà - gồm một đứa trẻ sơ sinh 30 ngày tuổi, mẹ và bà ngoại của em. Nhân viên đội cứu hộ đã phải đào đường hầm để tiếp cận họ. 

Cùng khu vực đó, lực lượng cứu hộ đang cố gắng tiếp cận những người bị nạn bao gồm một thành viên Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, một thợ mỏ và nhân viên cứu hộ Tây Ban Nha.  Sĩ quan kỹ sư Halil Kaya cho biết chính những chú chó nghiệp vũ đã tìm ra họ và cảnh báo cảnh báo có sự sống bên trong đống đổ nát.

Anh Kaya nói rằng máy quét thân nhiệt cho thấy có người còn sống, cách tòa nhà khoảng 5 mét, và sau đó họ phát hiện âm thanh yếu ớt. Lực lượng cứu hộ phải đào khoảng 3 mét xuyên qua một tòa nhà lân cận, dựng các cọc đỡ để đảm bảo an toàn.

“Khi chúng tôi nói hãy gõ vào tường nếu bạn có thể nghe thấy tiếng chúng tôi, chúng tôi đã nghe thấy tiếng gõ nhẹ. Các đồng nghiệp của chúng tôi đều ở đây làm việc suốt 24 giờ không ngủ. Tất cả chúng tôi sẽ ở đây cho đến khi đưa được họ ra khỏi đó”, anh Kaya nói. 

Chú thích ảnh Tòa nhà bị hư hại nặng nề sau trận động đất ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters

Theo Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga, hôm 12/2, các đội cứu hộ từ Nga, Kyrgyzstan và Belarus đã đưa được một người đàn ông còn sống ra khỏi một tòa nhà bị sập ở Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 160 giờ sau khi trận động đất xảy ra.

Tính đến ngày 13/2, số người thiệt mạng vì động đất ở cả hai quốc gia đã tăng lên gần 34.000 người. Trong khi đó, Liên hợp quốc cho biết trên 4.300 người đã thiệt mạng và 7.600 người bị thương ở Tây Bắc Syria tính đến cùng thời điểm.

Nỗi lo an ninh, dịch bệnh sau thảm họa 

Tại quận trung tâm Antakya – một trong những nơi bị tàn phá nặng nề nhất ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ - các chủ doanh nghiệp đã phải dọn sạch cửa hàng đề phòng kẻ gian cướp bóc hàng hóa.

Người dân và nhân viên cứu hộ từ các thành phố khác cho biết điều kiện an ninh ngày càng tồi tệ, khi nhiều tài sản của các doanh nghiệp và những ngôi nhà bị sập đã bị lấy đi.

Chú thích ảnh Cậu bé đến nhận đồ ăn viện trợ ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters

Trước nỗi lo về vấn đề vệ sinh và sự lây lan của dịch bệnh trong khu vực, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca hồi cuối tuần trước cho biết giới chức đã gửi vaccine phòng bệnh dại và uốn ván đến vùng gặp thảm họa và các hiệu thuốc lưu động đã bắt đầu hoạt động ở đó.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói rằng Chính phủ sẽ kiên quyết đối phó với những tên tội phạm cướp bóc, khi ông phải đối mặt với các câu hỏi về phản ứng sau trận động đất trước cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 6 tới. Dự kiến đây sẽ là cuộc bầu cử khó khăn nhất trong 2 thập kỷ cầm quyền của ông Erdogan.

Trận động đất vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ là thảm họa thiên nhiên gây chết người nhiều thứ 6 trong thế kỷ này, sau trận động đất năm 2005 khiến ít nhất 73.000 người ở Pakistan thiệt mạng.

Từ đống đổ nát của các tòa nhà bị sập, người cha và hai con gái – một bé 10 tuổi và một bé mới biết đi – đã được đưa lên khỏi đống đổ nát. Đây chỉ là một trong số ít những kỳ tích khi số người tử vong tăng lên không ngừng sau trận động đất. 

Trong bầu không khí tang thương gần Reyhanli, nhiều phụ nữ đã không thể cầm được nước mắt đau đớn nhìn những thi thể đang được đưa xuống từ xe tải. Một số thi thể được đặt trong quan tài gỗ đóng kín, nhiều thi thể khác chỉ được đặt trong quan tài khôngcó nắp và vẫn còn những người chỉ được quấn trong những tấm chăn.

Chú thích ảnh Đội tìm kiếm và cứu hộ làm việc tại một tòa nhà bị sập ở Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters

Song giữa cảnh tượng tưởng chừng như ngày tận thế, một số người vẫn hy vọng họ có thể lấy được những gì còn sót lại sau thảm họa tàn khốc. 

Ở Elbistan, nơi hứng chịu dư chấn mạnh ngang với trận động đất có độ lớn 7,8, anh  Mustafa Bahcivan, chủ cửa hàng điện thoại di động 32 tuổi, cho biết hầu như ngày nào anh cũng đến thành phố này kể từ sau trận động đất. Mustafa cố gắng tìm kiếm những chiếc điện thoại còn nguyên vẹn trong đống đổ nát và có thể bán được.

“Đây từng là một trong những con phố nhộn nhịp nhất. Giờ nó hoàn toàn biến mất”, Bahcivan nói.

Hoạt động viện trợ cho Syria gặp khó khăn

Chú thích ảnh Người dân sưởi ấm bên đống lửa khi công tác tìm kiếm những người sống sót vẫn diễn ra ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được viện trợ, hỗ trợ từ hàng chục quốc gia, thì hoạt động viện trợ cho Syria lại đang gặp nhiều khó khăn, làm dấy lên lo ngại rằng các nạn nhân ở phía bên kia biên giới có thể bị bỏ rơi.

Ở Syria, thảm họa đã gây hậu quả nặng nề nhất ở vùng Tây Bắc – khu vực do quân nổi dậy kiểm soát, khiến nhiều người dân một lần nữa trở thành người vô gia cư. Trước đây, họ đã phải di cư nhiều lần bởi cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ. Trong khi đó, khu vực này nhận được rất ít hàng viện trợ so với các khu vực do Chính phủ kiểm soát.

“Chúng tôi đã làm người dân ở Tây Bắc Syria thất vọng”, ông Martin Griffiths, Giám đốc viện trợ của Liên hợp quốc cho biết trên Twitter từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, nơi chỉ có một cửa khẩu duy nhất mở cửa cho các chuyến hàng viện trợ của Liên hợp quốc. “Họ cảm thấy bị bỏ rơi một cách đúng nghĩa”, ông Griffiths nói, đồng thời cho biết thêm rằng giới chức đang tập trung giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng.

Trong khi đó, Mỹ đã kêu gọi Chính phủ Syria và tất cả các bên lập tức cấp quyền tiếp cận nhân đạo cho tất cả những người dân có nhu cầu.

Bà Aya Majzoub - Phó giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông và Bắc Phi của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói: “Không được quên người dân Syria. Những người chịu thiệt hại nặng nề nhất do thiên tai là những người vốn đã dễ bị tổn thương”.

Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Geir Pedersen cho biết Liên hợp quốc đang kêu gọi viện trợ để hỗ trợ Syria. Ông nói: “Chúng tôi đang cố gắng nói với mọi người rằng: Hãy gạt chính trị sang một bên, đây là lúc để đoàn kết vì nỗ lực chung nhằm hỗ trợ người dân Syria”.

Theo báo Tin tức

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/mot-tuan-sau-tham-hoa-dong-dat-tho-nhi-ky-va-syria-ky-tich-va-nhung-hy-vong-mong-manh-a26840.html