Ông Nguyễn Đăng Khiêm (Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Xô) cho biết, trong thời điểm Hà Nội đang bước vào mùa “nồm”, độ ẩm không khí có lúc lên tới 90-98%, gần như đạt đến mức độ bão hòa. Độ ẩm quá cao ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là người già và trẻ em. Những người có tiền sử dị ứng rất có nguy cơ khởi phát các bệnh như nổi mề đay, hen, viêm phế quản, bệnh phổi mãn tính. Đồng thời, tình hình thời tiết khiến virus tăng sinh nhanh, đặc biệt trong thức ăn, dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa, viêm dạ dày; nếu trở nặng thì buộc phải nằm viện. Nếu mắc phải viêm phổi, người già có thể phải nằm viện điều trị 2-3 tuần.
Mặt khác, thời tiết nồm ẩm làm tăng tình trạng đau cơ, đau xương khớp của người già. Thời tiết nồm ẩm khiến nền nhà trơn trượt. Người già và trẻ em có mức độ thăng bằng kém, cần phải chú ý để tránh nguy cơ té ngã, gây nên chấn thương cột sống, gãy cổ xương đùi.
Bác sỹ cho biết, bệnh viện Hữu nghị Việt Xô không ghi nhận các trường hợp sốt xuất huyết. Thời điểm này đã qua mùa mưa lớn, các ổ nước đọng không còn nhiều để ấu trùng muỗi phát triển để gây nên dịch bệnh.
Tuy nhiên, các bệnh tật khác về đường hô hấp, hệ tiêu hóa và xương khớp vẫn là những vấn đề đáng quan tâm, cần được chú trọng trong thời điểm này.
Theo bác sỹ, để phòng bệnh trong mùa nồm, mọi người phải chú ý theo dõi dự báo thời tiết để có sự chuẩn bị trước sự thay đổi bất thường về thời tiết. Cần mang mũ áo để đề phòng thời tiết chuyển biến xấu trong ngày. Nhóm người có bệnh nền nên đi tiêm phòng cúm, tiêm phòng phế cầu để tránh làm bùng phát bệnh dịch trong những giai đoạn đỉnh điểm của mùa dịch.
Tại không gian sinh hoạt gia đình, bác sỹ có một số lưu ý sau:
Thứ nhất, phải giữ được nhà cửa khô ráo. Thường xuyên bật điều hòa và máy hút ẩm trong nhà để cân bằng độ ẩm trong không khí. Nên lưu ý nhiệt độ của điều hòa; vì trong một số trường hợp, sự chênh lệch nhiệt độ, độ ẩm có thể gây nên các bệnh lý khác, đỡ chuyển biến thành các trường hợp sốc nhiệt.
Thứ hai, nên đóng kín cửa để giúp không khí bên ngoài không lọt vào trong nhàm nhằm phòng tránh các mầm mống bệnh tật đến từ bên ngoài. Trong sinh hoạt hằng ngày, mọi người nên dùng các sản phẩm sát trùng nhẹ hoặc sấy khô quần áo để tiêu diệt vi khuẩn, nấm mốc tồn tại trên da, đặc biệt đối với những người có bệnh về da liễu. Đồ ăn thức uống cũng cần được bảo quản đúng cách trong tủ lạnh, đề phòng vi khuẩn sinh sôi.
Thứ ba, cần chú ý chăm sóc cho người già và trẻ em trong thời điểm này. Đây là nhóm người có chức năng giữ thăng bằng kém, cần có tay vịn, có người nâng đỡ khi đi lại để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Đồng thời, người nhà nên chú ý lựa chọn các nguyên liệu nấu ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng, bổ sung các loại vitamin khi cần thiết. Nếu chẳng may mắc bệnh, người nhà nên đi thăm khám, dùng thuốc đúng liều, ăn uống đầy đủ để tăng cường sức đề kháng. Cần có dinh dưỡng để chuyển hóa thuốc trong cơ thể; do vậy, vấn đề dinh dưỡng nên được ưu tiên hàng đầu.
“Đông y và Tây y đều có những mặt lợi hại của riêng nó. Thực phẩm chức năng, cũng giống như các phương thuốc Đông y cũng là một lựa chọn tốt để điều hòa sức khỏe. Tuy nhiên, mọi người cần phải tham vấn ý kiến của chuyên gia, bác sĩ trước khi sử dụng; để sử dụng thực phẩm chức năng xen kẽ với chế độ ăn dinh dưỡng, đủ chất” - bác sỹ Nguyễn Đăng Khiêm nói.
Bác sỹ dẫn chứng như việc điều trị bệnh xương khớp cần phải có chuyên gia, đúng chuyên khoa. Bởi vì các thuốc điều trị khớp cần cần dựa trên tình trạng riêng của các bệnh nhân, có bác sĩ chuẩn đúng bệnh mới có thể tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất. Bác sĩ mới là người hiểu tình trạng bệnh nhân để quyết định xem loại thuốc nào, thực phẩm nào mới phù hợp với người bệnh. Không nên lạm dụng các sản phẩm chức năng đang được quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, dẫn đến hậu quả khôn lường cho sức khỏe sau này.
Theo VOV
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/bac-sy-mach-cach-phong-benh-cho-nguoi-gia-tre-nho-mua-nom-am-a26762.html