Tuyển sinh 2023: Nhiều phương thức tuyển sinh, thí sinh rộng cửa vào đại học

Năm nay sẽ tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh .

Các trường đại học vẫn áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh

Năm 2023, cửa vào đại học với nhiều thí sinh tiếp tục rộng mở khi các trường đại học vẫn áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh, thậm chí, một số trường còn tiến đến công nhận kỳ thi riêng của nhau.

Năm nay, cả 8 đợt thi đánh giá năng lực đều được Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vào cuối tuần, từ 10/3 đến 4/6, nhằm thuận tiện cho thí sinh di chuyển. Thí sinh bắt đầu đăng ký từ 6/2 cho các đợt thi tháng 3-4, đến 18/3 đăng ký cho các đợt tháng 5-6. So với năm 2022, thời điểm kết thúc đợt thi cuối của năm nay sớm hơn 1,5 tháng.

Các đợt thi được tổ chức tại 6 tỉnh, thành miền Bắc và Bắc Trung Bộ, gồm Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An. Tổng số địa điểm thi đặt tại các địa phương là 17.

Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến phục vụ 86.000 lượt thí sinh, trong đó hai đợt thi vào giữa và cuối tháng 5 đông nhất, mỗi đợt 15.000. Hơn 60 trường đại học, học viện sẽ dùng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.

Theo đề án công bố của Trường Đại học Công nghệ Tp.HCM, năm nay trường dự kiến xét tuyển gần 10.000 chỉ tiêu trình độ đại học chính quy cho 59 ngành đào tạo theo 4 phương thức xét tuyển.

Các phương thức xét tuyển của Trường Đại học Công nghệ Tp.HCM gồm: Xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023; Xét tuyển kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) 2023 của Đại học Quốc gia Tp.HCM; Xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12 và Xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12). Về tổ hợp xét tuyển, trường áp dụng 4 tổ hợp môn cho mỗi ngành xét tuyển.

Trường Đại học Công nghiệp Tp.HCM, năm nay trường dự kiến tuyển hơn 8.000 chỉ tiêu vào các ngành theo 4 phương thức xét tuyển.

Phương thức 1 là tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng (dự kiến 10% chỉ tiêu); Phương thức 2 là sử dụng kết quả học tập THPT năm lớp 12 (dự kiến 30% chỉ tiêu); Phương thức 3, sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (dự kiến 50% chỉ tiêu) và phương thức 4, sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Tp.HCM tổ chức năm 2023 (dự kiến 10% chỉ tiêu).

Năm 2023 ghi nhận nhiều cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý thí sinh tham gia quá nhiều kỳ thi riêng sẽ lãng phí thời gian, công sức, tạo áp lực thi cử.

Giáo dục - Tuyển sinh 2023: Nhiều phương thức tuyển sinh, thí sinh rộng cửa vào đại học

Học sinh cần biết lượng sức mình lựa chọn trường phù hợp. Ảnh minh họa.

Thí sinh cần lựa chọn đúng tránh lãng phí thời gian

Đa dạng phương thức tuyển sinh đại học mở ra cơ hội cho thí sinh. Tuy nhiên, việc ồ ạt chạy theo trào lưu hay ôm đồm cùng lúc nhiều phương thức mà không lường được khả năng bản thân sẽ tăng áp lực không đáng có.

Vài tháng nữa Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 diễn ra, thời điểm hiện tại các em học sinh lớp 12 tăng tốc ôn luyện. Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên VOV, cô giáo Trần Thị Khánh Hòa, chủ nhiệm lớp 12A trường Tiểu học, THCS và THPT Thực Nghiệm, Hà Nội, trong tổng số 42 học sinh của lớp có khoảng 15 em cùng lúc dự thi lấy chứng chỉ IELTS, thi đánh giá năng lực nhằm gia tăng cơ hội vào trường đại học yêu thích. Gần chục học sinh trong số đó đã thực hiện được lộ trình cô chủ nhiệm hướng dẫn gồm hoàn thành thi và nhận chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong học kỳ 1, tìm hiểu cũng như củng cố, ôn luyện kiến thức sẵn sàng cho hai kỳ thi còn lại.

Theo cô Hòa, mặc dù chứng chỉ ngoại ngữ trong một vài năm trở lại đây thành trào lưu sôi động ở các thành phố nhưng học sinh lớp cô chủ nhiệm đã khá tỉnh táo và đánh giá đúng khả năng để không bị cuốn theo, không phải em nào cũng đăng ký thi.

Trong khi đó, cô giáo Lê Thị Nhung, chủ nhiệm lớp 12C trường Tiểu học, THCS và THPT Thực Nghiệm, Hà Nội cho rằng vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong giai đoạn nước rút này không chỉ dừng ở cung cấp, rèn luyện kiến thức. Đó còn gồm cả phần việc chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn trong lựa chọn, dám từ bỏ những phần thi theo trào lưu nhưng lại không phù hợp với cá nhân học sinh.

Trước băn khoăn về chất lượng tuyển sinh bằng kết quá đánh giá năng lực liệu có đảm bảo, GS.TS Nguyễn Văn Minh cho rằng trước bất kỳ điều gì mới mẻ đều cần có thêm thời gian. Về phía trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ trao đổi với các trường sử dụng kết quả đánh giá năng lực để tuyển sinh và có báo cáo thí sinh tuyển theo diện này chất lượng ra sao. Nhà trường đã từng thực hiện khảo sát kết quả học tập của thí sinh tuyển thẳng từ các đội tuyển của các tỉnh hay thí sinh các trường chuyên để có những đánh giá sát thực tế nhất về mỗi loại hình tuyển sinh.

“Đánh giá tốt nhất chính là bằng kết quả, đó chính là niềm tin cao nhất để các nhà trường lựa chọn.

Bên cạnh đó, TS. Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) cho rằng, những thành công trong mùa tuyển sinh năm nay đã được nhận diện. Tuy nhiên, cũng cần đồng nhất dữ liệu để các trường xét tuyển nhanh hơn.

TS. Võ Thanh Hải viện dẫn, hiện có khoảng 18-20 phương thức xét tuyển. Tuy nhiên, có 2 phương thức được thí sinh lựa chọn chủ yếu để xác nhận nhập học là: Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ THPT. Tỷ lệ nhập học của 2 phương thức này là 88,6%.

Từ thực trạng này, TS. Võ Thanh Hải đề xuất, nên chăng, giới hạn lại một số phương thức xét tuyển trong năm 2023 để tránh sai sót.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT mới đây cũng đưa ra lời khuyên về việc thí sinh và gia đình các em cần có lựa chọn phù hợp, tránh việc chọn tham gia quá nhiều kỳ thi sẽ lãng phí thời gian, công sức, áp lực và gánh nặng về thi cử mà khó có thể đạt được kết quả như mong muốn.

Trao đổi với Vnexpress về công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022. Đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình xét tuyển.

Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, không sử dụng các phương thức không phù hợp, không hiệu quả và không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu Hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.

Bộ GD&ĐT rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh. Trong đó, có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù), mà tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT – tuyển sinh đợt 1, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2022, các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tỷ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả phương thức.

Trúc Chi (t/h)

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tuyen-sinh-2023-nhieu-phuong-thuc-tuyen-sinh-thi-sinh-rong-cua-vao-dai-hoc-a26658.html