Cha mẹ chủ quan khiến da bé sơ sinh bong tróc, bội nhiễm

Bé trai quấy khóc liên tục khi cùng mẹ chờ vào phòng khám bệnh. Hai má em sưng phù và bong tróc, rỉ dịch vàng.

Da mặt bé trai bong tróc, rỉ dịch vàng do chàm sữa. Ảnh: Bích Huệ.

Bé trai 6 tháng tuổi được ba mẹ đưa từ Lâm Đồng đến Bệnh viện Da Liễu TP.HCM khám bệnh. Em được bác sĩ ưu tiên vào khám và cho toa thuốc điều trị trước bởi tình trạng nặng và quấy khóc nhiều.

Anh Lê Xuân Thuận (34 tuổi, bố bé trai) cho biết sau sinh 2 tháng, con bắt đầu có biểu hiện nóng sốt nhẹ, nhiều mảng màu hồng nhạt ở hai bên má và tay chân.

Khi được đưa đi khám tại bệnh viện ở Lâm Đồng, bé được chẩn đoán viêm phổi nặng. Tuy nhiên, bé vẫn sốt lừ đừ. Anh Thuận tiếp tục đưa con đến bệnh viện nhi ở TP.HCM, nhận được chẩn đoán sốt siêu vi.

Sau đó, da mặt bé có nhiều mảng sậm, bong tróc vẩy, anh Thuận mua thuốc corticoid thoa cho con và thấy thuyên giảm, nhưng ngưng thuốc thì tái phát.

"Tôi bận đi làm cả ngày. Mẹ bé cũng cố gắng ngăn bé gãi hay chạm tay lên mặt, nhưng da bé cứ tái phát như thế kéo dài suốt nhiều tháng qua, sau đó lan đến cả tay chân. Chúng tôi cũng rất stress", anh Thuận chia sẻ với Zing.

Thấy tình hình con ngày càng nặng hơn, anh Thuận cùng vợ đưa con đến Bệnh viện Da Liễu TP.HCM. Thời điểm được thăm khám, bé bị viêm da bội nhiễm mức độ khá nặng, hồng ban đỏ, bong tróc, chảy dịch vàng.

be bi cham sua anh 1

Không chỉ ở mặt, tay chân của bé trai cũng bị tróc vảy, viêm nhiễm sau 3 tháng phát bệnh. Ảnh: Bích Huệ.

Bé được chẩn đoán chàm sữa, may mắn tình trạng nhiễm trùng chỉ ở mức độ ngoài da. Bác sĩ cho toa thuốc uống và thuốc thoa, không cần nhập viện.

Theo bác sĩ Trần Duy Cường, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, với mức độ tổn thương này, bé được cho uống kháng sinh, thoa dung dịch thuốc có tác dụng kháng viêm phù hợp cho trẻ em.

Sau khi vết thương khô, bố mẹ có thể dùng thuốc kháng viêm nhẹ dạng kem bôi tại chỗ, khi sang thương tróc mày, bé cần tiếp tục được thoa dưỡng ẩm phù hợp. Sự dưỡng ẩm này giúp giảm kích ứng da, phục hồi và duy trì hàng rào bảo vệ da, từ đó giảm nguy cơ tái phát tổn thương.

Bác sĩ Trần Duy Cường cho biết số liệu thống kê trên thế giới cho thấy khoảng 60% trẻ sơ sinh bị viêm da từ 2 tháng đầu sau sinh.

Với trẻ nhỏ mắc bệnh viêm da cơ địa dưới 2 tuổi, khoảng 20% có biểu hiện bệnh kéo dài, sau 10-12 tuổi, bệnh có thể tự khỏi. Tuy nhiên, tỷ lệ nhỏ khoảng 2-3% không khỏi hoàn toàn (chàm thể tạng) và tái đi tái lại theo suốt sự trưởng thành của bé.

Bác sĩ chuyên khoa II Võ Thị Đoan Phượng, Trưởng khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, cho biết đến nay, các nhà khoa học trên thế giới vẫn chưa thống nhất rõ ràng về nguyên nhân trực tiếp gây bệnh. Các yếu tố ảnh hưởng có thể là gene, bất thường miễn dịch, hàng rào bảo vệ da và yếu tố môi trường.

"Nhiều trẻ sẽ tự khỏi khi lớn lên, nhưng cũng có nhiều trẻ phải sống chung cả đời với căn bệnh này. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ chủ quan, tự mua thuốc corticoid để điều trị cho trẻ, điều này lại là con dao hai lưỡi", bác sĩ Phượng cảnh báo.

Nữ bác sĩ phân tích việc điều trị sai cách, không có chỉ định của bác sĩ có thể khiến trẻ gặp tác dụng trên da như teo, giãn mạch, nhiễm trùng, thậm chí khiến da không thể hồi phục được nữa.

Theo Zing

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/zing-newstap-chi-tri-thuc-truc-tuyen-a26631.html