Chính phủ mới ban hành Quyết định 02/2023/QĐ-TTg quy định về khung giá bán lẻ điện bình quân áp dụng từ ngày 3/2. Theo đó, khung giá bản lẻ điện bình quân tối thiểu sẽ là 1.826,22 đồng/kWh; khung giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT). So với khung giá cũ áp dụng theo Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg ngày 25/7/2017, khung giá bán lẻ tối thiểu mới tăng 220 đồng/kWh, khung giá bán lẻ tối đa tăng 538 đồng/kWh.
Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, trên cơ sở giá bán lẻ điện bình quân được xây dựng và mức điều chỉnh giá điện sẽ được quyết định trong khung giá của mức bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phù hợp theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Hiện nay, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo EVN khẩn trương xây dựng các phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg. Trên cơ sở mức giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh nêu trên (trong khung giá), căn cứ cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, Bộ Công Thương sẽ ban hành quyết định quy định giá bán điện cho các khách hàng sử dụng điện, trong đó có các bậc giá nhóm khách hàng sinh hoạt”, ông Hòa cho biết.
Giá điện tăng bao nhiêu là phù hợp?
Đánh giá về khả năng tăng giá điện trong tương lai gần là khó tránh khỏi, nhiều chuyên gia cho rằng, việc trang trải các chi phí tăng cao cho ngành điện là cần thiết và phù hợp với cơ chế thị trường, bởi ngành điện không thể chịu lỗ để bao cấp cho nền kinh tế. Tuy nhiên, giá điện lại là yếu tố đầu vào vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đến chi phí của các DN, nên cần cân nhắc và tính toán kỹ để đưa ra mức tăng và thời điểm tăng cho phù hợp.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, việc điều chỉnh giá bán điện ở mức phù hợp một mặt sẽ cải thiện nguồn tài chính âm của EVN, tránh ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, thu hút đầu tư của phát điện, truyền tải, phân phối điện…nhưng mặt khác cũng sẽ tác động đến mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là cuộc sống của người dân.
Căn cứ trên nguyên tắc của Luật giá cũng như chi phí của ngành điện, Chủ tịch Hội thẩm định giá cho rằng, giá điện hiện hành sẽ phải tăng thêm 15% mới đủ bù đắp chi phí sản xuất kinh doanh của ngành điện. Tuy nhiên, nếu ngay lập tức giá điện tăng 15% sẽ tác động khá mạnh đến lạm phát. Cụ thể là sẽ đẩy lạm phát trực tiếp vòng 1 tăng 0,5%, đó là chưa kể đến tác động đến vòng 2 với những ngành sử dụng nhiều điện khiến giá thành sản xuất thép tăng 0,9%; xi măng tăng 2,25%; giá thành dệt may tăng 1,95%...
“Có thể chia lộ trình tăng giá điện thành 2 đợt, mỗi đợt chỉ tăng từ 7-8% lạm phát vòng 1 của đợt 1 sẽ chỉ tăng 0,2%. Sau đó tiếp tục tính toán, theo dõi đến những tháng cuối năm tình hình thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát trong mục tiêu đề ra mới xem xét điều chỉnh giá đợt 2 là cách giảm thiểu tối đa tác động của tăng giá điện”, ông Thỏa đề xuất.
Ngoài đề xuất hạn chế tác động mạnh của tăng giá điện, ông Thỏa cũng kiến nghị Nhà nước cần phải có giải pháp tổng thể để bình ổn giá, ngăn ngừa tác động từ việc tăng giá điện đến mặt bằng giá của nền kinh tế, các hàng hóa dịch vụ khác, tránh việc lợi dụng tăng giá điện để đẩy mặt bằng giá lên, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Làm rõ chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022
Có thể thấy, việc ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân là căn cứ để tính toán giá bán lẻ điện sinh hoạt, sản xuất cho người dân và DN. Như vậy theo lộ trình này, nhiều khả năng giá điện sản xuất và sinh hoạt sẽ sớm được xem xét và điều chỉnh tăng.
Song theo quan điểm của PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), việc xây dựng phương án giá bán lẻ điện sẽ chỉ được thực hiện trên cơ sở EVN phải hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022; Báo cáo tài chính công ty mẹ và các đơn vị thành viên. Đồng thời, EVN phải làm việc với các đơn vị kiểm toán độc lập có uy tín để kiểm toán các báo cáo theo đúng quy định.
Đồng tình với đề xuất này, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nêu rõ, việc tăng giá điện để phù hợp với chi phí đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh của ngành điện là cần thiết. Nhưng ngành điện cần phải cụ thể, xem xét hoàn cảnh thực tế từ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam cũng như thu nhập của người dân.
“Trước khi đề nghị mức tăng giá điện năm 2023, EVN cần giải trình khoản lỗ sản xuất kinh doanh của EVN trong năm 2022 khoảng 31.000 tỉ đồng. Trong đó, cần làm rõ những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến thua lỗ như hao hụt điện quá định mức, chi phí quản lý nội bộ không nằm trong quy định, tiền lương, thưởng chi sai quy định… sẽ không được đưa vào các yếu tố tính toán để đề nghị tăng giá. Cần mời các đơn vị kiểm toán quốc tế vào kiểm toán những vấn đề này của EVN một cách công khai, minh bạch”, ông Phú nêu.
Theo VOV
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tang-gia-dien-chia-nho-dot-tang-tranh-tac-dong-dong-lon-a26751.html