Theo khuyến cáo của chuyên gia dinh dưỡng, việc giảm cân cần rất thận trọng.
“Bác sĩ ơi, em tăng 5kg rồi!”
Tìm đến bác sĩ dinh dưỡng sau khi trở lại với công việc thường ngày 1 tuần, chị Nguyễn Hà Phan (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Đâu chỉ 7 ngày Tết mà suốt 2 tuần trước đó, hết gặp mặt cuối năm với cơ quan, đến Tất niên gia đình, rồi bạn bè thân, sơ đủ cả... Bác sĩ ơi, em tăng 5kg rồi, giờ làm sao giảm?”.
Điều đáng nói, trước đó chỉ số BIM (chỉ số khối cơ thể) của chị Phan đã ngấp nghé ở mức thừa cân, giờ tăng thêm 5kg, BMI lên con số 24 béo phì độ 1, kèm theo bệnh lý huyết áp cao và chỉ số mỡ máu cao.
Chị Phan chia sẻ thêm, một tuần nay đã chọn giải pháp “nhịn miệng”, nói không với tinh bột, chủ yếu chỉ ăn nhiều rau và hoa quả, nhưng thấy chưa thực sự ổn.
BS. Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám - Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Trường hợp như chị Phan rất thường gặp, đặc biệt là sau mỗi dịp Tết. Nhẹ thì tăng 2 - 3 kg, nhiều thì tăng đến 5kg. Với người bình thường, việc tăng cân như vậy không quá đáng lo, tuy nhiên với người vốn dĩ có thể trạng thừa cân, béo phì, cần kiểm soát, tránh để các nguy cơ bệnh tật khác”.
Còn theo BS. Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bữa ăn ngày Tết thường nhiều tinh bột, các loại carbohydrate đơn giản, dầu mỡ.
Vì vậy, cơ thể dễ dàng tăng cân nếu không kiểm soát tốt việc ăn uống. Việc tăng cân nhanh sẽ dẫn đến tích trữ nhiều mỡ hơn là phát triển cơ.
“Mỡ dư thừa gây nguy hại ngay cả khi chỉ số khối cơ thể (BMI, tính theo cân nặng và chiều cao) vẫn còn trong khoảng bình thường. Tình trạng này được gọi là béo phì với cân nặng bình thường, có thể đưa đến cùng các biến chứng như đái tháo đường loại 2, bệnh tim, các bệnh mạn tính khác và làm tăng nguy cơ tử vong.
Bên cạnh đó, tăng cân nhanh thường là do ăn thức ăn giàu năng lượng, giàu đường đơn giản và mỡ bão hòa, thiếu các chất dinh dưỡng có chất lượng. Vì vậy, dẫn đến mất cân bằng về dinh dưỡng”, BS. Niên thông tin.
BS. Hưng cũng cho biết thêm, ngoài bệnh nhân tăng cân, thì cũng không ít bệnh nhân giảm cân, chán ăn tìm đến với chuyên khoa dinh dưỡng sau dịp Tết.
Nguyên nhân do nhiều người trước đó đã “kén” ăn, vào dịp Tết lại thường xuất hiện các món xào, rán, đồ nếp nên càng khiến họ khó ăn hơn. Dịp Tết, mọi người di chuyển nhiều, thay đổi môi trường, đôi khi cũng bị căng thẳng khiến họ càng biếng ăn.
Chớ nhịn ăn để giảm cân
Do tình trạng tăng cân nhanh chóng, nhiều người tìm đến các phương pháp giảm cân sau Tết. Tuy nhiên, theo BS. Hưng, mọi người cần tỉnh táo trước “ma trận” thông tin, thậm chí chưa được kiểm chứng về giảm cân. Việc lựa chọn các phương pháp cần khoa học, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
“Không thể nhịn ăn để giảm cân bởi chúng ta phải có đủ năng lượng để hoạt động trong cả ngày. Dù muốn giảm cân vẫn cần ăn đủ 3 bữa sáng, trưa, tối nhưng cần kiểm soát lại số lượng trong mỗi bữa, tránh tình trạng nhịn ăn thay bằng uống cốc sinh tố, ăn hoa quà trừ bữa… Năng lượng và lượng đường trong các đồ này rất nhiều”, BS. Hưng cho biết.
Cùng với việc duy trì chế độ ăn uống hợp lý, cần khoảng 100gr trái cây cho một lần ăn và chỉ tối đa 2 lần/ngày. Tuyệt đối không nên dùng hoa quả thay cho các bữa ăn. Bên cạnh việc thay đổi chế độ dinh dưỡng, tăng cường hoạt động thể lực theo khuyến nghị khoảng 30 phút/ngày, với người giảm cân thì cần khoảng 60 phút/ngày. Cần lựa chọn loại hình vận động phù hợp với công việc, sức khỏe của mình để chọn (bơi, đi bộ, chạy, đạp xe đạp, chơi cầu lông…).
Theo khuyến cáo của BS. Niên, giảm cân quá nhanh dẫn đến mất khối cơ, mất nước, giảm chuyển hóa, thiếu chất dinh dưỡng, sỏi mật và nhiều nguy cơ sức khỏe khác. Tốc độ giảm cân nên chậm và đều (khoảng 0,5 - 1 kg/ tuần). Giảm cân từ từ cũng giúp thay đổi thói quen ăn uống, duy trì cân nặng đã giảm lâu dài.
Để giảm cân lành mạnh và giữ được vóc dáng sau Tết, nên giảm đường đơn giản (có trong bánh kẹo, nước ngọt…) và tinh bột.
Song song đó, ăn chậm và ngủ đủ giấc. Ngoài ra, tập luyện thể dục thể thao giúp tạo đề kháng, giữ khối cơ, chống lại tình trạng giảm chuyển hóa khi giảm cân. Có thể lựa chọn tập thể dục ngắt quãng cường độ cao.
Lý giải rõ hơn, BS. Hưng cho hay, mỗi người sẽ có dinh dưỡng khác nhau phụ thuộc thể trạng và các hoạt động thường ngày, tuy nhiên dù giảm cân vẫn phải ăn cân đối 3 chất sinh năng lượng trong từng bữa ăn gồm chất đạm, đường bột và chất béo.
“Thông thường, chúng ta cần mức năng lượng khoảng 1600kcl. Buổi sáng có thể ăn một bát phở hoặc một bát bún 30.000 đồng là đủ lượng và chất. Bánh mì ăn kèm dưa chuột, trứng hoặc bánh mì chả, giò hoặc xôi… Bữa trưa và bữa tối vẫn duy trì khoảng 1 bát rau, cơm có thể duy trì 1 - 1,5 bát, khoảng 100gr thịt, cá, tôm. Với người thừa cân, béo phì hay với những người mắc bệnh lý mạn tính cần kiểm soát thì cách ăn rau chỉ khác hơn một chút đó là ăn rau trước mỗi bữa ăn. Nên đa dạng cách chế biến như luộc, xào, trộn...
Theo báo Giao thông
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tang-can-vu-vu-sau-tet-giam-sao-cho-an-toan-a26526.html